"Sân bay Nội Bài (Hà Nội) vắng vẻ ngày tôi lên chuyến bay đặc biệt quay lại trường học ở Hàn Quốc" - Bích Phương
Là một du học sinh Việt Nam tại tâm dịch trước đây của Hàn Quốc là Daegu, giờ đây, sau một hành trình không ít kịch tính, tôi đã quay trở lại trường đại học trên một chuyến bay đặc biệt sau một thời gian về Việt Nam tránh dịch Covid-19.
Gian nan quay trở lại trường học
Ngày 10.4, Hàn Quốc sắp bước vào hạ, chỉ còn vương lại chút không khí se se lạnh của thời khắc giao mùa. Ngồi trong phòng cách ly, xem lại những tấm ảnh ngày về Việt Nam tránh dịch, thật nhiều cảm xúc.
Ngày 18.2, khi Hàn Quốc xuất hiện bệnh nhân nhiễm virus Corona thứ 31, cuộc sống bình yên của người dân Daegu (Hàn Quốc) bị xáo trộn. Du học sinh Việt Nam vội vã để lại những áp lực về học hành và công việc để quay trở về quê hương. Chưa bao lâu sau, du học sinh chúng tôi nhận được email của phía nhà trường đề nghị trở lại Hàn Quốc trước ngày 30.3 nếu không buộc phải bảo lưu kỳ học.
“Thôi không sao, tầm đó chắc Hàn Quốc ổn rồi”, tôi thầm nghĩ vậy. Và tôi cùng những người bạn vội đặt lịch vé máy bay vào ngày 30.3 trước khi không còn vé.
Nhóm du học sinh chuẩn bị lên chuyến bay đặc biệt quay lại trường học tại Hàn Quốc - Bích Phương
Nhưng “người tính không bằng trời tính”. Trước sự xuất hiện của bệnh nhân số 17 tại Hà Nội và sự bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 tại châu Âu, hàng loạt các chuyến bay trong và ngoài nước bị huỷ bỏ. Các chuyến bay Việt - Hàn cũng bị hoãn tới cuối tháng 4. Khó khăn chồng chất khó khăn. Có du học sinh không chờ được những chuyến bay này đã vội vã đặt vé quá cảnh qua Thái Lan hoặc Đài Loan để sang Hàn Quốc cho kịp kỳ học. Thế nhưng, tiếp tục đến Đài Loan cấm quá cảnh, Thái Lan yêu cầu giấy khám sức khỏe và phí bảo hiểm 100 USD. Vé đã đặt bị huỷ chưa được hoàn tiền, lại đúng lúc nghỉ dịch nên hầu như ai cũng không có thu nhập, chỉ đủ tiền để mua vé thêm một lần nữa.
Khoảng thời gian đó thật kinh khủng! Chưa kể đến giá vé "trên trời" (12 - 15 triệu đồng/1 chiều), việc đặt vé lúc này thật giống như trò may rủi. Không đặt thì không có vé mà đặt vé thì xác định là bi huỷ bất cứ lúc nào, kể cả đã có lịch bay. Sự lo lắng làm sao để sang lại Hàn Quốc đã lấn át cả nỗi lo bệnh dịch. Không những thế, tôi còn gặp sự phản đối của gia đình. Mẹ tôi giục: “Con suy nghĩ cho kỹ! Người ta muốn về không được, mình lại muốn đi, bảo lưu một học kỳ đi con”.
Dịch Covid 19, tôi sợ chứ! Nhưng bên đó còn học hành, công việc và bao kế hoạch...
Chuyến bay bất ngờ
Trong lúc hoang mang không biết phải làm sao thì bạn tôi báo thông tin mới là các trung tâm du học đề nghị liên kết để thuê một chuyến máy bay dành cho du học sinh. Như "chết đuối vớ được cọc", tôi vội vã tập hợp bạn bè mình để đủ người cần thiết. Sau 4 ngày "đàm phán", với sự hỗ trợ hết mình của các tổ chức du học và hãng hàng không, chuyến bay mang số hiệu VN6414 của Vietnam Airline khởi hành lúc 00:15 sáng 4.4 dành cho du học sinh Việt Nam đã được cấp phép thực hiện.
Nhưng chưa kết thúc tại đó. Lúc 20 giờ ngày 2.4, khi tôi đã sẵn sàng để tối 3.4 bay thì có tin báo do sân bay Incheon quá tải, chính phủ Hàn Quốc yêu cầu giãn lịch bay. Chuyến bay hoãn lại và không biết đến bao giờ. Đến lúc này, thực sự tôi cũng muốn bỏ cuộc rồi. Nhưng rồi sau bao nhiều cố gắng, với sự ưu tiên dành cho sinh viên, chuyến bay đã được thực hiện lúc 23 giờ 45 ngày 7.4.
16 giờ 15 phút ngày 7.4, tôi di chuyển từ Nam Định lên sân bay Nội Bài (Hà Nội). Các cửa hàng ở sân bay đều đóng, đèn điện cũng đã được tắt bớt để lại sự vắng vẻ chưa từng có.
Bảo hộ kỹ lưỡng khi ở trên máy bay - Bích Phương
Trước khi lên máy bay, chúng tôi được tiến hành đo nhiệt độ để đảm bảo an toàn cho mọi người. Tất cả các tiếp viên hàng không đều mặc đồ bảo hộ, các dịch vụ phục vụ trên máy bay đã được giản lược rất nhiều chỉ còn phục vụ đồ ăn và nước lọc. Lần này, không chỉ phải khai tờ khai thông tin nhập cảnh như mọi người, chúng tôi còn được phát thêm 2 tờ nữa liên quan đến khai báo y tế phòng chống dịch Covid-19.
6 giờ sáng ngày 8.4 (theo giờ Hàn Quốc), chúng tôi đáp chuyến bay xuống sân bay quốc tế Incheon. Sự ồn ào náo nhiệt của một trong những sân bay lớn nhất Hàn Quốc đã biến mất, chỉ duy nhất chuyến bay của chúng tôi nhập cảnh lúc đó. Các cửa hàng cũng đã đóng hết. Mọi công tác kiểm dịch được tiến hành hết sức chặt chẽ. Ngay khi bước xuống sân bay, thủ tục đầu tiên là kiểm tra đo thân nhiệt và nộp lại tờ khai báo tình trạng sức khỏe đã được phát trên máy bay, chỉ những ai dưới 37,5 độ mới được nhập cảnh.
Du học sinh Việt Nam được kiểm tra y tế khi đến sân bay Incheon - Bích Phương
Tại sân bay Incheon, tôi phải cài app quản lý tình trạng sức khỏe và việc thực hiện cách ly trong 14 ngày tại nhà.
Tiến sát vào quầy nhập cảnh là nơi các cán bộ nhân viên sân bay tiến hành thủ tục kiểm duyệt thông tin và kiểm tra việc cài đặt app.
Nhóm du học sinh ký giấy đảm bảo thực hiện cách ly tại nhà khi sang Hàn Quốc - Bích Phương
Được kiểm tra đủ 4 tờ cam kết, 2 tờ hướng dẫn đi lại, app sức khỏe, bạn mới có thể bước vào tiến hành nhập cảnh .
Luật pháp Hàn Quốc còn yêu cầu những người không có địa chỉ rõ ràng buộc cách ly tại nơi chính phủ yêu cầu với mức phí 100.000 won (2 triệu đồng)/ngày.
Những ngày tiếp tục cách ly ở Hàn Quốc
Xuống máy bay từ 6 giờ sáng mà đến 9 giờ 30 phút tôi mới làm xong thủ tục. Sau khi ra khu vực sảnh, chúng tôi được dán miếng giấy màu cam để nhận diện những người vừa từ nước ngoài trở về. Đồng thời, chúng tôi cũng được yêu cầu ra ngoài ở cửa số 12, đi xe buýt đã được chỉ định hoặc xe riêng, không được phép đi các phương tiện công cộng khác. Biết trước điều này nên các anh chị ở trung tâm du học đã thuê sẵn xe 45 chỗ để đưa chúng tôi về các điểm trường ở Daegu. Cuộc hành trình kéo dài khiến tôi mệt rã rời.
Thời tiết của Hàn Quốc vẫn còn khá đẹp khi nhóm du học sinh quay trở lại trường - Bích Phương
Đến 16 giờ 30 phút chiều tôi mới về đến ĐH quốc gia Kyungpook. Tôi hít thở chút xuân của Hàn Quốc, không còn sự ảm đạm của những ngày mới phát dịch, mọi người đã ra ngoài nhiều hơn để đi dạo và dã ngoại. Mùa xuân với những sắc hoa rực rỡ đã mang đến cho Hàn Quốc nguồn sức sống mới.
Kéo vali về phòng, tôi bắt đầu chuỗi ngày cách ly 14 ngày tại nhà của mình. Hằng ngày tôi buộc phải để điện thoại trong tình trạng mở, không được để chế độ máy bay hay tắt nguồn để định vị và báo cáo tình hình sức khỏe như nhiệt độ, các triệu chứng cho cán bộ y tế 3 lần trong ngày. Họ có thể gọi để kiểm tra từng trạng bất cứ lúc nào để phòng ngừa những người bỏ điện thoại ở nhà để ra ngoài. Chính vì thế thỉnh thoảng tôi phải kiểm tra app xem liệu tín hiệu định vị có ổn không vì không dùng điện thoại một lúc nó sẽ tự tắt định vị. Nếu không thấy tín hiệu, họ sẽ gọi điện để kiểm tra bạn đang ở chỗ nào ngay.
Kiểm tra y tế ngạy tại nhà - Bích Phương
Theo quy định của cách ly tại nhà, mỗi người phải được cách ly tại phòng riêng, không được ăn chung, sinh hoạt chung. Vì vậy căn nhà 2 phòng 3 người của chúng tôi luôn được nhắc nhở phải đeo khẩu trang cả ngày và tất cả sinh hoạt phải làm một mình.
Cũng trong ngày 10.4, các cán bộ y tế đã đến nhà tôi để tiến hành xét nghiệm và cung cấp một số thiết bị y tế được sử dụng trong 14 ngày như cặp nhiệt độ, khẩu trang, nước rửa tay...
Cuộc sống của tôi và những du học sinh Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục, chỉ là chậm lại một chút thôi. Và rồi bệnh dịch cũng sẽ qua nếu chúng ta đều có ý thức bảo vệ mình và chấp hành các quy định tốt. Tôi luôn tin là vậy!
Theo thanhnien