Những tội phạm đeo gông thời Pháp thuộc, chuẩn bị ra pháp trường - ẢNH: CHARLES-ÉDOUARD HOCQUARD

Sách Hoàng Việt hình luật (Nhã Nam và NXB Hồng Đức ấn hành) viết: “Trong thời kỳ Pháp thuộc, sự chia rẽ ba xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ với ba chế độ chính trị khác nhau dẫn đến sự phân hóa trong hệ thống pháp luật nước ta. Ở xứ bảo hộ Trung kỳ, từ năm 1933, bộ luật hình sự được áp dụng là Hoàng Việt hình luật gồm 424 điều, 29 chương được ban hành với nghị định của Toàn quyền Đông Dương và chỉ dụ của Bảo Đại. Là bộ luật hình sự mang tính chất nửa thực dân nửa phong kiến, Hoàng Việt hình luật là công cụ pháp lý đắc lực bảo vệ quyền lợi của thực dân Pháp và vua quan nhà Nguyễn. Không chỉ phản ánh một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước, mà xét ở góc độ khoa học, một số chế định trong bộ luật này còn có giá trị tham khảo, phục vụ cho hoạt động lập pháp hình sự hiện đại”.

Tù nhân thời Nguyễn - ẢNH: TIỂU LUẬN VỀ DÂN BẮC KỲ, GUSTAVE DUMOUTIER, TR. 35

Hình phạt phụ nữ ngoại tình thời Nguyễn - ẢNH: TIỂU LUẬN VỀ DÂN BẮC KỲ, GUSTAVE DUMOUTIER, TR. 39

Xuyên suốt bộ luật, trong từng điều luật đều quy định rõ hình phạt, vì vậy không thể tăng nặng hoặc giảm nhẹ theo chủ ý của người xét xử. Về hình phạt thì bộ luật có hình phạt với tội đại hình (trọng tội) như tử hình, khổ sai chung thân, khổ sai có kỳ hạn, phát lưu (đày đi xa)…; tội trừng trị (khinh tội) như phạt giam, phạt bạc; và một số hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, quản thúc, bồi thường tổn hại…

Giá trị lập pháp của bộ luật được thể hiện qua việc thi hành hình phạt tử hình quy định trong các điều 6, 7 và 8 của chương 2. Cụ thể, những tội danh thuộc về đại hình quy định: “Người bị tử hình sẽ bị bắn hay chém ở trước công chúng. Còn chỗ hành hình, nếu hội đồng Thượng thư không chỉ định, thời quan tỉnh sở tại sẽ định một chỗ ở trong tỉnh mà tội nhân đã phạm pháp […]. Nếu đàn bà bị tử hình xưng rằng có thai mà xét ra quả thật, thời sau khi sanh đẻ rồi một trăm ngày mới phải thụ hình” (điều 6). “Tội tử không đem ra hành hình trong những ngày: quốc khánh Đại Pháp (ngày 14.7), và những ngày lễ mà luật Đại Pháp đã công nhận, ngày Chủ nhật, cùng ngày lễ Vạn Thọ (mừng sinh nhật vua hằng năm), ba ngày trước và ba ngày sau lễ Nam Giao, tám ngày đầu tháng giêng An Nam, ngày mồng hai, mồng năm tháng năm, ngày rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng tám và tháng mười, ngày mồng một và năm ngày cuối cùng tháng chạp” (điều 7). “Nếu thân nhân người bị xử tử có xin nhận xác về chôn thời cũng cho nhưng không được làm đám phô trương và có công chúng dự lễ” (điều 8).

Việc tra khảo thời Nguyễn - ẢNH: TIỂU LUẬN VỀ DÂN BẮC KỲ, GUSTAVE DUMOUTIER, TR. 38

Hình phạt treo cổ thời Nguyễn - ẢNH: TIỂU LUẬN VỀ DÂN BẮC KỲ, GUSTAVE DUMOUTIER, TR. 40

Bộ luật xác định rõ chủ thể phạm tội “khi sự phát mới đầy 10 tuổi trở xuống, hoặc đã 90 tuổi trở lên, thời khỏi phải chịu tội về mặt hình, trừ ra người già phạm tội đại hình có phương ngại đến sự trị an của nhà nước thời không kể” (điều 84). Chương 10 quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm về mặt hình, ngoài người não bệnh (điên, si) được xác thực còn có ba trường hợp “tình thế bắt buộc” “mệnh lệnh của pháp luật” và “hãn (bảo, phòng) vệ chánh đáng”.

Phạt khổ sai 5 - 15 năm tội tư thông với đàn bà, con gái trong gia đình

Dù chịu ảnh hưởng của luật hình sự phương Tây, Hoàng Việt hình luật cũng duy trì những cổ “luật” đặc thù của chế độ phong kiến/quân chủ liên quan đến các tội thông gian, cường gian, tư thông với đàn bà con gái, hôn giá trùng điệp… Ví dụ như hình phạt khổ sai 5 - 15 năm cho tội “tư thông với vợ cả, vợ lẽ của cha ông, anh em, chú bác” (điều 306); phạt giam hoặc phạt tiền với người nào “phạm gian với một người đàn bà quá đương lúc có tang chồng…” (điều 307). “Vợ cả hoặc vợ lẽ chưa ly dị chồng trước mà đã lấy chồng khác, sẽ bị phạt giam từ 1 năm đến 3 năm. Người chồng đã cưới vợ một lần đầu rồi, chưa ly dị vợ trước mà đã lấy vợ khác sẽ bị phạt giam từ 6 tháng đến 2 năm” (điều 308)…

Kinh lược sứ Nguyễn Trọng Hiệp (1834-1902) thời nhà Nguyễn xử án, giai đoạn 1885-1887 - ẢNH: MANHHAI FLICKR

Ngoài ra, Hoàng Việt hình luật còn một số điểm tiến bộ khác: trong ngũ hình (xuy, trượng, đồ, lưu, tử) được áp dụng từ Luật Gia Long trở về trước thì Hoàng Việt hình luật bỏ xuy (đánh bằng roi) và trượng (đánh bằng gậy); cá nhân hóa (chánh phạm, tòng phạm) trách nhiệm hình sự, thay vì tập thể, với các tội phản nghịch, âm mưu lật đổ chánh phủ, hoàng triều (điều 99-103); quy định chi tiết về kỳ hạn “trước tiêu” (hết thời hiệu) truy cứu trách nhiệm hình sự và thi hành án trong các điều 44-54; quy định phạt giam 1 - 3 năm hoặc phạt bạc đối với sự gian dối trong việc thi cử (điều 404)…

Hoàng Việt hình luật là bộ luật hình sự khá tiến bộ lúc bấy giờ, vì vậy việc Nhã Nam và NXB Hồng Đức vừa cho tái bản cuốn sách là cách góp thêm tư liệu quý cho việc tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị luật pháp từng được thực thi trong quá khứ.

Theo thanhnien