leftcenterrightdel
Theo GS. TS. Trần Thị Lý, Việt Nam có thể phát huy khả năng 'xuất khẩu' giáo dục. 

Là người có nhiều nghiên cứu và viết sách về giáo dục Việt Nam, giáo dục quốc tế. Bà đánh giá thế nào về tiềm năng “xuất khẩu” giáo dục của nước ta hiện nay và trong tương lai?

Việt Nam hiện đã có một số trường đại học rất năng động và sáng tạo trong việc nắm lấy cơ hội xây dựng các chương trình quốc tế hóa và xuất khẩu giáo dục.

Trong 10 năm qua, quốc tế hóa giáo dục ở một số ngành và trường đại học đã có những bước tiến đáng kể, giúp Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy. Qua đó, tiến gần hơn với sự phát triển trong giáo dục đại học của các nước trong khu vực ASEAN và thế giới.

Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về giảng dạy, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, trao đổi sinh viên và giáo viên, hợp tác và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các kết quả vào thực tiễn. Nâng cao thương hiệu và thứ hạng một số trường đại học.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa cơ hội để hội nhập quốc tế và xây dựng nguồn nhân lực cho đất nước. Việt Nam đã có những thành công nhất định trong lĩnh vực hợp tác xây dựng các chương trình quốc tế và xuất khẩu giáo dục ngắn hạn.

Đặc biệt, nước ta hiện đang là điểm đến thứ tư của sinh viên Australia cho các khóa thực tập và học tập ngắn hạn trong chương trình Colombo mới. Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Australia, từ 2014 đến 2018, số lượng sinh viên Australia sang học và thực tập ở Việt Nam, được tài trợ bởi chính phủ Australia theo chương trình New Colombo Plan tăng hơn năm lần, đạt đến 3,612 vào cuối năm 2019.

Những bước tiến trong 10 năm qua cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể phát huy khả năng quốc tế hóa giáo dục thay vì chỉ là nước “nhập khẩu” giáo dục như trước đây hoặc quốc tế hóa “manh mún”, chỉ tập trung vào “vay mượn” chương trình, hay dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính của khóa học.

Như bà vừa chia sẻ, Việt Nam hoàn toàn có thể “xuất khẩu” giáo dục, thu hút sinh viên quốc tế đến Việt Nam. Vậy bà có thể “mách nước” để nước ta trở thành điểm đến được ưa chuộng, bền vững của sinh viên quốc tế?

Để phát huy những tiềm năng này, trước tiên Việt Nam cần phải có tổ chức đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam đứng ra quảng bá hình ảnh. Các trường cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong các mảng quốc tế hóa giáo dục và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Qua đó cùng nhau xây dựng ngành và thương hiệu giáo dục quốc tế Việt Nam, đặc biệt là trong một số lĩnh vực sau:

Việt Nam với tư cách là một trung tâm khu vực cung cấp các khóa học ngắn hạn tập trung vào bồi dưỡng/nâng cao chuyên môn ở các ngành trọng điểm trong khu vực, các khóa trao đổi theo học kỳ và các khóa du học ngắn hạn hay thực tập trực tiếp và trực tuyến. Các khóa học ngôn ngữ cho sinh viên quốc tế như tiếng Anh và tiếng Việt.

Không chỉ các khóa liên kết quốc tế truyền thống đào tạo cử nhân hay thạc sĩ mà còn các khóa ngắn như các khóa quốc tế đào tạo kỹ năng ở các ngành trọng điểm và các chứng chỉ vi mô. Tận dụng các cơ hội mang lại bởi công nghệ kỹ thuật số, học tập kết hợp và trực tuyến.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần phải hợp tác chặt chẽ với các ngành khác như du lịch, văn hóa, ngoại giao để xây dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến thu hút đối với sinh viên Australia.

leftcenterrightdel
Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực học tập, thực tập ngắn hạn. (Nguồn: DĐDN) 

Việt Nam cần cập nhật xu hướng mới trên thế giới về kết hợp thế mạnh của hợp tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và quan hệ song phương với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ví dụ như chương trình Đào tạo kỹ năng quốc tế của Australia (International Skills Training) xem Việt Nam là một trong 7 nước (cùng với Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Colombia, Brazil, Mexico và Hàn Quốc) mà Australia ưu tiên hợp tác đào tạo kỹ năng cần thiết và nâng cao chuyên môn (upskilling and reskilling) cho các ngành trọng điểm.

Đây là cơ hội hợp tác quốc tế trong đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Việt Nam qua các khóa học ngắn hạn ở các ngành trọng điểm, đồng thời hỗ trợ phát triển mối quan hệ song phương qua giáo dục.

Các quy định về hợp tác xây dựng chương trình liên kết hay quốc tế cũng cần linh hoạt trong bối cảnh đan xen giữa trực tuyến và quốc tế hóa giáo dục, kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong dạy học như hiện nay.

Cùng với đó, Việt Nam cần chỉnh sửa, thay đổi các quy định liên quan đến kiểm định chất lượng các mô hình mới phát triển này để bảo đảm tính linh hoạt, năng động và sáng tạo đi kèm chất lượng trong các chương trình liên kết quốc tế.

Nếu làm được như thế, Việt Nam có thể đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực học tập, thực tập ngắn hạn.

Trong xu hướng thuận lợi đó, các trường đại học của Việt Nam cần nhanh nhạy và biết nắm thời cơ thế nào?

Các trường đại học Việt Nam có thể đầu tư xây dựng các khóa học ngắn hạn linh hoạt và sáng tạo cho sinh viên quốc tế. Ví dụ, với các khóa học 3 tháng, chúng ta có thể dành 1 tháng cho sinh viên học tập tại các trường đại học, đi thực tập 1 tháng và 1 tháng còn lại kết hợp với ngành du lịch để giúp sinh viên tìm hiểu văn hóa, đời sống của người dân Việt. Nhờ thế, các khóa học này sẽ hiệu quả và thú vị hơn.

Bên cạnh đó, các trường đại học Việt Nam cần xem xét tận dụng các cơ hội và sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật số để hợp tác với các trường trên thế giới.

Qua đó, nhằm xây dựng các khóa học ngắn hạn và chương trình thực tập trực tuyến hay dạng kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Chúng ta cần đa dạng hóa các mô hình xuất khẩu giáo dục và cung cấp cho các đối tác tiềm năng trong xuất khẩu giáo dục nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của họ trong bối cảnh Covid-19 và hậu Covid-19.

Các trường đại học cũng nên xem xét tính đồng bộ, đan xen và kết hợp hỗ trợ lẫn nhau giữa các mảng quốc tế hóa giáo dục trong trường mình, thay vì mỗi mảng hoạt động riêng lẻ.

Cần có chính sách gì để hỗ trợ các trường đại học phát huy tiềm năng trong việc quốc tế hóa giáo dục, theo bà?

Theo tôi, cần có chiến lược hợp lý để liên kết chặt chẽ hơn các mảng quốc tế hóa giáo dục. Trong đó, hợp tác quốc tế về giảng dạy, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, trao đổi sinh viên và giáo viên. Đồng thời, hợp tác nghiên cứu khoa học và nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học.

Việt Nam cũng có thể học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Đó là các chiến lược sử dụng hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học, làm công cụ để tăng cường quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Xin cảm ơn bà!

PGS.TS Trần Thị Lý (Đại học Deakin, Australia), là nhà khoa học có tiếng với nhiều đóng góp lớn trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật và giảng dạy.

- Năm 2019, từng được tạp chí Forbes Việt Nam công bố là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

- Là một trong hai nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Noam Chomsky - Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu năm 2020. 

Theo baoquocte