Chị Lâm Thụy Nguyên Hồng cùng chơi với con trai nhỏ - Ảnh: K.ANH
“Quan trọng không kém chính là bản thân phải luôn suy nghĩ tích cực. Cuộc sống sẽ diễn ra nhiều điều không như ý nhưng nếu cứ ủ rũ hay suy nghĩ tiêu cực thì ắt hẳn mình sẽ mất rất nhiều năng lượng khiến mình trì trệ. Mình luôn tìm giải pháp để chủ động trong công việc và cuộc sống. Chị Lâm Thụy Nguyên Hồng |
Chị tâm niệm "Hạnh phúc là sống có giá trị". Mới đây, khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra, chị đã tổ chức chương trình "Vượt qua nỗi sợ, giữ vững niềm tin" với mong muốn truyền cảm hứng để tất cả nhân viên đồng lòng cùng vượt qua khó khăn.
Hạnh phúc là do chính mình
* Theo chị thì hạnh phúc là gì?
- Mình cứ nghĩ ông chồng phải như vầy mới làm mình vui, hay khi mình có cái áo đẹp thì vài bữa mình lại thấy nó hết đẹp... bởi lẽ tâm trí mình luôn bị kích thích và tác động từ bên ngoài. Chính vì thế hạnh phúc là phải từ bên trong bản thân mình chứ không chờ người khác hay những tác nhân bên ngoài mang lại. Cả quá trình khởi nghiệp hơn chục năm, mình ngộ ra một điều phải biết chấp nhận, buông bỏ, kiên nhẫn. Từ ba điều này mình đã thay đổi hẳn, ông xã mình ngạc nhiên, mình học cách chấp nhận nhiều hơn.
Sau khi tham gia một khóa học để bản thân mình thấy hạnh phúc, mình muốn áp dụng vào ngay công ty của mình. Chỉ cần làm cho mọi người hạnh phúc cũng là điều mình ước mơ. Rồi mình từ từ nhưng nhân viên cũng cự nự là "tại sao chị làm như vậy? Họ nói chị hạnh phúc là vì chị đã đủ đầy, giàu có". Nhưng mình mỗi ngày tác động dần dần để các bạn thấy rằng hạnh phúc mới có sự sáng tạo và khi đấy mới có thể thành công.
Công ty mình có sổ tay văn hóa trong đấy có đầy đủ những điều mà văn hóa công ty hướng đến. Kinh doanh là làm sao để nhân lên sự hạnh phúc, chứ không chỉ vì tiền. Làm sao sản phẩm mình làm ra thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu cho xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng. Bán hàng sao cho khách hàng hạnh phúc và chính mình cũng hạnh phúc.
* Theo chị, không chỉ cần hiểu chính mình mà rất cần biết lắng nghe và thấu hiểu người khác - đó cũng là một trong những lối dẫn chúng ta đi đến con đường hạnh phúc?
- Nếu không hiểu mình như thế nào, không biết điểm mạnh và điểm yếu của mình thì rất khó thành công. Bản thân làm quản lý lại càng cần phải lắng nghe người khác và thấu hiểu người khác. Biết lắng nghe người khác thì phần nào đó cũng góp phần vào việc mình sống tử tế hơn. Mới đây, công ty chúng tôi đã thực hành về giá trị trung thực bằng việc lồng ghép vào chính công việc của mỗi người. Cùng viết ra những điều làm cho mình thấy hạnh phúc và những điều chưa hạnh phúc để hiểu được cái tôi của mỗi con người.
Tôn trọng ý kiến, chúng tôi cũng có những trò chơi để cùng nhau thực hành vấn đề tôn trọng, giá trị trách nhiệm, ít ra thì mọi người cùng kết nối để vì mục tiêu chung... Mình hiểu mình như thế nào thì nhân viên của mình như thế. Mình hay nóng giận thì nhân viên nóng giận theo. Trong gia đình cũng vậy, ba mẹ như thế nào thì con cái cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Vượt qua nỗi sợ, giữ vững niềm tin
* Theo chị thì làm sao để giữ được sự bình an và hạnh phúc trong thời điểm COVID-19 hoành hành các nước?
- Con người làm sao mà hạnh phúc khi để bản thân luôn bị bên ngoài tác động? Nhưng nếu muốn không để môi trường tác động thì bản thân mình phải có niềm tin. Nhất là trong thời điểm này. Chương trình "Vượt qua nỗi sợ, giữ vững niềm tin" mong muốn mọi người trong công ty cùng vượt qua nỗi sợ, gọi tên nỗi sợ và nỗi sợ đó có đáng sợ thiệt không? Còn bản thân mình cũng phải thay đổi chiến lược kinh doanh, tiết giảm chi phí... trong thời gian dịch mình vẫn giữ được thị trường, doanh số không ảnh hưởng nhiều. Đó là sự linh hoạt để thích nghi môi trường.
* Mùa dịch bệnh này, nhiều doanh nghiệp trẻ mới khởi nghiệp sẽ đối mặt khó khăn? Làm sao tìm thấy năng lượng tích cực, thưa chị?
- Mình cũng gặp đầy rẫy những khó khăn. Mình đã từng đặt tình huống xấu nhất và tốt nhất xem khả năng chịu đựng ra sao. Ngày xưa mình khởi nghiệp cũng không có gì, mình đã có sức khỏe, sáng tạo và trí tuệ... do vậy khi khó khăn thì mình nghĩ ngày xưa mình có gì đâu? Công ty mình cũng từng bị cháy và ngay lúc đó trong đầu mình duy nhất chỉ nghĩ thôi không sao, mình làm lại từ đầu, quan trọng là mình tự tin sẽ làm lại được. Nếu không có niềm tin thì có tiền trong tay cũng không làm gì được. Khi có niềm tin thì mình sẽ không bị lung lay, còn không sẽ rất dễ chao đảo.
Suy nghĩ tích cực tự động mình sẽ dẫn dắt lối ra, ngược lại sẽ không thấy đâu là đường đi. Nếu căng thẳng lo lắng, những nơron thần kinh sáng tạo không được kích hoạt nên không thể làm gì được. Suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng rất nhiều đến năng lượng và sức mạnh tiềm năng của mình gần như không được kích hoạt. Qua nhiều lần trải nghiệm, nếu mình có niềm tin, có suy nghĩ tích cực thì mình sẽ tìm được nguồn năng lượng tích cực để duy trì, nuôi dưỡng...
Theo tuoitre