leftcenterrightdel
 Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương, Viện Nghiên cứu Trung Quốc.

Nghiên cứu về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương, Viện Nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, đổi mới về khoa học công nghệ là một trong bốn đổi mới lớn mà Trung Quốc đã đề ra, gồm đổi mới lý luận, đổi mới thể chế, đổi mới khoa học công nghệ và đổi mới văn hóa.

Về tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới khoa học công nghệ đối với Trung Quốc hiện nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh khoa học công nghệ là vũ khí lợi hại của đất nước. Người dân Trung Quốc muốn có cuộc sống tốt đẹp thì phải có khoa học công nghệ lớn mạnh. “Cốt lõi của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là ở hiện đại hóa khoa học và công nghệ”.

Đổi mới khoa học công nghệ là động lực mới thúc đẩy nền kinh tế nâng cao về chất và tăng trưởng hợp lý về lượng, tạo ra lợi thế mới trong thời đại mới, giúp Trung Quốc nắm vững quyền tự chủ phát triển, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, vấn đề sâu xa của nền kinh tế. Hơn nữa, Trung Quốc coi việc tự chủ về khoa học công nghệ trình độ cao là sự hỗ trợ quan trọng để thực hiện phục hưng dân tộc, cho phép “đi tắt đón đầu” vươn lên vị trí cao hơn trong đổi mới sáng tạo.

“Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc rất chú trọng đổi mới khoa học công nghệ và đã đưa ra nhiều biện pháp chính sách cụ thể, thiết thực như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao địa vị chủ thể của doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo; tăng cường giáo dục và đào tạo nhân tài đổi mới khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác khoa học công nghệ, tích cực hội nhập vào mạng lưới đổi mới toàn cầu”, học giả Việt Nam đánh giá.

Với những nỗ lực trên, đổi mới khoa học công nghệ của Trung Quốc đã đạt được những kết quả mới, hướng đến thực hiện mục tiêu tự lực tự cường về khoa học công nghệ trình độ cao. Các phương thức hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ đã đa dạng hơn, đảm bảo hiệu quả nhu cầu vốn cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu công nghệ cốt lõi. Chi tiêu cho R&D vượt 1.000 tỷ NDT vào năm 2012, vượt 2.000 tỷ NDT vào năm 2019; Năm 2022, bất chấp tác động của nhiều yếu tố bất ngờ, đầu tư R&D của Trung Quốc vẫn tăng trưởng tương đối nhanh.

Năm 2023, làn sóng đổi mới khoa học công nghệ bùng nổ, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc khoảng 3.330 tỷ NDT, đứng thứ hai thế giới, tỷ lệ chi tiêu R&D trên GDP của toàn xã hội đạt 2,64%, vượt mức trung bình của các nước OECD.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu khoa học công nghệ lớn trên nhiều lĩnh vực; vai trò dẫn dắt của đổi mới khoa học công nghệ được nâng cao hơn nữa. Ảnh hưởng quốc tế của kết quả nghiên cứu khoa học cũng như các trung tâm đổi mới khoa học công nghệ quốc tế ngày càng tăng.

“Trung Quốc dẫn đầu về công nghệ xe điện và một số loại thiết bị y tế, đường sắt cao tốc, phương tiện sử dụng năng lượng mới… Sản lượng ô tô năng lượng mới chiếm hơn 60% thị phần toàn cầu, đứng đầu thế giới trong 9 năm liên tiếp, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi xanh và ít carbon toàn cầu. Năm 2024, Trung Quốc thử nghiệm thành công taxi điện không người lái, có cơ hội trở thành thị trường xe tự lái lớn nhất thế giới,” nữ học giả đưa ví dụ.

Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành quả đổi mới trong các công nghệ cốt lõi, các lĩnh vực tiên tiến như AI và công nghệ lượng tử. Năm 2023, Trung Quốc có khoảng 15% doanh nghiệp áp dụng AI; năm 2024, trình làng chip AI 14nm để đào tạo AI với chi phí thấp. Công nghệ lượng tử đã được ứng dụng nhiều vào đời sống. Đến giữa năm 2021, Trung Quốc nắm giữ hơn 3.000 bằng sáng chế liên quan đến công nghệ lượng tử, gấp đôi so với Mỹ và gấp ba so với Nhật Bản. Năm 2023, máy tính lượng tử mới của Trung Quốc có thể xử lý các tác vụ liên quan đến AI nhanh hơn 180 triệu lần so với siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay.

Về mạch tích hợp, các nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc như SMIC và YMTC đều đang nỗ lực xây dựng dây chuyền sản xuất “Non-A” (phi Mỹ) . Năm 2024, Trung Quốc phê duyệt quỹ đầu tư mới 40 tỉ USD cho lĩnh vực bán dẫn. Mẫu điện thoại thông minh Pura 70 của Huawei ra mắt vào cuối tháng 4/2024 sử dụng nhiều linh kiện do Trung Quốc sản xuất hơn…

“Có thể thấy, với môi trường chính sách thuận lợi và nguồn nhân tài hàng đầu thế giới, không gian thị trường rộng lớn, đầu tư R&D quy mô lớn, đổi mới khoa học công nghệ của Trung Quốc sẽ tiếp tục được thúc đẩy và có nhiều đột phá,” nữ học giả nhận định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế mới, giai đoạn phát triển mới, công cuộc đổi mới khoa học công nghệ của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức.

“Môi trường đổi mới cần tiếp tục hoàn thiện để các công ty công nghệ có thể cạnh tranh công bằng. Vấn đề cạnh tranh và đầu tư trùng lặp giữa các địa phương đã xuất hiện khi chính quyền địa phương tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ. Ngoài ra còn các vấn đề như ‘bẫy công nghệ trung bình’, thiếu nhân lực chất lượng cao… là những thách thức mà Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt trước khi đạt được mục tiêu xây dựng cường quốc khoa học công nghệ thế giới,” Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà Phương nhận định.

Theo thoidai