GS Neal Koblitz trong buổi giảng bài tại Viện toán học Việt Nam ngày 25.12
Ngày 25.12, tại Viện toán học - Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, GS Neal Koblitz (Đại học Washington tại Seattle, Mỹ) đã có bài giảng đại chúng chủ đề Những thách thức trong
giảng dạy toán học, từ bậc phổ thông đến bậc tiến sĩ. Trong buổi giảng bài, GS Neal Koblitz đã đưa ra những nhận định sắc sảo, thể hiện góc quan sát đầy cá tính của mình, về việc giảng dạy môn toán và về giáo dục đại học nói chung ở Việt Nam.
Học toán xong thì xin việc ở đâu?
Theo GS Neal Koblitz, ở Việt Nam, con đường lập nghiệp của những người học toán thường là 1 trong 5 nhánh: (1) giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học hoặc các viện nghiên cứu, (2) vào các cơ quan nhà nước, (3) làm việc trong các công ty tư nhân, (4) rời Việt Nam ra nước ngoài (ta thường gọi là chảy máu chất xám), (5) cuối cùng thì họ có thể không làm toán nữa mà tìm việc khác để làm. Vậy việc dạy và học toán ở trường đại học phải làm sao để các nhánh (1) đến (3) là khả thi, để người học toán không còn cần đến các nhánh (4), (5)?
Bày tỏ sự cảm thông với mơ ước của người Việt muốn con em mình được hưởng nền giáo dục hàng đầu, có công ăn việc làm ổn định, có bằng cấp danh giá, nhưng GS Koblitz cho rằng, điều này chỉ có thể thực hiện được khi Việt Nam mở rộng và nâng cao chất lượng các trường đại học (không còn cách nào khác!), có nghĩa là đại học cần có nghiên cứu, giảng dạy trình độ cao trong khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, toán thuẩn túy cũng toán học ứng dụng, ngoài ra là văn học, lịch sử Việt , hay các môn học nhân văn khác…
Trong khi đó, thực tế ở Việt Nam đang có những đơn vị tự xưng là trường đại học mà thực chất không phải như vậy. Thậm chí, một đại học có 100% vốn đầu tư nước ngoài vẫn được giới quan tâm trong nước kỳ vọng sẽ góp phần mang đến làn gió mới cho giáo dục đại học Việt Nam là Trường đại học Fulbright Việt Nam, thì theo GS Neal Koblitz, đó vẫn không phải là một đại học đúng nghĩa khi mà mục tiêu mở trường của các nhà đầu tư là không phải làm giáo dục, mà là vì chính trị, với ý định “mở rộng ảnh hưởng của Mỹ”.
GS Neal Koblitz khuyến cáo: “Chính vì lý do này mà Việt Nam nên ưu tiên cho việc cải thiện, cũng như nâng cấp chất lượng các đại học trong nước. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu của người Việt, và giúp đảm bảo việc làm chất lượng cao cho nghiên cứu sinh sau khi họ nhận bằng tiến sĩ toán học thuần túy hay toán học ứng dụng”.
Đặt vấn đề liệu những thạc sĩ và tiến sĩ đang tìm việc có thể tìm thấy cơ hội việc làm ở khu vực công nghiệp, nơi có những công việc trình độ cao cần sử dụng kiến thức về toán mà họ được đào tạo hay không, vị GS này ngay sau đó tự trả lời: "Ở Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia đang phát triển khác, câu trả lời đáng buồn là có rất ít. Điều này khá chính xác với các công ty quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam, khi mà ở Việt Nam hoạt động của các công ty này phần lớn là tập trung vào tiếp thị và sản xuất. Rất ít các công ty có bộ phận
nghiên cứu - phát triển ở Việt Nam”.
Nêu ví dụ về Intel Việt Nam, GS Neal Koblitz cho biết chính trên trang web của công ty giới thiệu họ chỉ có ở Việt Nam (tại TP.HCM) một cơ sở lắp ráp và một văn phòng bán hàng và tiếp thị, nên có thể nhận thấy dĩ nhiên ở đó không có chỗ cho người có bằng tiến sĩ làm việc.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số ít các quốc gia khác thì Intel có bộ phận nghiên cứu - phát triển. “Việt Nam cần gia nhập hàng ngũ các quốc gia, nơi mà các công ty công nghệ cao thực hiện nghiên cứu. Việt Nam là quốc gia có trình độ dân trí cao hơn các quốc gia khác có cùng trình độ phát triển về kinh tế, điều này sẽ hấp dẫn các công ty công nghệ cao”, GS Koblitz bình luận, rồi chia sẻ thêm: “Theo tôi, những công ty quốc tế hoạt động ở Việt Nam đang mắc sai lầm to lớn khi chỉ đầu tư vào tiếp thị và sản xuất, họ không nhìn thấy cơ hội to lớn khi tuyển dụng những nhà nghiên cứu có trình độ cao để cống hiến cho sự phát triển nghiên cứu”.
Cảnh báo xu hướng sùng bái phương Tây quá đà
Theo nhận xét của GS Koblitz, tâm lý người dân Việt Nam hiện đang có biểu hiện tương tự như người dân các nước đang phát triển khác, đó là có xu hướng sùng bái tâng bốc những văn hóa, những trường đại học của Mỹ hay các quốc gia châu Âu, và có xu hướng chê bai những trường và những viện của nước mình.
GS Koblitz nêu ví dụ: “Rất nhiều người ở Ấn độ, Trung Quốc tin rằng tấm bằng của Đại học Alabama là danh giá và có giá trị hơn tấm bằng tại Viện công nghệ Ấn độ hoặc tại Trường Đại học Thanh Hoa, trong khi đây là những trường đại học hàng đầu trên thế giới. Tôi nói đến Đại học Alabama ở Mỹ vì đây là trường nổi tiếng vì đội bóng bầu dục của họ. Huấn luyện viên đội bóng bầu dục của họ nhận mưc lương rất cao, là 11 triệu USD/ năm”, rồi đặt câu hỏi “Một năm chi trả 11 triệu USD cho huấn luyện viên đội bóng thì còn đâu tiền để chi trả cho học thuật, cho nghiên cứu?”.
GS Koblitz cho rằng, ở Việt Nam cũng xảy ra tình trạng tương tự. Một số người nghĩ rằng học tại Trường Cao đẳng cộng đồng Houston (chi nhánh tại Việt Nam) hay tại Đại học Fulbright tốt hơn tại Đại học Quốc gia Hà Nội. “Sự ngớ ngẩn này là ví dụ của chủ nghĩa thực dân nội địa hóa”, GS Neal nói.
Theo GS Koblitz, chủ nghĩa thực dân nội địa hóa có ảnh hưởng tiêu cực đối với các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác. Cụ thể có 2 tác động tiêu cực từ việc coi trọng quá mức đối với bằng cấp nước ngoài. Một là một người có trình độ thấp hơn lại được nhận việc thay những người trình độ cao hơn nhưng (chỉ) có bằng trong nước. Thứ hai, thiên vị này là một dạng của ưu tiên giai cấp đối với những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, có thể chi trả mức học cao. Điều này có nghĩa là những người trẻ có công việc thu nhập cao vì gia đình họ giàu chứ không phải vì thực lực của họ.
Việt Nam vẫn nên học hỏi từ nền giáo dục đại học Mỹ
Mặc dù tỏ ra không hài lòng với nhiều điểm trong giáo dục đại học Mỹ, GS Koblitz vẫn chỉ ra nhiều ưu điểm về mô hình phát triển của nền giáo dục đại học này, mà nổi bật là tính phi tập trung và tích hợp hoạt động giảng dạy với nghiên cứu.
Tính phi tập trung thể hiện ở chỗ các trung tâm nghiên cứu hàng đầu được phân bổ ở nhiều vùng và thành phố. Vào thế kỷ 20, Mỹ xây dựng các đại học công lập của họ thành những trung tâm nghiên cứu chính. Đây là cơ hội tốt cho những nghiên cứu sinh không được giữ lại những nơi được gọi là trung tâm.
“Trong một số trường hợp, tôi phản đối quan điểm Việt Nam nên bắt chước hệ thống của Mỹ. Trong các chuyến thăm của mình, tại các nước châu Á, châu Mỹ tôi thường nói hầu hết bài học của Mỹ các bạn không nên học theo. Thường là các bài học tiêu cực. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển toán học, có 2 bài học tích cực mà Việt Nam có thể học hỏi từ Mỹ. Đầu tiên là cải thiện mở rộng các trường đại học khu vực. Những nhà toán học nên trực tiếp giảng dạy các cử nhân, những sinh viên đã tốt nghiệp (nhưng không nhiều, phải đảm bảo thời gain cho việc nghiên cứu).
Việc các nhà nghiên cứu hoạt động hay làm việc tại các trường đại học giúp tăng hạng cho trường đại học. Họ có ảnh hưởng trực tiếp tới thế hệ toán học sau này. Nếu công việc giảng dạy không quá nặng nề thì nó cũng kích thích sự đam mê nghiên cứu của họ”, GS Neal Koblitz chia sẻ.
Theo GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện toán học Việt Nam, GS Koblitz là một nhà toán học rất nổi tiếng trong lĩnh vực mật mã học. Trong toán học, các công trình thường ít được trích dẫn, nhưng các bài báo của GS đã được trích dẫn hơn 16.500 lần, một con số rất khủng khiếp đối với các nhà toán học. Đặc biệt, ông là một nhà hoạt động xã hội tích cực, là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ nay. Thời kỳ quan hệ Mỹ - Việt Nam chưa được bình thường, GS Koblitzlà một trong những người tham gia hoạt động tích cực trong ủy ban Mỹ hợp tác với khoa học Việt Nam, ủy ban này khi đó là cầu nối duy nhất giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học Mỹ. Ông cùng với vợ là GS Ann Hibner Koblitz thành lập Giải thưởng Kovalevskaia để tôn vinh các nhà khoa học nữ ở các nước đang phát triển. Nhiều nhà khoa học nữ của Việt Nam đã được nhận giải thưởng này. |
Theo Thanh niên