Con trai thương của mẹ,

Mẹ nhớ mãi những ngày con lẫm chẫm tập đi trên đôi giày bé nhỏ phát ra âm thanh chít chít vui tai. Bước chân con còn non nớt, vấp ngã không biết bao lần. Khi đó, thấy con khóc òa, lòng mẹ nhói lên từng cơn. Nhưng thay vì vội vàng nâng con dậy, mẹ chọn cách đưa tay để con nắm vào và tập giữ thăng bằng rồi tự đứng lên. Con dựa vào lòng mẹ, mẹ choàng tay ôm lấy con, vỗ về từng tiếng nấc.

Cậu bé trong vòng tay mẹ ngày nào đã khoác lên mình bộ đồng phục tiểu học, tự mang giày quai hậu cùng chiếc ba lô trên lưng bước vào lớp Một. Ánh mắt con ngập tràn sự bỡ ngỡ khi đối diện với thế giới mới mẻ. Con yêu à, mẹ biết rằng bất kỳ sự khởi đầu nào cũng có gian nan và thử thách. Nhưng con hãy yên tâm, mẹ sẽ luôn ở bên, đưa tay ra và đồng hành cùng con trên mọi bước đường.

2 mẹ con tiết kiệm tiền cho “Quỹ vào lớp Một” - Ảnh do nhân vật cung cấp
2 mẹ con tiết kiệm tiền cho “Quỹ vào lớp Một” - Ảnh do nhân vật cung cấp

Mùa thu mang những cơn gió mát lành khe khẽ thổi qua từng tán lá. Nắng cũng trở nên dịu dàng và ấm áp hơn, như muốn tiếp thêm động lực cho con bắt đầu hành trình mới. Từ anh cả của trường mầm non, nay con là em út của ngôi trường tiểu học - ngôi trường mà thi thoảng mẹ chở con qua để dần quen với cung đường, cảnh vật, sinh hoạt của các anh chị đi trước hay lắng tai nghe tiếng trống trường báo hiệu giờ ra chơi và giờ vào lớp.

Mẹ dừng lại góc sân hồi lâu để những hình ảnh xa lạ dần trở nên quen thuộc với mẹ con mình. Từ cây bàng già bao mùa thay lá, cây phượng vĩ hoa tựa đôi cánh bướm, bác bảo vệ luôn nụ cười, cô giáo trẻ trong tà áo dài, những cô - cậu bé tay mân mê chiếc khăn quàng đỏ, miệng í ới đùa vui không ngớt.

Ngoài làm quen với trường lớp, mẹ cũng tập cho con thói quen tiết kiệm. Khi con được mừng tuổi hay lúc mẹ có những tờ tiền mệnh giá nhỏ, 2 mẹ con sẽ cho vào ống heo và đặt tên “Quỹ vào lớp Một”. Mẹ giải thích: con cần chuẩn bị từ học phí, đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập và chi phí những bữa ăn bán trú. Ngoài ra cũng cần khoản dự phòng để con tham gia những chuyến ngoại khóa hay đóng góp vào quỹ thiện nguyện của trường, để giúp đỡ những em bé có hoàn cảnh khó khăn.

Sau buổi nói chuyện ấy, 2 mẹ con bắt tay vào thực hành. Hộp tiết kiệm đầy ắp những tờ tiền 1.000, 2.000 cho đến 20.000 đồng. Thi thoảng con mở hộp tiết kiệm ra đếm: “1 tờ, 2 tờ, 3 tờ, mẹ ơi quá chừng tờ luôn”. Có lúc con lại hỏi bao nhiêu tờ thì đủ để vào lớp Một. Mẹ hạnh phúc khi thấy con thể hiện trách nhiệm từ những điều nhỏ bé.

Mẹ dặn con “tiên học lễ, hậu học văn” với mong mỏi con luôn đặt lễ nghĩa lên hàng đầu, kiến thức văn hóa là quá trình nỗ lực theo sau. Hành trang mẹ tặng con còn là lời chào, lời cảm ơn và xin lỗi. Khi con muốn phát biểu, hãy đưa tay “dạ thưa cô” rồi nói. Giờ ra chơi con khoan chạy vội, nhìn trước nhìn sau để không trúng bạn mình. Lỡ con té ngã, cứ bình tĩnh, xác định vết thương và phương hướng để vững vàng đứng dậy. Con biết không, nỗi đau và nỗi sợ hãi là thứ chỉ có chính ta có thể vượt qua. Mẹ không thể sống thay cuộc đời của con, vậy nên ở môi trường mới hay bất kỳ đâu, con hãy biết bảo vệ bản thân mình.

Con yêu à, mẹ muốn con hiểu rằng điểm số không quyết định hoàn toàn thành công, cũng không phải thước đo để con so sánh bản thân mình với bất kỳ ai. Chỉ cần con của hôm nay đã nỗ lực và tin tưởng chính mình hơn hôm qua là đủ. Lớp Một như bậc thang đầu tiên trên hành trình trưởng thành và mẹ mong con sẽ luôn mạnh dạn, tự tin bước về phía trước. Mẹ sẽ luôn ở đây, bên cạnh con.

Theo phụ nữ TPHCM