Trường THPT Trương Định, nơi xảy ra vụ phụ huynh bị cô lập vì không chịu đóng phí tự nguyện

Mới đây, một bà mẹ có con đang theo học lớp 10 tại trường THPT Trương Định (Hà Nội) đã bị một số phụ huynh khác lăng mạ vì từ chối đóng tiền tự nguyện của hội phụ huynh lớp. Con trai chị cũng bị bạn bè cùng lớp trêu ghẹo vì chuyện này.        

Đây không phải lần đầu tiên khoản phí tự nguyện này gây xôn xao dư luận. Trước đó vài ngày, không ít phụ huynh cũng than phiền khi phải đóng phí tự nguyện đầu năm từ vài trăm ngàn cho đến hàng triệu đồng, với hàng loạt khoản "lạ hoắc". Họ nói bị đặt vào thế khó, nhưng không thể từ chối, nên đành phải bấm bụng. 

Cứ như thế, những khoản thu mang tên tự nguyện gây ồn ào năm này sang năm khác. Trên các diễn đàn, không ít người bức xúc đòi dẹp bỏ hội phụ huynh, cho rằng đại diện các hội phụ huynh chỉ tìm cách thu tiền chứ không làm các nhiệm vụ cần thiết khác.

Tại nhiều quốc gia, hội phụ huynh học sinh là một phần không thể thiếu trong trường học, nhưng cách thức tạo quỹ hiếm khi gây thắc mắc.

Chẳng hạn ở Nhật, một phụ huynh cho biết ngoài khoảng thu 300 yên, tương đương 60 ngàn đồng tiền Việt, để in ấn các thông báo, ngoài ra không có thêm khoản đóng góp nào. Hội sẽ tổ chức các buổi thể thao, ngoại khóa, hội chợ bán đồ cũ... để gây quỹ. 

Hay như ở Pháp, Mỹ, Úc... hội phụ huynh cũng kêu gọi đóng góp vào đầu năm, nhưng đóng góp bao nhiêu tuỳ vào khả năng tài chính của mỗi người. Phụ huynh thường để tiền vào bao thư dán lại, sau đó gửi cho ban đại diện cha mẹ học sinh, hoặc để con trực tiếp mang đến trường đóng góp.

Ngoài ra, họ thường tổ chức hội chợ, tiệc trà vào những dịp đặc biệt như Halloween, ngày của cha, ngày của mẹ... nhằm gây quỹ. Các phụ huynh sẽ đóng góp bánh kẹo, sau đó ai muốn ăn gì sẽ để lại số tiền tương ứng. Ngoài ra, họ cũng đi xin sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp... để bổ sung vào quỹ. Tiền sẽ được dùng để hỗ trợ nhà trường, hoạt động ngoại khoá của học sinh.

Hầu hết các hội phụ huynh học sinh tại nhiều quốc gia phát huy vai trò trong việc tạo sự kết nối giữa phụ huynh và nhà trường, giữa phụ huynh với phụ huynh, tập trung các kiến nghị và đề xuất các giải pháp gửi đến nhà trường và cấp quản lý để cải thiện chất lượng giáo dục, hỗ trợ học sinh đến trường…

Một phiên hội chợ gây quỹ được hội phụ huynh nước ngoài tổ chức

Hỗ trợ giáo dục, khuyến học cũng là mục tiêu chính của hội phụ huynh học sinh tại Việt Nam, nhưng những năm qua, với nhiều vụ ồn ào liên quan đến tiền bạc, không ít người đặt câu hỏi, hội phụ huynh có đang biến thành một tổ chức tài chính hay không, bởi những mục tiêu về hỗ trợ phát triển giáo dục thì không đáng kể. Các cuộc họp phụ huynh không thấy đề cập chuyện học hành trường lớp, mà chỉ bàn tiền nong.

Thậm chí, uy tín của không ít ban đại diện hội cha mẹ học sinh còn xấu tới mức họ mang tiếng vào Hội này để có quan hệ tốt với nhà trường để con em được chú ý, nâng đỡ, hoặc tư lợi việc xin học, chạy trường, có lợi thế trong các gói thầu trang thiết bị hay xây dựng… 

Thực tế ở Việt Nam, cơ sở vật chất của các trường công vẫn còn hạn chế. Vì thế, việc huy động sự hỗ trợ của phụ huynh, doanh nghiệp, các tổ chức... để con em có được điều kiện học tập tốt hơn không phải là chuyện không xấu. 

Nhưng tự nguyện không đồng nghĩa với việc bổ đầu để ép đóng bằng những con số cụ thể đưa ra mỗi cuộc họp đầu năm. 1 triệu đồng tiền quỹ với gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng một tháng sẽ không là vấn đề. Nhưng cũng con số đó, với một gia đình lao động bình thường lại không còn là câu chuyện nhỏ. 

Chưa kể, với nhiều người, sự bất bình không tới từ con số, mà là cách "đẻ ra khoản thu" và cách thu của các ban đại diện cha mẹ học sinh. Họ có thể rất giàu, nhưng vẫn không vui khi phải đóng thêm 10 ngàn đồng quỹ nước uống hay phí vệ sinh, nếu thấy điều ấy vô lý. Họ chỉ miễn cưỡng đóng vì không muốn mình bị réo tên hay con mình chịu thiệt thòi mà thôi.

Góp quỹ trong tâm trạng bực bội, bức xúc, thì tự nguyện không còn là tự nguyện. Một ban đại diện cha mẹ học sinh tốt là phải làm sao để mọi người đóng tiền trong vui vẻ, hào hứng và không tạo bè phái, phân biệt giàu nghèo ngay trong hội nhóm các phụ huynh.                                                          

Nhìn vào mô hình hoạt động của những quốc gia kể trên, có thể thấy: Nếu thật sự có tâm và có tài, hội cha mẹ học sinh sẽ tìm ra nhiều con đường để đi đến một mục tiêu chung, chứ không nhất thiết là sự ép buộc mang danh “khoản đóng góp tự nguyện”.

Có hay không về sự cần thiết của hội phụ huynh? Có nên giữ hay dẹp bỏ hội này? Câu trả lời của tôi là rất cần hội phụ huynh để hỗ trợ con em, tạo thêm kênh liên lạc giữa nhà trường và gia đình. Nhưng hội phụ huynh phải cần làm đúng chức năng của mình, không vi phạm các điều khoản cấm thu của ngành giáo dục, không mang tiếng là "cánh tay nối dài", là "thu giùm" nhà trường, Không vẽ vời những khoản thu chi bất hợp lý để "lấy le" với nhà trường.

Theo phunuonline