Học sinh sẽ tắt chức năng webcam, thay ảnh đại diện thành biểu ngữ chống Zoom khi học trực tuyến.

Issac Cheng Ka-lon, phát ngôn viên của nhóm phản đối, cho biết tại ít nhất hai trường trung học Hong Kong, nhóm hacker đã thâm nhập vào phòng học trực tuyến, chia sẻ hình ảnh đồi truỵ, làm gián đoạn việc học và ảnh hưởng đến học sinh.

Học sinh Hong Kong phản đối học bằng Zoom. Ảnh: Gabby Jones/ Bloomberg. 

Carson Tsang Long-hin, 16 tuổi, học sinh trường PLK Vicwood KT Chong, cho rằng phần mềm học lý tưởng nên bảo vệ thông tin cá nhân. Nam sinh tin rằng các trường học sẽ nghe thấy tiếng nói của học sinh và thay đổi.

Theo một cuộc khảo sát đầu tháng 4 trên 14.000 học sinh trung học Hong Kong, 4/5 số người được hỏi học trực tuyến qua Zoom. 79% trong số đó phản đối dùng phần mềm này vì lo ngại rò rỉ dữ liệu và các cuộc tấn công "Zoombombing".

Francis Fong Po-kiu, đại diện Liên đoàn Công nghệ Hong Kong, đề nghị các trường lựa chọn phần mềm học thay thế như Google Hangouts Meet hoặc Microsoft Teams. Một số trường đã chuyển đổi.

Tuy nhiên, Francis nhấn mạnh phần mềm Zoom vẫn có thể được sử dụng nếu các trường gia tăng tính bảo mật cho phòng học ảo như cài đặt mật khẩu, chỉ chia sẻ đường dẫn cho người học. "Zoom có nhiều ưu điểm, chẳng hạn miễn phí. Tôi tin rằng phần mềm này rất phù hợp với mục đích giảng dạy", ông Francis nói.

Trước đó ngày 5/4, Sở Giáo dục thành phố New York, Mỹ đã yêu cầu tất cả trường học trên địa bàn không sử dụng phần mềm Zoom vì lo ngại tính bảo mật và các cuộc tấn công "Zoombombing". Singapore ngày 10/4 cũng cấm các trường dạy học bằng Zoom vì lo ngại vấn đề tương tự, nhưng đến ngày 13/4 Bộ Giáo dục cho phép các trường tiếp tục dùng sau khi cài ba lớp phòng thủ.

Zoom là phần mềm họp trực tuyến ảo, có thể tạo cuộc gọi nhóm tối đa 100 người. Khi Covid-19 bùng phát, hơn 20 quốc gia với 90.000 trường học sử dụng phần mềm này để giảng dạy trực tuyến.   

"Zoombombing" chỉ hành vi phá hoại các cuộc gọi trực tuyến trên phần mềm Zoom. Hacker sẽ tìm đến các phòng học ảo qua đường dẫn chia sẻ công khai trên các trang web, mạng xã hội hoặc đoán mã ID chứa từ 9 đến 11 chữ số. Khi vào được lớp học ảo, họ đưa ra tuyên bố đe dọa, phân biệt chủng tộc hoặc hình ảnh khiêu dâm gây ảnh hưởng đến tâm lý và nhận thức của học sinh.

Theo vnexpress