Nguyễn Thị Hải Yến (bìa trái) và Nguyễn Thủy Tiên (bìa phải) tại buổi lễ trước khi du học do Đại sứ quán Australia tổ chức
Viết tiếp ước mơ cho chị gái
Khi còn là một cô sinh viên năm 2, khoa Luật trường Đại học Đà lạt, chị gái Thủy Tiên (chị Thương Nguyễn) đã đạt học bổng năm 2009, với ngành Quản trị Truyền thông - tại Đại học Công nghệ Sydney. Những trải nghiệm học tập, cuộc sống ở Australia và những người bạn cùng trong mạng lưới làm việc của chị đã gieo cho Thủy Tiên những ao ước đầu tiên rằng một ngày nào đó cô cũng sẽ được học tập đất nước xinh đẹp này.
Cuối năm 2012, chị gái Thủy Tiên không may mắc bệnh ung thư vú, khi phát hiện ra thì bệnh đã ở giai đoạn rất muộn. Chị Thủy Tiên khao khát mãnh liệt xây dựng một cộng đồng hỗ trợ bệnh nhân ung thư vú bằng cung cấp các thông tin đúng đắn nhằm phát hiện bệnh sớm cho cộng đồng và các hỗ trợ giúp bệnh nhân, người thân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong suốt thời gian sống, chị gái Thủy Tiên đã dành những kiến thức đã học tại Úc để xây dựng các chiến dịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Trong suốt thời gian làm việc cùng với chị trong Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - Breast Cancer Network Vietnam (BCNV), Thủy Tiên đã làm việc với động lực duy nhất là vì chị gái mình.
Nhưng sau khi chị mất (tháng 3/2015), khi một mình quản trị và dẫn dắt BCNV, Thủy Tiên nhận thấy bản thân không hề có kiến thức về mảng Phát triển cộng đồng, thiếu rất nhiều kiến thức về điều hành tổ chức. Và đó là lúc Thủy Tiên khao khát được đi học, khao khát ấy thôi thúc cô đi tìm kiếm sự giúp đỡ, tìm kiếm các thông tin để làm hồ sơ nộp học bổng.
Giành được học bổng Chính phủ Australia ngành học Thạc sỹ Phát triển Quốc tế, Đại học RMIT, bang Victoria, Thủy Tiên hy vọng khóa học sẽ cho cô những kiến thức và kỹ năng để quay trở về xây dựng tổ chức mình phát triển một cách bền vững và chuyên nghiệp hơn. Từ đó tạo ra các tác động xã hội lớn hơn trong mảng giáo dục, sức khỏe cộng đồng.
Trước ngày lên đường du học, Thủy Tiên chia sẻ kinh nghiệm giành học bổng của mình: Học bổng Chính phủ Australia là một học bổng tuyệt vời với khóa học tiếng Anh trước khi lên đường được sắp xếp phù hợp với trình độ của từng ứng cử viên, tôi nghĩ đây là một rào cản rất lớn với cá nhân tôi và có thể với nhiều ứng cử viên khác. Nhưng hãy tin tôi đi, nếu bạn được nhận điều kiện offer, điều này có nghĩa là một cánh cửa thật lớn đang mở ra trước mắt.
Và bạn sẽ không phải bước đi một mình đâu, vì sẽ rất nhiều các anh chị tại văn phòng học bổng sẽ luôn hỗ trợ để giúp bạn đạt được chìa khóa mở cánh cửa ấy. Việc của các bạn là hãy nỗ lực hết sức có thể, và hãy tin vào bản thân, vì bạn sẽ xứng đáng được ghi nhận để trao tặng một học bổng xứng đạt với những nỗ lực ấy.
Hỏi mong ước của Thủy Tiên lúc này là gì, cô cười tươi: Tôi mong mình có một sức khỏe thật tốt để thích nghi nhanh với môi trường sống, điều kiện thời tiết mới và trải nghiệm hết mình trong một môi trường học tập tuyệt vời tại Úc!
Nguyễn Thủy Tiên, Nguyễn Thị Hải Yến và bà Karen Lanyon - Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP Hồ Chí Minh
Mong có thể tạo nhiều cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Nguyễn Thị Hải Yến là người khuyết tật do di chứng bại liệt. Cô làm việc tại một công ty may mặc. Từ nhu cầu tự thân để nâng cao trình độ, tích luỹ thêm kiến thức ở bậc cao học, đặc biệt là chương trình học bổng quan tâm đến các ứng viên người khuyết tật trong việc giúp đỡ, hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện đặc thù cũng như cấu tạo những chương trình phù hợp, và khả năng chu cấp tài chính đầy đủ cho ứng viên trong quá trình học tập, Hải Yến đã tìm đến học bổng Chính phủ Australia. Và cô đã nỗ lực trau dồi kiến thức để giành được học bổng này.
Trong quá trình làm việc việc, Hải Yến nhận thấy người khuyết nói chung và khuyết tận vận động, khiếm thính nói riêng là nguồn nhân lực dồi dào tại các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ. Cô đã thử tiến hành hỗ trợ người khuyết tật nhận việc làm tại nhà máy một cách cảm tính với sự cảm thông là người trong cuộc.
Song có nhiều lúc, Hải Yến cảm thấy lúng túng về mặt phương pháp, định hướng triệt để nhằm đi đến mục đích giải quyết vấn đề theo số đông và thuyết phục được nhiều chủ doanh nghiệp.
Do vậy, cô hi vọng rằng khóa học Thạc Công tác xã hội tại Đại học New England mà cô sẽ được đào tạo tại Australia trong thời gian tới sẽ là chìa khoá sẽ giúp giải quyết những vướng mắc trên.
Sau khi học xong, Hải Yến hy vọng qua kiến thức, phương pháp, kỹ năng được trang bị, nhất là những gì liên quan đến người khuyết tật, cô sẽ vận dụng một cách hiệu quả qua các đề nghi, dự án nhằm sớm tìm kiếm khả năng tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật, giúp họ cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình.
Từ những trải nghiệm bản thân, Hải Yến mong các ứng viên tiềm năng là người khuyết tật là luôn vượt qua khiếm khuyết thân thể, đặc biệt là không tự ti, mặc cảm. Luôn cầu tiến, nỗ lực không ngừng trên con đường học tập và đời sống bằng chính nghị lực và ý chí để đặt mục đích vào gần tầm tay mình.
Theo Dân trí