Nữ dẫn chương trình Lý Tiểu Man. Ảnh: sina
Bài viết của nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em Hoàng Điền Điền (Trung Quốc).
Bạn đã bao giờ nghe một đứa trẻ đánh giá như thế nào về mẹ của mình chưa? Mẹ là thiên thần, mẹ là siêu nhân... Người dẫn chương trình nổi tiếng Lý Tiểu Manh chia sẻ, con gái cô ấy đã nhận xét: "Mẹ là một người tốt".
Cách đây vài ngày, Lý yêu cầu con viết một bài thơ 150 từ. Trong khoảng nửa tiếng, con gái đã viết xong. Sau khi đọc, cô nói: "Mẹ biết con sẽ làm tốt. Con biết vì sao không? Vì con biết quan sát từ nhiều góc độ khác nhau vì con là một đứa trẻ thích đọc sách. Mẹ luôn nghĩ con sẽ làm được mọi việc dù khó đến đâu". Nghe lời mẹ, cô bé nói: "Con không ưu tú sao được vì con là con của mẹ".
Nghe câu chuyện, tôi mỉm cười và nghĩ cô bé này thật khéo miệng, biết cách làm cho mẹ hạnh phúc. Nhưng nghĩ lại, một đứa trẻ mới 8 tuổi lại quy thành tích của mình cho mẹ thì quả thật Lý rất xuất sắc. Cô ấy từng nói một câu khiến tôi phải suy nghĩ: "Dù con thế nào thì vẫn là con yêu của mẹ. Con xuất sắc hay bình thường cũng không có vấn đề gì. Điều quan trọng con phải làm những gì con muốn, trước tiên phải là chính mình, sau đó mới hoàn thiện bản thân tốt hơn. Vì xuất sắc hay bình thường là do thế giới bên ngoài quy định, cuộc sống luôn là của riêng con.".
Từ câu chuyện của Lý Tiểu Manh, tôi lại nhớ đến một người bạn khác.
Cô bạn này họ Vũ, cùng lớp cấp 3, học hành chăm chỉ và chưa bao giờ nhận thất bại. Vũ đứng đầu trong các kỳ thi và đỗ vào trường đại học top đầu. Sau khi tốt nghiệp cô ấy ở lại thành phố và làm trong một công ty nước ngoài với mức lương cao gấp 5 lần so với chúng tôi thời điểm đó. Rồi cô gái này lên làm quản lý trước 30 tuổi, bất động sản khắp nơi, ai nhìn vào cũng ngưỡng mộ.
Trong ngày họp lớp sau 15 năm, Vũ là người tỏa sáng nhất, ai cũng tỏ ra ghen tị với thành tích của cô. Thế nhưng thực sự cô ấy đang suy sụp. Vũ thường xuyên gặp bác sĩ tâm lý bởi luôn cảm thấy mệt mỏi vì phải gồng mình sống trong sự kỳ vọng của bố mẹ suốt nhiều năm.
Khi còn đi học, câu cửa miệng của bố mẹ Vũ sẽ là: "Có ai cao điểm hơn con trong kỳ thi không? Có bạn nào học vượt trội hơn con không?". Trong sự kỳ vọng và so sánh không ngừng này, cô luôn gồng mình để giành vị trí thứ nhất, hoàn thành tốt mục tiêu mà bố mẹ đề ra. Và đến giờ cô không thể cầm cự được nữa... Nhiều bạn bè hỏi: "Tại sao tinh thần lại xuống dốc đột ngột như vậy?", "Sau nhiều năm có sao đâu, sao bây giờ lại như thế?"...
Bác sỹ tâm lý của Vũ giải thích ngắn gọn: "Sống vì người khác, sức mạnh bên trong cuối cùng cũng phải cạn kiệt".
Năng lượng để hỗ trợ Vũ trong quá khứ có được từ bên ngoài: Sự kỳ vọng của cha mẹ, lời khen ngợi của giáo viên, sự ngưỡng mộ của bạn bè trong lớp, đánh giá cao của sếp hay những lời tán dương của đồng nghiệp... Cô ấy cũng tự đánh giá bản thân từ bên ngoài, không soi xét và làm theo trái tim mình. Cuối cùng Vũ đã mệt mỏi. Tinh thần cô giống như một sợi dây cao su bị kéo căng đến vô hạn. "Sợi dây đó sắp đứt và rất khó hồi phục", bác sĩ tâm lý của Vũ nói.
Thực tế dù nhiều người không quá cực đoan như Vũ, nhưng trong quá trình lớn lên họ cũng ít nhiều bị đem ra so sánh và cũng âm thầm đem con cái để so sánh với những đứa trẻ khác.
Tôi cũng đã từng như vậy.
Khi con gái được 6 tháng, cân nặng và chiều cao của bé dần chậm lại, không đạt được mức tiêu chuẩn. Trong thế giới trẻ nhỏ, "gầy" đồng nghĩa với sự thất bại của bố mẹ. Nhiều người nhìn vào đó đánh giá: Cha mẹ không biết nuôi con, đứa trẻ không hấp thu dinh dưỡng, thậm chí có người còn nói: "Đó là một đứa trẻ thua thiệt ngay từ điểm xuất phát". Lúc đó, mỗi lần đưa con ra ngoài chơi, nhìn những đứa trẻ khác bụ bẫm, tôi lại thất vọng vì đứa con gầy guộc của mình. Giờ nghĩ lại, tôi thấy sự so sánh này rất nực cười.
Miễn là đứa trẻ được hạnh phúc và khỏe mạnh, liệu vẫn chưa đủ sao? Kiểu so sánh vô nghĩa này không mang lại lợi ích gì cho sự phát triển của trẻ ngoài trừ những vấn đề của bố mẹ chúng.
Vì tôi hiểu ra nên khi con gái lớn lên, dù con đếm chậm hơn, điểm thi không cao, động tác múa không dẻo như các bạn, tôi cũng không lo lắng. Tôi khuyên con cần nhẫn nại và kiên trì với những khuyết điểm của bản thân để sửa đổi. "Điều quan trọng nhất là con phải tìm được niềm vui và hạnh phúc của riêng mình".
Tôi đặc biệt thích câu nói của nhà tâm lý học nổi tiếng Vũ Chí Hồng: "Chỉ bằng cách chấp nhận bản thân, bạn mới có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình".
Có lần tôi đọc cho con gái nghe cuốn truyện tranh "Sói xanh bé bỏng", cô bé đã khóc. Trong bầy sói xám, có một con sói đặc biệt, có màu xanh tự nhiên. Vì khác biệt, những người bạn khác không muốn chơi cùng. Bị từ chối, sói xanh nhỏ bé cảm thấy tự ti, chán nản và vô cùng buồn bã. Để giống những con sói khác, nó đã thử nhiều cách khác nhau. Nó mua quần áo màu xám, nhưng cái đuôi màu xanh vẫn lộ ra. Nó lấy bụi than lau lên toàn thân, nhưng sau trận mưa lớn, vẫn trở lại hình dáng ban đầu. Nó lại tìm thấy lớp sơn xám, đánh từ đầu đến chân nhưng suýt bị chết ngạt.
Con gái tôi đau khổ nói: "Con sói xanh nhỏ thật đáng thương, tại sao lại vì người khác mà thay đổi mình? Con thấy màu xanh cũng rất đáng yêu mà."
Đôi khi trẻ em thực sự là những triết gia. Trải qua hàng loạt thay đổi đau đớn, cuối cùng sói xanh nhỏ bé cũng hiểu ra, tại sao mình phải phục vụ cho người khác? Sự thay đổi dị dạng này thật đau đớn và không đáng để mất đi. Khi sói xanh dừng lại, nó mới thấy màu xanh thực sự cũng rất tốt. Nói nói với những người bạn của mình rằng: "Học cách chấp nhận, đánh giá cao bản thân và trở thành chính mình chắc chắn là cách chữa bệnh tinh thần tốt nhất".
Trong các bài văn của bọn trẻ, thường chỉ thấy viết: "Con yêu mẹ, con yêu bố, con yêu cô giáo"... mà hiếm trẻ nào viết "Con yêu chính bản thân mình".
Trong cuốn sách tranh "Tôi yêu chính bản thân mình" của nhà văn người Mỹ Nancy Carlson, bà viết: " Tôi có một người bạn thân nhất. Bạn tốt này là chính tôi! Mỗi khi tâm trạng không vui, tôi lại nghĩ cách để làm cho mình vui. Mỗi lần ngã, tôi đều tự hỏi mình phải đứng dậy. Mỗi khi tôi làm sai điều gì đó, tôi đều tự động viên mình. Hãy thử lại, thử lại! Bất kể tôi đi đâu, bất kể tôi làm gì. Tôi muốn là chính mình và tôi thích nó".
Theo vnexpress