leftcenterrightdel
 

Dịch bệnh vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người theo cách riêng. Chúng tôi đã trò chuyện với thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bảo Ân - Công ty Nghiên cứu tâm lý và Chăm sóc sức khỏe tâm thần Let go Dear (Q.1, TP.HCM), người có nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho khách hàng bị ảnh hưởng của COVID-19. 

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bảo Ân cho biết, hiện anh vẫn nhận nhiều tin nhắn, cuộc gọi “than phiền” về những vấn đề của bản thân và môi trường xung quanh của những người liên hệ. Họ đề cập đến những mối bận tâm, lo lắng và sợ hãi về tình trạng sức khỏe và nhất là việc thích nghi lại với tình trạng bình thường mới. 

Phóng viên: Khách hàng đã chia sẻ những gì và anh đánh giá tình trạng của họ qua những cuộc trò chuyện đó như thế nào?

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bảo Ân: Tôi nhận thấy những vấn đề liên quan đến đời sống tinh thần của người dân diễn biến phức tạp. Trong số những người liên hệ với tôi, có những người đã trải qua cuộc chia ly không bao giờ gặp lại người thân của mình, có những người vốn đã có sẵn những vấn đề các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Cũng có những người “bình thường” trước đây, sau trạng thái hào hứng vì được đi làm lại, nay đang cảm thấy stress khi phải thích ứng khi quay lại với công việc.

Những than phiền mà tôi được nghe nhiều nhất trong giai đoạn này là các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, giảm khả năng tập trung, hiện tượng cáu gắt, bồn chồn, chán nản, mất hứng thú và động lực. Họ cũng sử dụng bia rượu, thuốc lá nhiều hơn thường ngày. 

Có những trường hợp nhận biết bản thân đang xuất hiện những biểu hiện như vừa kể, nhưng không hiếm trường hợp không hề nhận ra điều này. Những thay đổi trong tính khí, cách sinh hoạt của họ được nhận biết bởi những người xung quanh. 

Những vấn đề này không được nhận diện, hỗ trợ và chăm sóc kịp thời có thể dẫn đến những hệ quả đáng tiếc, có thể làm điều kiện phát sinh một rối loạn về sức khỏe tâm thần hay ít nhất là những điều này đang làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, công việc và những mối quan hệ xung quanh.

* Vậy, gia đình hay bản thân người rối loạn đó có thể làm gì để chữa lành những tổn thương, cân bằng lại cuộc sống như trước?

- Để giải quyết vấn đề này cần thời gian và một giải pháp mang tính hệ thống. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy việc đầu tiên mà mỗi người chúng ta có thể làm là hiểu về những vấn đề sức khỏe tâm thần một cách đúng đắn. 

Trong quá trình thực hành công việc trợ giúp tâm lý, tôi thấy không ít người chưa hiểu về sức khỏe tâm thần, nên họ chưa có thái độ đúng đắn về tầm quan trọng của nó. 

Một trong những cách hiểu về sức khỏe tâm thần mà tôi thường được nghe là những ai có vấn đề về sức khỏe tâm thần và tìm kiếm sự giúp đỡ là những người yếu đuối (phần lớn ở các đối tượng nam giới, vì nhiều lý do, như “vai trò” của giới tính mà xã hội đặt trên vai họ chẳng hạn), là tiêu cực, yếm thế. Và, nhắc đến hai chữ “tâm thần” người ta liên tưởng đến sự điên loạn. 

Trong thời buổi công nghệ hiện đại, chỉ cần một thao tác chúng ta có thể truy cập những vấn đề mà mình muốn biết, chỉ cần chọn những kênh chính thống để đảm bảo tính chuẩn xác của thông tin. 

Mỗi lần chúng ta bị một vấn đề gì về cơ thể ta thường tìm hiểu ngay về những biểu hiện bất thường đó để có hướng can thiệp kịp thời, nhưng dường như ở bình diện sức khỏe tâm thần nhiều người vẫn chưa quen với việc tìm kiếm như vậy. Một trong các rào cản để đi đến thói quen này là ta không biết những biểu hiện bất thường trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần 
của mình.

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK 

Khi hiểu về sức khỏe tâm thần một cách đúng đắn chúng ta có thể nhận diện ngay những biểu hiện khác với thường ngày, để có thể chấp nhận và đối phó bằng những chiến lược phù hợp. Từ đó, chúng ta quan tâm chăm sóc bản thân thông qua những hoạt động, thói quen lành mạnh, qua việc học cách ứng phó một cách thích nghi và thông qua việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp. 

Hiện nay, các chương trình tư vấn, trợ giúp tâm lý vẫn duy trì, thường là miễn phí, và đây là những nguồn lực vô cùng tốt cho người dân tìm đến trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Mỗi người cần trang bị cho mình kiến thức đúng về sức khỏe tâm thần cũng như những kênh hỗ trợ phù hợp với bản thân.

* Anh có lưu ý nào cho mỗi người trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn trong cộng đồng như hiện nay?

- Chúng ta đang trong tiến trình quay trở lại với sự bình thường, và chắc chắn sự bình thường sau dịch sẽ không còn là bình thường trước kia, kể cả khi chấm dứt được dịch bệnh thì những hệ quả của nó lên kinh tế, xã hội vẫn tiềm tàng những nguy cơ, áp lực, căng thẳng. 

Ta có thể thấy rằng đợt dịch vừa rồi hệ thống y tế huy động các lực lượng tham gia chống dịch, bao gồm cả nguồn lực chuyên gia trong lĩnh vực y khoa tâm thần, và có thể nói mọi người đã thấm mệt. Trong khi tình hình của dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, lực lượng y tế cũng sẽ gồng gánh tiếp tục vai trò bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có thể những nguồn lực chăm sóc sức khỏe tâm thần sẽ bị hạn chế và quá tải nếu nhu cầu các vấn đề sức khỏe tâm thần tăng vọt đột biến. 

Do đó việc chúng ta có cái nhìn đúng đắn, sát với thực tế để có sự chuẩn bị trong phòng ngừa, ứng phó và thích nghi là vô cùng quan trọng. Và mọi người cần có ý thức trách nhiệm với đời sống tinh thần của chính bản thân mình.

* Xin chân thành cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Theo phunuonline