Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy khó nói chuyện về tiền với con cái vì họ cũng không biết nói gì. Cha mẹ cũng không được ông bà dạy về quản lý tiền và họ cũng đang mắc những sai lầm nghiêm trọng về tiền bạc. Họ cảm thấy xấu hổ khi kể về những thất bại tài chính của họ với con cái. Bởi vậy họ chọn cách không nói về tiền với con cái.

Có một số cha mẹ lại cho rằng con cái còn nhỏ không biết gì, nên không dạy con về tiền. Lớn lên con tự khắc biết được. Đây là quan niệm sai lầm, vì từ nhỏ, trẻ đã có ý thức về tiền. Nếu cha mẹ không dạy về cách sử dụng tiền thì chúng sẽ dễ mắc sai lầm tài chính, nợ nần khi trưởng thành.

Không ít phụ huynh cho rằng không nên nói chuyện tiền bạc và không cho con cầm tiền vì sợ con hư. Cái gì cũng để bố mẹ mua cho. Kể cả tiền lì xì Tết của trẻ, bố mẹ cũng tịch thu vì sợ con xài tiền sẽ đua đòi, hư hỏng.

Theo các chuyên gia về tài chính, phụ huynh nên đề cao và có cách giáo dục sớm về tiền bạc giúp trẻ định hình đúng vai trò, hiểu được giá trị mà đồng tiền mang lại và nhất là biết quản lý tài chính ngay từ khi được dùng tiền để chi tiêu.

Cha mẹ nên thoải mái nói chuyện với con về vấn đề tiền bạc. Hãy coi tiền là một công cụ phải học cách sử dụng, giống như sử dụng ti vi, tủ lạnh, máy giặt... Học cách kiếm tiền và sử dụng tiền chính là bồi dưỡng trí thông minh tài chính cho trẻ. Trẻ càng sớm nhận ra được giá trị của tiền thì sẽ không đòi hỏi vô lý, phải mua cái này cái kia cho bằng được. Hình thành mối liên hệ lành mạnh với tiền bạc, giảm được sai lầm về tài chính khi trưởng thành.

Hãy nói với con về sự quan trọng của tiền - Ảnh 1.

Dạy con về tiền và quản lý tài chính là điều cha mẹ không bên bỏ qua. Ảnh minh họa

TS. Cherry Vũ (New Zealand) cho rằng, cha mẹ hãy nói với con rằng tiền quan trọng. TS Cherry Vũ cho biết, tại đất nước chị đang sinh sống, bất kể con nhà ai, nhà nghèo hay nhà tỷ phú, con quan chức hay con thường dân, đa số từ nhỏ đã có ý thức tự lập. Nhỏ tuổi chưa được đi làm những công việc chính thức thì đi đưa báo, phát tờ quảng cáo, chăm sóc chó mèo hay đưa chó đi dạo theo giờ... Tiền kiếm không nhiều nhưng cũng đủ để trẻ tiêu vặt, mua quà sinh nhật cho bạn bè người thân.

Khi 15-16 tuổi, đủ tuổi đi làm chính thức, trẻ xin làm việc bán thời gian ở các nhà hàng, siêu thị, lao công trong trường học, cắt cỏ làm vườn, trông trẻ... Khi tự tay mình kiếm những đồng tiền từ nhỏ, trẻ rèn được ý thức trân trọng nó và không tiêu pha lãng phí, không ỷ lại vào cha mẹ.

Theo TS Cherry Vũ, có rất nhiều sự khác nhau dẫn đến thanh thiếu niên phương Tây khác với ở Việt Nam. Chính sự khác nhau về giáo dục nhận thức có ảnh hưởng lớn tới sự khác biệt này. "Người phương Tây không bao bọc, không có tư tưởng "hy sinh đời bố củng cố đời con", không làm vì con và sống khổ sở để tiết kiệm cho con. Bố mẹ chỉ có trách nhiệm nuôi dạy con cho đến năm 18 tuổi. Thế nên bọn trẻ biết rằng mình phải tự kiếm tiền để sống, nếu không muốn chết đói. Họ dạy con từ nhỏ phải tự đứng trên đôi chân mình, không dựa dẫm vào cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ tôn trọng các quyết định nghề nghiệp và không can thiệp vào định hướng tương lai của con".

Khánh Minh