Lắng nghe đúng cách
Một trong những thói quen quan trọng nhất chúng ta cần tạo cho trẻ đó chính là cách diễn đạt cảm xúc. Mọi vui, buồn, hờn, giận... khi đứa trẻ tiếp nhận các tác động từ bên ngoài đều cần được thể hiện. Và chúng ta, tạm thời, hãy ngưng mọi phán xét, thay vào đó dẫn dắt để trẻ thổ lộ, tự tìm câu trả lời cho vấn đề của chúng.
|
|
Tác giả và cháu. Ba mẹ cháu đi làm xa, nên cháu ở với dì |
Có lần cháu tôi bảo: “Con đã làm rách cuốn sách giáo khoa”. Thứ đầu tiên tôi nói không phải là một lời răn dạy. Tôi thường thuận theo cảm xúc của bé, đặt những câu hỏi, chẳng hạn “ồ, dì rất tiếc khi nghe điều đó. Con cảm thấy thế nào?”. Khi cháu tôi bảo “con rất buồn” hoặc những câu đại loại vậy để bộc lộ cảm xúc, tôi sẽ tiếp tục khai vấn, như “nói dì nghe, tại sao con cảm thấy thế?”.
Bé sẽ đưa ra những lý do, ví như bé rất quý cuốn sách, sợ sẽ không có tài liệu học tập... Việc của người lớn chính là dẫn dắt tiếp, rằng “vậy con nên làm gì để giải quyết bây giờ?” để chính đứa trẻ tìm ra cách xử lý cho vấn đề của chúng. Điều này không chỉ rèn cho trẻ cách diễn đạt ý muốn của bản thân mà còn tạo sự tự tin, độc lập và bản lĩnh cho đứa trẻ. Một người thành công, đa phần cũng đều tụ hội những phẩm chất cần có ấy.
Chúng ta nên tiếp thu cả những thứ công nghệ 4.0 đem lại. Điều này có vẻ khó với những bậc phụ huynh đã lớn tuổi ở thế hệ trước. Nhưng ta cần nhìn nhận thực tế rằng bọn trẻ đang lớn lên trong một thế giới phẳng, chỉ cần một cú click chuột là có thể biết được cách mà những người đồng trang lứa ở mọi nơi trên thế giới đang sinh sống.
Cháu tôi là đứa trẻ sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển. Thỉnh thoảng, tôi thấy bé dùng đồ điện tử còn rành hơn cả mình. Việc tiếp cận internet từ rất sớm cho bé cơ hội khám phá thế giới ở góc nhìn đa chiều, cũng như có thể kết bạn xuyên biên giới. Nếu tôi không theo kịp trình độ công nghệ bây giờ, sẽ rất khó lòng trao đổi, dõi theo cũng như hướng dẫn cho bé cách tiếp cận thông tin và các tiện ích công nghệ đúng cách.
Sau khi đã lắng nghe trẻ, việc tiếp theo là nói làm sao để trẻ nghe với một tâm thái tiếp thu tích cực.
Người lớn, với tư duy trưởng thành, đôi khi lời nói cũng vì thế mà thường mang theo uy quyền, áp chế, ra lệnh, phán xét. Điều này vô hình trung ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tâm sinh lý của đứa trẻ.
“Nói” với trẻ thế nào cho hợp lý?
Một lời nói hay có khi sẽ cứu rỗi được tính mạng của một con người. Vì lẽ đó, người ta thường bảo, nếu đã không thể khen ngợi ai đó thì tốt nhất hãy im lặng. Những câu nói phán xét, xúc phạm đều gây ra tổn thương không nhỏ cho người khác, đặc biệt là những đứa trẻ đang trong quá trình tiếp thu tác động ngoại giới để trưởng thành.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Hôm nọ, cháu tôi đem về một bài kiểm tra toán với số điểm 8-. Cháu hân hoan vô cùng vì đạt điểm giỏi, chứ không phải buồn vì dấu trừ phía sau. Vì sao? Vì câu đầu tiên tôi nói với cháu là một lời khen ngợi: “Ồ, 8 điểm luôn, giỏi quá!”, “Con rất chăm chỉ, nên đã làm gần đúng hết rồi này”. Tôi dùng lời khen để công nhận thành quả mà cháu cố gắng đạt được, thay vì phủ nhận ngay lập tức với dấu trừ đằng sau điểm số. Việc tiếp cận vấn đề từ mặt tốt để có hướng giải quyết cái chưa tốt chính là cách để làm đứa trẻ chịu “nghe” phụ huynh nói.
Sau đó, tôi nhẹ nhàng hỏi: “Ủa mà sao lại có dấu trừ ở đây vậy nhỉ?”. Cháu tôi nói, vì cháu quên ghi đơn vị tính. Tôi cảm thán bằng một câu dẫn dắt: “Tiếc ha. Nếu không quên thì điểm 8 này đã đẹp hơn rồi”. Ngay lập tức, cháu đã dõng dạc hứa lần sau sẽ làm bài cẩn thận.
Bạn thấy đấy, chính việc khen ngợi đã vực dậy sự tự tin của đứa trẻ. Chúng thấy hạnh phúc và dễ dàng tiếp thu những cái chưa được còn tồn đọng. Vì chúng cũng muốn càng xuất sắc, càng được công nhận nhiều hơn.
Phụ huynh đừng vội phán xét hay nhìn ngay vào “dấu trừ” của đứa trẻ, mà cần thấy được sự nỗ lực của chúng qua con 8 đằng trước. Trẻ em rất nhạy cảm. Tâm hồn của chúng như tờ giấy trắng. Chúng tiếp nạp mọi thứ chúng nghe, thấy lên tờ giấy đó, nhưng lại chưa biết cách xóa bớt những chỗ viết sai.
Vì vậy, phụ huynh cần thận trọng trong cách dùng từ khi nói chuyện cùng trẻ. Khi trẻ làm sai, đừng vội gắn nhãn “hư, vô tích sự” cho trẻ. Nếu chúng ta định hình trong não trẻ như thế, chúng sẽ cho rằng đó là sự thật và hành động y như vậy.
Chẳng ai hoàn hảo, nhưng chúng ta luôn có cách hoàn hảo nhất để yêu thương đứa trẻ của mình. Vì vậy, đừng ngại học hỏi và nhẹ nhàng hơn với con trẻ.
Theo phụ nữ TPHCM