leftcenterrightdel
 Chị Nguyễn Lê Yến Nhi, cựu sinh viên thuộc diện học bổng Stipendium Hungaricum cho biết, Hungary là một đất nước đáng để giới trẻ Việt Nam sinh sống, học tập và trải nghiệm. (Nguồn: Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam)

Đến dự Hội thảo có Đại sứ Hungary tại Việt Nam Tibor Baloghdi; ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; G.S Imre Felde, Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ doanh nghiệp và công nghiệp, Đại học Óbuda.

Hội thảo giáo dục đại học “Making the best Better” tập trung đánh giá các kết quả thực tiễn trong 10 năm hoạt động của chương trình Stipendium Hungaricum tại Việt Nam và thảo luận về phương hướng trao đổi giáo dục giữa hai nước trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, ông Tibor Baloghdi cho biết, chính phủ Hungary thành lập chương trình học bổng Stipendium Hungaricum vào năm 2013, nhằm thu hút nguồn nhân tài quốc tế về học tập tại đất nước này. Trong quá trình đó, các du học sinh có thể nhận được sự quan tâm và đào tạo bài bản từ hệ thống giáo dục của Hungary, đồng thời có cơ hội mở rộng mạng lưới quan hệ bạn bè và đồng nghiệp.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Quang Hưng nhấn mạnh, hiện có 900 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hungary, trong đó có 578 người du học theo diện học bổng Stipendium Hungaricum. Với sự quan tâm ngày càng lớn từ phía Việt Nam trong thời gian gần đây, Hungary đã tăng số lượng học bổng từ 50 lên thành 200.

leftcenterrightdel
GS. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến khích sinh viên Việt Nam du học Hungary vì đất nước này sở hữu bề dày học thuật đáng ngưỡng mộ. (Nguồn: Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam) 

Giáo dục của Hungary luôn thể hiện được sự xuất sắc trong hơn 650 năm qua với nhiều thành tựu ấn tượng. Kể từ năm 1905, đất nước gần 10 triệu dân này đã giành được 15 giải Nobel và giải thưởng gần đây nhất thuộc về Katalin Karikó trong lĩnh vực y học.

leftcenterrightdel
G.S Imre Felde, Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ doanh nghiệp và công nghiệp, Đại học Óbuda chia sẻ về lợi ích của chương trình học bổng đối với sinh viên Việt Nam. (Ảnh: Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam) 

Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam, G.S Imre Felde, Phó Hiệu trưởng phụ trách Quan hệ doanh nghiệp và công nghiệp, Đại học Óbuda nhận định, Hungary dần thiết lập quan hệ hợp tác với các trường đại học Việt Nam vào năm 2013, bao gồm việc ký kết các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ trên lĩnh vực khoa học, giáo dục. Cùng với sự phối hợp từ các đối tác tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, hai bên bắt đầu xây dựng và vận hành các dự án giáo dục và nghiên cứu ứng dụng.

Sở dĩ chính phủ Hungary tăng hạn mức học bổng lên tới 200 là vì du học sinh Việt Nam tại Hungary đã thể hiện được tài năng học thuật và sự năng động trong hoạt động ngoại khóa. Do đó, phía Hungary kỳ vọng có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa với giáo sư và sinh viên Việt Nam trong tương lai.

Theo baoquocte