|
|
Bữa trưa của học sinh Hàn Quốc. |
Sau hơn 10 năm, hoạt động này đã đạt nhiều hiệu quả, giúp học sinh có những bữa ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng.
Khi chuông báo đến giờ ăn trưa vang lên, hàng trăm học sinh tại Trường Trung học Nữ sinh Changdeok, Seoul, tập trung ở căng-tin, cầm theo khay đựng thức ăn và thìa. Các em lần lượt lấy súp bánh cá, cơm trộn, bánh mì socola và kem xoài cho một bữa trưa nóng hổi và đầy đủ chất dinh dưỡng như ở nhà.
Bà Kim Young-hwa, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đây không phải món ăn được hâm lại hay sản xuất dây chuyền. Chúng tôi nấu bữa trưa đủ dinh dưỡng và ngon miệng mỗi ngày với nhiều lựa chọn đa dạng, đáp ứng nhu cầu ăn uống của học sinh”.
Để chuẩn bị, nhân viên nhà ăn phải có mặt ở căn-tin từ sáng sớm sơ chế nguyên liệu. Họ hiểu rằng với trẻ em Hàn Quốc đang phát triển, thức ăn ngon cũng quan trọng như học tập.
Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới tổ chức bữa trưa miễn phí cho tất cả trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông nhằm đảm bảo các em được tiếp cận thực phẩm sạch và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Sáng kiến bữa trưa miễn phí đã có một khởi đầu khó khăn.
Các trường học ở thành phố Gwacheon, tỉnh Kyunggi là những nơi đầu tiên bắt đầu chương trình bữa trưa miễn phí vào năm 2011. Cùng năm, Seoul cũng triển khai kế hoạch trên nhưng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. 10 năm sau khi tranh cãi nổ ra, dự án được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc với năm 2021 phổ cập cho toàn bộ học sinh tiểu học đến trung học và năm 2022 tiếp cận trẻ em mẫu giáo.
Chính phủ, thông qua các văn phòng giáo dục, chi trả khoảng 67% chi phí còn chính quyền địa phương chi trả 33% còn lại. Con số này có thể khác nhau tuỳ theo khu vực.
Đằng sau chương trình bữa ăn học đường là hơn 83.500 nhân viên phục vụ gồm nhà giáo dục dinh dưỡng, chuyên gia dinh dưỡng, đầu bếp, nhân viên... Họ được đào tạo về cách hình thành thói quen ăn uống đúng và hiểu rõ về hệ thống sản xuất, tiêu thụ thực phẩm.
Đặc biệt, các chuyên gia dinh dưỡng sẽ lên kế hoạch cẩn thận cho từng bữa ăn, đảm bảo tuân thủ hướng dẫn nghiêm ngặt về chế độ ăn uống và mục tiêu dinh dưỡng cho tất cả học sinh nhưng đảm bảo bữa ăn hợp khẩu vị.
Theo đó, một khay thức ăn phải chứa protein, vitamin A và C, vitamin B2, canxi và sắt... Khẩu phần được cá nhân hóa dựa trên độ tuổi của học sinh và lượng calo phù hợp với sự phát triển của các em.
Ngoài ra, trường học sử dụng nguyên liệu theo mùa, có nguồn gốc địa phương. Để đáp ứng khẩu vị đa dạng của học sinh, các trường thỉnh thoảng sẽ thay đổi thực đơn thông thường bằng cách chế biến các món như bánh mì sandwich, mỳ Ý, pizza... Đơn cử, Trường THCS Bisan, tỉnh Kyunggi chuẩn bị bữa trưa gồm đuôi tôm hùm nướng phô mai, mì Ý sốt cà chua, súp ngô và bánh hạnh nhân. Từ đó, học sinh có thể nắm bắt thế nào là một chế độ ăn uống dinh dưỡng, lành mạnh.
Ngoài ra, mỗi ngày các trường sẽ đăng ảnh bữa ăn lên trang web chính thức để phụ huynh nắm bắt. Họ cũng gửi mail về cho phụ huynh về hoạt động ở trường, bao gồm thông tin về các loại thực phẩm được sử dụng hàng ngày.
Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tính đến năm 2022, gần 20 nghìn trường học đã chuẩn bị bữa trưa mỗi ngày cho 5,85 triệu học sinh. Cùng năm, Bộ đã phân bổ khoảng 7,53 tỷ won cho bữa ăn học đường bao gồm chi phí vận hành dịch vụ, nhân viên thực phẩm, nguyên liệu, cơ sở vật chất...
Theo giaoducthoidai