leftcenterrightdel
Cả xã hội Hàn Quốc dồn sự chú ý cho kỳ thi tuyển sinh đại học. 

Đây là một sự kiện trọng đại đối với học sinh cuối cấp bởi kết quả thi sẽ quyết định tương lai của các em.

Năm 2024, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Hàn Quốc, còn gọi là Suneung, diễn ra vào ngày 14/11. Ước tính, hơn nửa triệu thí sinh sẽ tham gia. Cả xã hội đang “căng mình” chuẩn bị cho kỳ thi trọng đại.

Để giảm bớt tình trạng giao thông tắc nghẽn vào buổi sáng ngày thi, các ngân hàng Hàn Quốc thông báo điều chỉnh giờ làm việc. Họ sẽ mở cửa muộn một tiếng so với bình thường. Tuy nhiên, các chi nhánh ngân hàng ở sân bay hoặc khu công nghiệp sẽ không thay đổi giờ làm.

Ngoài học hành chăm chỉ, nhiều học sinh và gia đình tìm đến các hoạt động tâm linh để cầu mong may mắn trong kỳ thi. Theo ghi nhận trước ngày thi, hàng nghìn phụ huynh đến các ngôi đền, nhà thờ để cầu nguyện cho con cái mình đạt được kết quả tốt.

Từ những ngôi chùa trên đảo Ganghwa đến những nhà thờ Công giáo ở Seoul, người dân đã tổ chức các buổi cầu nguyện kéo dài trong nhiều ngày để xin phép thần linh phù hộ cho thí sinh. Một số phụ huynh còn leo núi hàng ngày, đốt nến và cầu nguyện với hy vọng con cái đỗ đạt.

Không chỉ vậy, học sinh cũng tham gia vào các hoạt động cầu may theo cách riêng của mình. Các em thường mang theo bùa may mắn, thậm chí là ảnh thẻ của các ngôi sao Hàn Quốc, giảng viên nổi tiếng hoặc các thần tượng như một cách tiếp thêm động lực và niềm tin trước kỳ thi quan trọng.

Văn hóa thi cử ở Hàn Quốc nổi bật với sự cạnh tranh khốc liệt. Học sinh phải đối mặt với áp lực không chỉ từ gia đình mà còn từ xã hội, nơi mà điểm số có thể quyết định sự nghiệp và tương lai của họ. Sự phụ thuộc vào các vật phẩm may mắn, như ảnh thần tượng hay đồ vật mang tính biểu tượng, phản ánh phần nào sự lo lắng, căng thẳng trong xã hội Hàn Quốc, nơi học vấn được đặt lên hàng đầu.

Năm nay, kỳ thi có phần cạnh tranh căng thẳng hơn do ngày càng nhiều thí sinh lựa chọn thi lại và mục tiêu là những trường đại học tốp đầu. GS Lim Myung-ho, làm việc tại khoa Tâm lý học, Đại học Dankook cho biết: “Dù dân số trẻ đang giảm nhưng số lượng thí sinh vẫn tăng do nhiều người thi lại để có cơ hội vào các trường đại học danh tiếng, đặc biệt là trường y. Thậm chí, sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn khi chênh lệch kinh tế và cơ hội nghề nghiệp ngày càng lớn”.

Để giảm bớt căng thẳng cho thí sinh, từ năm 2023, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo thay đổi đề thi theo hướng “dễ thở” hơn bằng cách loại bỏ những câu hỏi khó, nằm ngoài nội dung chương trình học.

Tuy nhiên, thí sinh phản ánh đề thi vẫn chưa giảm độ khó nên điểm số không có nhiều cải thiện. Nỗ lực biến kỳ thi CSAT thành một sân chơi công bằng cho học sinh thay vì cuộc đua vào lò luyện thi của Chính phủ Hàn Quốc vẫn sẽ gặp khó khăn do tâm lý lo ngại, áp lực từ phía học sinh và phụ huynh.

Các chuyên gia cho rằng, việc phụ thuộc vào các vật phẩm cầu may hoặc hoạt động cầu nguyện là do tâm lý lo lắng, căng thẳng của phụ huynh và học sinh. Trong bối cảnh xã hội ngày càng cạnh tranh với số lượng thí sinh thi lại cao đột biến, học sinh cho rằng thành công trong các cuộc thi không chỉ đến từ việc học chăm chỉ mà phần nhiều do “may mắn”.

Theo giaoducthoidai