leftcenterrightdel
Học viên Việt Nam tại Đại học Incheon (Hàn Quốc). Ảnh minh họa: Mạnh Hùng/TTXVN 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 16/8, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng liên ngành trong vấn đề xã hội lần thứ lần thứ 7 tại Khu liên hợp Chính phủ ở thủ đô Seoul và công bố “Dự án 300.000 người du học Hàn Quốc” (Study Korea 300K Project). Mục tiêu của bộ là thu hút 300.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2027, tăng gần gấp đôi so năm 2022. Trong số đó, số lượng sinh viên quốc tế trong chương trình cấp bằng đã tăng từ 124.000 lên 220.000 người và đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp đưa Hàn Quốc vào top 10 nước hàng đầu thế giới về số lượng sinh viên quốc tế.

Đây là kế hoạch nhằm chuẩn bị một chiến lược hỗ trợ có hệ thống do chính quyền địa phương dẫn đầu từ việc thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập, việc làm và định cư, đồng thời đạt được mục tiêu tăng cường đảm bảo nhân tài cho đất nước trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Để đạt được điều này, trước tiên Bộ Giáo dục sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa để thu hút sinh viên quốc tế. Trước đây, Hàn Quốc cho phép thành lập các “Đặc khu giáo dục quốc tế” tại các quận, huyện thì nay sẽ mở rộng quy mô và đổi tên thành “Đặc khu quốc tế hóa giáo dục dành cho tài năng nước ngoài” trên phạm vi tỉnh, thành phố để đễ dàng tích hợp, kết nối chính sách. Với quy mô phạm vi tỉnh, thành phố, khi triển khai, các khu vực sẽ thu hút, đào tạo, liên kết học tập và việc làm cho sinh viên nước ngoài gắn với chiến lược phát triển của tỉnh, thành phố. Bộ Giáo dục cũng sẽ xem xét áp dụng ngoại lệ để loại bỏ các quy định về hạn chế sinh viên quốc tế đối với các trường đại học. 

Cùng với đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ cho thành lập “Trung tâm thu hút sinh viên quốc tế” đặt bên trong các trung tâm văn hóa, giáo dục Hàn Quốc ở nước ngoài để tìm hiểu nhu cầu du học ở các nước, đồng thời hạ thấp các yêu cầu đầu vào với sinh viên như quy định về trình độ tiếng Hàn cho sinh viên nước ngoài. 

Một quan chức của Bộ Giáo dục cho biết hiện tại, tiêu chuẩn đầu vào của sinh viên quốc tế là phải có TOPIK cấp 3 trở lên hoặc hoàn thành giáo dục tiếng Hàn chuyên sâu sau khi đạt cấp 2. Tuy nhiên, sắp tới, bộ dự kiến trao đổi về tiêu chuẩn cụ thể với Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, quan chức này cho biết việc hạ thấp tiêu chuẩn tiếng Hàn chỉ áp dụng với đầu vào trong khi điều kiện tốt nghiệp là phải đạt TOPIK cấp 4 sẽ không thay đổi.

Đối với sinh viên quốc tế đang theo học tại các trường đại học ở Hàn Quốc, chính phủ đã thành lập “Nhóm chiến lược thu hút tài năng nước ngoài” (TF), bao gồm các trường đại học, công ty địa phương và chính quyền địa phương để có kế hoạch hỗ trợ thiết kế học thuật và nghề nghiệp phù hợp với trường đại học lấy đổi mới làm trọng tâm. Theo đó, bộ sẽ đưa ra chiến lược thu hút sinh viên nước ngoài căn cứ trên dự đoán về nhu cầu nhân lực trung và dài hạn trong ngành công nghiệp của các địa phương, đồng thời đặt ra lĩnh vực, quy mô và chiến lược quốc gia cho thu hút sinh viên nước ngoài phù hợp.

Ngoài ra, việc giáo dục tiếng Hàn và hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc cho sinh viên quốc tế sẽ được tăng cường đáng kể bằng cách chỉ định các “Trung tâm ngôn ngữ Hàn Quốc trong khu vực”. Bộ Giáo dục cũng có kế hoạch mở rộng cơ hội khám phá nghề nghiệp bằng cách tăng thời gian thực hành cho sinh viên quốc tế từ 25 lên 40 giờ mỗi tuần và chế độ tập sự không bắt buộc theo chuyên ngành trong từng kỳ học như quy định hiện nay mà cho phép sinh viên làm việc trong các lĩnh vực khác với chuyên ngành trong kỳ nghỉ. 

Kế hoạch tổng thể của Bộ Giáo dục cũng cho phép các công nhân lành nghề trong các lĩnh vực công nghiệp cơ bản và công nghiệp đóng tàu đi học đại học và khuyến khích hỗ trợ các nhân viên thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D) liên quan đến các ngành công nghiệp địa phương. 

Để thu hút sinh viên quốc tế cho các ngành công nghệ cao và công nghệ, kỹ thuật mới, chương trình Học bổng chính phủ (GKS) sẽ được mở rộng và tổ chức lại để tăng tỷ lệ thạc sĩ và tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật từ 30% năm ngoái lên 45% trong 2027. Đặc biệt, kế hoạch mở rộng quy mô xét chọn sinh viên nhận học bổng từ các quốc gia có nhu cầu hợp tác kinh tế cao như Ba Lan (công nghiệp quốc phòng) và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE, sản xuất điện hạt nhân), cũng như các quốc gia có nền khoa học phát triển và các tài năng kỹ thuật công nghệ thông tin như Ấn Độ và Pakistan.

Ngoài ra, để thu hút sinh viên nói tiếng Anh đến học tập tại Hàn Quốc, hơn 50% chương trình giảng dạy sẽ được thiết kế bằng tiếng Anh. Nhằm hỗ trợ việc làm sau khi tốt nghiệp, chính phủ sẽ hỗ trợ việc làm trong các công ty vừa và nhỏ cho sinh viên là thạc sĩ và tiến sĩ trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, đồng thời đơn giản hóa quy trình xin thị thực thường trú và nhập tịch.

Bộ Giáo dục đang củng cố nền tảng giáo dục tiếng Hàn. Theo đó, kế hoạch là phát triển sách giáo khoa tiếng Hàn kỹ thuật số cho từng cấp độ và về lâu dài, thay đổi TOPIK thành bài kiểm tra trực tuyến và cho phép đánh giá thường xuyên. 

Có một số ý kiến lo ngại nếu hạ ngưỡng xét tuyển để tăng lượng du học sinh sẽ khó quản lý chất lượng du học sinh và hơn nữa có thể dẫn đến tình trạng ồ ạt nhập cư bất hợp pháp. Về vấn đề này, một quan chức của Bộ Giáo dục cho biết vấn đề then chốt của dự án mới là sự thay đổi mô hình, trong đó chính quyền địa phương, trường đại học và công ty địa phương hợp tác với nhau để thu hút sinh viên quốc tế, cùng nhau tốt nghiệp và ổn định cuộc sống, không hạ thấp các yêu cầu tốt nghiệp.

Theo baotintuc