Có những địa danh chỉ thuần là tên gọi nhưng cũng có những địa danh gắn liền với cốt cách, sinh hoạt và ký ức riêng - chung của bao lớp người mà mỗi khi nhắc đến, lòng lại bồi hồi cảm xúc khó tả.

Sinh năm 1953, vốn là kỹ sư điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội và từng tham gia chiến đấu ở nhiều mặt trận, Vũ Công Chiến đến với văn chương rất muộn, khi đã ngoài lục tuần.

Bằng lối viết tự sự, trữ tình, với Hồi ức lính (2017), ông đã được Hội Nhà văn Hà Nội trao thưởng cho tác phẩm đầu tay xuất sắc. Cuốn Kim Liên một thuở (2019) của ông cũng nhận được đề cử giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 7. Ở tản văn mới nhất của Vũ Công Chiến - Có một Hà Nội trong tôi - hồi ức của một người, một đời hòa nhịp cùng hồi ức của thủ đô.

Tập tản văn nhỏ này ngập tràn những hồi ức, cảm xúc, suy tư, trăn trở của một người tuy không sinh ra ở Hà Nội, chưa từng nhận mình là “người Hà Nội gốc” nhưng lại tường tận từng ngõ ngách chằng chịt của thành phố này.

Ông bộc bạch: “Tôi sống gần như cả đời ở Hà Nội. Vì thế, tất cả ký ức đời tôi gắn liền với Hà Nội cùng những đổi thay của nó”. Trong cuốn phim chiếu chậm nhuốm màu thời gian của Vũ Công Chiến, những chặng đường đời của ông song hành với những dấu mốc lịch sử của Hà Nội “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

Trang sách quay ngược thời gian về những năm 1950, theo chân cậu bé Vũ Công Chiến cùng cha mẹ từ chiến khu chuyển về thủ đô sinh sống. Được sự tận tình giúp đỡ của bà con xung quanh, dần dà họ hòa nhập với nhịp sống nơi đây. Tất cả tạo nên những ký ức hồn nhiên và yên bình dù thiếu thốn, nghèo khó của tác giả, được khắc họa đậm nét trong phần Hà Nội, gia đình và tuổi thơ tôi.

Trong khi đó, thước phim Hà Nội, một thời tuổi trẻ ghi lại những ngày Hà Nội đánh Mỹ, trên trời loáng thoáng máy bay Mỹ, dưới đất đầy hầm trú ẩn, không gian vẳng tiếng đạn bom và bao lớp thanh niên sục sôi nhiệt huyết ra đi “không hẹn ngày trở lại”.

Qua những câu chuyện của tuổi thơ và tuổi trẻ tác giả Vũ Công Chiến, con người và nơi chốn đã hòa làm một, sẻ chia quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Trong những hồi ức cá nhân ấy, nhiều cái chung đã trở thành ký ức tập thể và nhận diện được cả những vết dấu của một thời đã xa.

Đó là nếp sinh hoạt gắn với phố phường qua trò chơi của trẻ con và những sinh hoạt thường nhật: trò dính chuồn chuồn, trộm vịt; giặt giũ, bơi lội ở Tây Hồ; không khí sôi nổi, khẩn trương của cuộc kháng chiến chống Mỹ và dựng xây đất nước; cuộc mưu sinh vất vả ở sông Hồng; cảnh xếp hàng đổi tem phiếu và trên hết là những món ăn độc đáo, đầy phong vị quê hương (cà cuống, bánh tôm, bún ốc).

Trong phần cuối - Một nét riêng tư gợi nhắc cho ai… - tác giả đã chọn lọc những dấu ấn văn hóa đặc sắc để từ vài nét chấm phá cho một Hà Nội đương thời với đủ âm thanh và màu sắc, có cũ có mới, có hiện tại và quá khứ đan xen.

Trong một tách cà phê, đĩa bánh cuốn, thú chơi xuân, một góc hồ Tây, những hàng cây, từng ô cửa sổ phôi pha theo thời gian và những ngôi nhà cổ đầy ký ức, hồn cốt của thành phố ngàn năm văn hiến từng nhiều lần đi vào thi ca hiện lên rõ ràng: thanh lịch, đằm thắm và ấm áp tình người như nét đẹp thuần khiết của bông hoa nhài trong câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Từ Hà Nội trong tâm tưởng tác giả, mỗi người đọc sẽ khám phá ra một Hà Nội của bao thế hệ và một Hà Nội của riêng mình. 

Theo phụ nữ TPHCM