Andy Warhol đã đúng, nhưng ông không thể ngờ các ứng dụng mạng xã hội như TikTok ngày nay có thể biến những đứa trẻ thành ngôi sao toàn cầu chỉ trong một cái nháy mắt.
Charli D'Amelio, người sáng tạo nội dung số được theo dõi nhiều nhất trên TikTok vừa tròn 16 tuổi ngày 1/5 vừa qua. Loren Gray, cô gái bị D'Amelio soán ngôi cũng mới ăn sinh nhật thứ 18 vào tháng 4.
Sự ra đời của các ứng dụng mạng xã hội như TikTok và Instagram đem tới cách thức giao tiếp mới, nhưng chúng cũng thay đổi ý nghĩa của sự nổi tiếng và định hình lại con đường trở thành người nổi tiếng. Có lẽ điều dễ nhận ra nhất là mỗi ngày, trẻ em đều có thể bước vào con đường nổi tiếng mà không biết điều gì đang chờ mình.
"Khả năng đánh giá rủi ro, đưa ra những quyết định sáng suốt là những thứ hình thành dần dần theo thời gian", tiến sĩ tâm lý Pamela Rutledge nói. Theo bà, trước năm 25 tuổi, bộ não chưa thực sự hoàn thiện nên trải nghiệm sự nổi tiếng thời thiếu niên khiến các "ngôi sao nhí" khó kiểm soát thực tế.
Ngay cả người trưởng thành cũng không dễ gì thích nghi với cuộc sống nổi tiếng. Với những "ngôi sao nhí" trên mạng xã hội, tình hình càng phức tạp hơn, nhất là khi có tới hàng triệu người trực tiếp theo dõi chúng hàng phút.
Những ngôi sao nhí trên mạng xã hội đối mặt với những khó khăn mà các ngôi sao nhí Hollywood truyền thống như Lindsay Lohan, Drew Barrymore và Michael Jackson gặp phải.
"Từ lúc nổi tiếng trong bộ phim E.T., cuộc đời của tôi trở nên kỳ quặc", Drew Barrymore chia sẻ với tạp chí People vào năm 1989. "Hôm trước, tôi vẫn còn là một cô bé. Hôm sau, tôi bỗng bị nhiều người túm lại để xin chữ ký, chụp ảnh chung hoặc động chạm. Thật đáng sợ. Tôi chỉ là một đứa trẻ bảy tuổi nhưng được kỳ vọng trưởng thành như 29 tuổi".
Suốt hơn một thế kỷ, Hollywood đã chứng kiến sự nổi tiếng quá sớm đẩy các ngôi sao nhí vào con đường nghiện ngập, rối loạn tâm thần và mâu thuẫn gia đình.
Đó cũng là hiện tượng được các nhà tâm lý học như tiến sĩ Donna Rockwell và tiến sĩ David Giles nghiên cứu. Năm 2009, trên tờ Journal of Phenomenological Psychology, hai chuyên gia đưa ra bốn giai đoạn tạm thời trong tâm trí một người nổi tiếng: yêu/ghét, nghiện, chấp nhận và thích ứng.
Theo Rockwell, danh tiếng có thể khiến các ngôi sao quên mất cách tự điều chỉnh để tôn trọng và đồng cảm với người khác. "Đó không phải lựa chọn của họ. Quá nhiều sự chú ý khiến các các tế bào thần kinh quên mất những gì cần thiết", chuyên gia giải thích. Theo bà, ngay cả những người lý trí nhất cũng dễ bị ánh hào quang của sự nổi tiếng cuốn đi.
Hầu hết trẻ em thuộc thế hệ Z (sinh từ giữa đến cuối thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010) đều bị nghiện mạng xã hội, dù cho chúng có 500 hay 5 triệu người theo dõi.
Theo bài báo The 'online brain': how the Internet may be changing our cognition (Bộ não online: Internet thay đổi nhận thức của chúng ta như thế nào) xuất bản tháng 6/2019 trên tờ World Psychiatry, mạng xã hội "đánh giá thành công hoặc thất bại của chúng ta thông qua những số liệu rõ ràng như số lượt thích, số người theo dõi và số người xem". Một cách tự nhiên, con người, nhất là trẻ em, đắm chìm vào những thông tin đó mà không nhận ra tác động xấu của chúng.
"Khi các con số trên mạng xã hội trở thành một dạng thước đo danh tiếng, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc ý thức giá trị bản thân. Do mạng xã hội, con người bị ám ảnh với sự hiện diện của chính mình. Các ngôi sao mạng xã hội liên tục phải chiến đấu để được nhìn thấy và vật lộn với nỗi lo bị vô hình", tiến sĩ Ciarán Mc Mahon, tác giả cuốn sách Tâm lý học Mạng Xã hội nhận định. nói. Chưa kể, thanh thiếu niên ngày nay có thể cảm thấy phải cạnh tranh lẫn nhau để tranh giành sự chú ý.
Danh tiếng là một trong những thứ gây nghiện nhất và nhu cầu nổi tiếng đã đưa nhiều ngôi sao vào rắc rối như lạm dụng ma túy, bia rượu. "Khi mọi người thích bạn, cơ thể bạn sẽ có phản ứng sinh lý. Khi mất đi sự yêu thích ấy, bạn sẽ tìm cách khác để cảm thấy điều tương tự", Rutledge lý giải, bổ sung thêm nghiện danh tiếng khiến bạn "dễ bị tổn thương" bởi các chất kích thích khác.
Các chuyên gia so sánh hiện tượng trên với trải nghiệm hát ở một sân vận động đầy fan của một ca sĩ. Đứng trước khán giả, ca sĩ cảm thấy tràn đầy năng lượng. Nhưng cuối ngày, họ trở về phòng khách sạn, ở một mình và cảm thấy trống rỗng. "Người hâm mộ trở thành nguồn năng lượng tiếp sức cho bạn chứ không phải mục tiêu cuộc sống", Rutledge phân tích.
Năm 2019, nam diễn viên Shia LaBoeuf thừa nhận với The Hollywood Reporter rằng anh nghiện danh tiếng. "Suốt thời gian dài, nó thúc đẩy cách tôi làm việc. Chỉ cần dồn nén nỗi đau, không đặt câu hỏi. Nhưng nó như một cái chai có thể bật ra bất cứ lúc nào", LaBoeuf trải lòng. Anh từng bị phụ thuộc vào ma túy và rượu.
Danny Bonaduce 60 tuổi, ngôi sao nhí nổi tiếng thập niên 1970 nhờ vai diễn trong bộ phim The Partridge Family, cũng rơi vào tình trạng nghiện ngập. "Ông ấy nghiện hầu hết các chất kích thích con người biết đến", Rockwell tiết lộ.
Tuy nhiên, Rockwell tiết lộ cả Bonaduce lẫn các ngôi sao nhí khác mà bà phỏng vấn đều không từ bỏ danh tiếng và những cơ hội đi cùng. "Rốt cuộc, thật khó để từ bỏ", nữ chuyên gia nói.
Bản chất phù du của danh tiếng càng rõ hơn trên mạng xã hội, nơi mỗi phút lại có những video và người trẻ nổi tiếng mới.
"Cuộc sống mà các bạn trẻ đó đang gắn kết có thể rất thú vị và gây kích thích. Nhưng từ tận sâu, chúng hẳn tự biết là không thể tiếp tục như thế lâu",
Mc Mahon nhận định. "Lời khuyên của tôi dành cho chúng đơn giản là nghĩ đến kế hoạch dự phòng khi không còn nổi tiếng".
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để sống chung với danh tiếng là sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để làm điều có ích.
"Nếu sử dụng danh tiếng của mình vào mục đích tốt, bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn và phát triển con người bên trong mình", Rockwell nói. "Bạn dần trở thành người mà bản thân tự hào và sống theo giá trị của riêng mình".
Một ví dụ là Charli và Dixie D'Amelio, hai ngôi sao trên TikTok. Họ tham gia chiến dịch chống bắt nạt với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và ủng hộ phong trào yêu cơ thể.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra trẻ em tận dụng lợi thế của mình một cách tích cực sẽ trở thành những người lớn tốt hơn.
Trách nhiệm "giữ con trẻ ở mặt đất" cũng phụ thuộc vào các bậc phụ huynh. Mc Mahon nhận định một số biện pháp như lấy điện thoại của con có thể gây tác dụng ngược nên bố mẹ "cần trò chuyện với lý lẽ và sự thận trọng".
Rockwell thì khuyến khích các ngôi sao nhí làm việc với các nhà trị liệu để tập trung vào bản thân và không bị cuốn theo danh tiếng.
Tuy nhiên, còn một nhóm khác cần có trách nhiệm là công chúng nói chung. "Chính chúng ta đã biến xã hội thành một buổi diễn mà ai cũng muốn tham gia", Mc Mahon nói.
Theo vnexpress