Bà có thể chia sẻ về lý do chọn Hoàng thành Thăng Long để tổ chức Festival Áo dài Hà Nội 2016?
Ở Hà Nội có rất nhiều địa điểm đẹp, không phải là vẻ đẹp do con người mới tạo ra mà là vẻ đẹp của lịch sử. Bộ áo dài cũng là một trang phục chứa đựng tính lịch sử lâu đời và được đặt trong không gian này sẽ truyền tải được rất nhiều thông điệp. Có thể làm cho tất cả những giá trị của văn hoá, lịch sử, xã hội… thực sự hữu hiệu trong đời sống hiện nay. Áo dài là một biểu trưng đặc sắc của văn hoá, thời trang sẽ không thể phát triển khi không có nguồn gốc từ bản sắc.
NTK Minh Hạnh phát biểu trong buổi họp báo Festival Áo dài tại Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long.
Được tổ chức trong một không gian hết sức đặc biệt, hẳn Festival Áo dài Hà Nội 2016 cũng sẽ có nhiều yếu tố đặc biệt?
Tôi nghĩ rằng, đã là một Festival Áo dài tại Hà Nội thì điều đầu tiên phải nói là về Hà Nội. Festival Áo dài Hà Nội 2016 sẽ được diễn ra trong 3 ngày từ 14 đến 16/10 với rất nhiều hoạt động đặc sắc nhưng xuyên suốt là một màu chủ đạo về văn hoá - lịch sử - con người Hà Nội.
Năm nay, Festival Áo dài Hà Nội sẽ có sự góp mặt của 32 nhà thiết kế đến từ nhiều nơi, có người đến từ miền Tây xa xôi và cũng có người đến từ đất Cảng. Nhân vật điểm nhấn của các buổi trình diễn áo dài vẫn là dàn nghệ sĩ gạo cội của làng điện ảnh, âm nhạc và truyền hình như: NSNS Trà Giang, NSND Ngọc Lan, NSND Minh Châu, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Thanh Tú, NSƯT Kim Tiến, NSƯT Vũ Dậu… Ngoài ra, năm nay chúng tôi còn mời được thêm 3 nghệ sĩ nam cùng tham gia là: NSND Tiến Hợi, NSND Trần Nhượng, NSND Đỗ Kỷ. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của những nghệ sĩ mới là NSND Diệu Thuần, NSND Lan Hương, NSND Hoàng Cúc, NSND Thu Quế, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Thu Hà...
Đặc biệt hơn nữa là chúng tôi còn mời được cụ bà Nguyễn Thị Sính - phu nhân của cố hoạ sĩ Bùi Xuân Bái. Cụ Sính năm nay đã ngoài 90 tuổi những vẫn còn rất minh mẫn và khoẻ mạnh. Cụ xuất hiện trên sân khấu với tư cách là chứng nhân lịch sử của Hà Nội, đồng thời là chứng nhân của nhiều bức tranh vẽ về Hà Nội nổi tiếng của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái. Có thể nói, cụ Sinh cũng chính là “hiện thân” của cụ Bùi Xuân Phái và cũng là “hồn cốt” Hà Nội xưa. Khi tôi ngỏ lời mời cụ tham gia Festival Áo dài Hà Nội 2016, cụ đã rất vui vẻ nhận lời và hào hứng chuẩn bị mọi thứ cho sự xuất hiện của mình.
Ngoài ra, một số Đại sứ quán và ngoại giao đoàn nước ngoài cũng rất hào hứng tham gia sự kiện Festival Áo dài Hà Nội năm nay. Nhất là bà Đại sứ quán Italia sẽ chọn hai nhà thiết kế đang sống tại Italia để thiết kế áo dài cho bà mặc trong đêm diễn này. Tôi nhận được bản vẽ áo dài cách đây mấy hôm và bà Đại sứ Italia cũng đang rất tích cực tạo ra những buổi lấy ý kiến của sinh viên ngành thời trang các trường Đại học ở Italia về tà áo dài Việt Nam.
Các nghệ sĩ sẽ trình diễn trong Festival Áo dài Hà Nội 2016.
Tôi cũng có mời hai vợ chồng nguyên Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh tham gia biểu diễn trong Festival Áo dài Hà Nội lần này. Ông nguyên Tổng lãnh sự quán Pháp này là một người rất yêu Việt Nam và anh có một người vợ Hà Nội. Không chỉ xuất hiện với tư cách nhân vật trình diễn áo dài, người đàn ông này còn chia sẻ một đoạn ngắn về cảm xúc của anh với áo dài bằng tiếng Việt.
Một số nhà thiết kế sẽ chọn hội hoạ làm cảm hứng để thiết kế áo dài, trong đó có tranh của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, Trần Nguyên Đán, Phạm Bình Chương. Đó là 3 hoạ sĩ tài danh có những tác phẩm hội hoạ nổi tiếng trên nhiều chất liệu khác nhau về Hà Nội.
Thêm vào đó là còn có một loạt các bức tranh của các em thiếu nhi vẽ về Hà Nội cũng được sử dụng trong các bộ sưu tập áo dài để làm phong phú thêm bức tranh Hà Nội trong chiều dài thời gian, chiều rộng của không gian và tầng sâu văn hoá.
Tất nhiên, trong câu chuyện kể về áo dài không thể thiếu được những tấm lòng nhân ái. Qua chiều dài lịch sử và trong những biến thiên của thời cuộc, chiếc áo dài chưa bao giờ rời xa những giá trị nhân văn - nhân bản. Cho nên trong các buổi trình diễn vẫn có những chiếc áo dài dành cho những người khuyết tật. Người khuyết tật hôm nay được bình đẳng với những người bình thường. Tôi muốn đưa ra quan điểm, trong áo dài không có cái đẹp và cái xấu, kể cả không có ba vòng eo chuẩn của người mẫu thì khi mặc áo dài mọi người đều đẹp giống nhau.
Trong số 32 nhà thiết kế tham gia Festival Áo dài Hà Nội lần này, bên cạnh các nhà thiết kế sinh ra hoặc đang sống ở Hà Nội thì cũng có những người ở những vùng xa. Việc buộc các nhà thiết kế phải giải bài toán “đưa tinh hoa Hà Nội vào áo dài” có phải là làm khó những nhà thiết kế ở xa quá không, thưa bà?
Chắc chắn là thế vì khi đụng vào áo dài là khó rồi, áo dài về Hà Nội lại càng khó gấp trăm vạn lần. Nhưng cho tới giờ này, tôi nhận thấy các bạn thiết kế diễn tả phần ý tưởng rất tốt. Ví dụ như một số bạn trong TP. Hồ Chí Minh lấy hình ảnh Tố nữ để làm áo dài. Hoặc lấy một phần hình ảnh rất đặc trưng để khi nhìn vào đó người ta biết ngay về Hà Nội: con đường gốm sứ, Khuê Văn Các, Tháp rùa… và họ sử lý bằng kỹ thuật rất mới làm cho chiếc áo dài rất hiện đại mà vẫn nghiêm túc. Một nhà thiết kế ở Huế là Viết Bảo lại gắn tà áo dài với những bức tranh cổ động của Hà Nội ngày xưa. Có bạn còn sáng tạo tới mức sử dụng cốm xanh - một sản vật rất Hà Nội để làm hình ảnh ẩn dụ nói về Hà Nội.
Cụ bà Nguyễn Thị Sính - Phu nhân của danh hoạ Bùi Xuân Phái đã 90 tuổi nhưng rất hào hứng tham gia trình diễn trong Festival Áo dài Hà Nội 2016.
Vậy những hoạt động diễn ra trong 3 ngày của Festival Áo dài Hà Nội 2016 sẽ được phân bố như thế nào?
Ngày đầu tiên là ngày Khai mạc (14/10), các nhà thiết kế sẽ thể hiện một cách đậm đặc nhất về Hà Nội. Tất cả những gì mà các bạn thiết kế cảm nhận được một cách sâu sắc nhất, khám phá trong kho tàng văn hoá Hà Nội những điều lý thú nhất… sẽ được truyền tải hết thông qua các bộ sưu tập áo dài trình diễn và các gian hàng trong khuôn viên Hoàng thành Thăng Long. Chủ đề của đêm đầu tiên là “Hà Nội và mẹ” vì thế bên cạnh chủ đề về Hà Nội còn nói đến hình ảnh người mẹ. Âm nhạc vì đó cũng sẽ được lựa chọn kỹ theo chủ đề này và sẽ góp phần tôn vinh những mẫu thiết kế áo dài.
Ngày thứ 2 là ngày 15/10 có thi vẽ tranh trên áo dài cho thiếu nhi (từ 9h đến 12h) tại khu trưng bày và bên trong gian hàng của các nhà thiết kế; dạy nấu ăn (từ 9h đến 12h) tại gian hàng ẩm thực; tổ chức thi cắm hoa tạo dáng cùng áo dài (từ 14h đến 16h ngày) tại gian hàng của các nhà thiết kế.
Đặc biệt, chương trình biểu diễn áo dài sẽ diễn ra từ 20h đến 22h ngày tại Quảng trường Đoan Môn - Khu di tích Hoàng thành Thăng Long với chủ đề “Hanoi Lifestyle”. Những bộ sưu tập sẽ mang phong cách trẻ trung dành cho các bạn trẻ và không biên giới.
Ngày thứ ba tức ngày cuối cùng sẽ có hội thảo về áo dài diễn ra từ 9h đến 11h30 ngày 16/10 tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch”. Trong hội thảo này, nhà sưu tập áo dài Trần Đình Sơn và Nguyễn Hữu Hoà sẽ giới thiệu bộ sưu tập áo dài cung đình của mình. Ngoài ra, sẽ có lễ diễu hành trên phố Hoàng Diệu qua đường Thanh Niên bằng 50 xe xích lô chở 50 người mẫu mặc áo dài, 200 xe đạp của 200 nữ sinh mặc áo dài và 20 xe đạp hoa. Lễ rước tôn vinh các vị tổ nghề, các nghệ nhân từ 17h – 18h nhằm thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.
Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm với các nghệ nhân và các trò chơi dân gian như: ô ăn quan, làm cào bằng tre, vẽ chuồn chuồn tre, vẽ mặt nạ giấy, nặn tò he… Lễ Bế mạc diễn ra từ 20h đến 21h30 ngày 16/10 tại Sân khấu chính Quảng trường Đoan Môn - Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Festival Áo dài Hà Nội 2016 cũng sẽ dành một phần với diện tích 250m2 để giới thiệu và trình diễn nghệ thuật ẩm thực độc đáo ba miền do đầu bếp Đoàn thị Thu Thuỷ - Top 3 Master Chef 2014 phụ trách. Đây là một người cực kỳ yêu ẩm thực Việt Nam, chị Thuỷ kỳ công tới mức xuống tận Bát Tràng để đặt từng cái bát, cái cốc uống nước. Và toàn bộ bàn ghế đều làm bằng mây tre chứ không sử dụng bàn ghế nhựa. Chị còn kết hợp giữa các loại thảo mộc để tạo ra một loại nước uống rất đặc biệt. Đặc biệt, chị mời các nghệ nhân ẩm thực của Sài Gòn - Huế - Hà Nội đến để dạy cho mọi người nấu ăn và phục vụ ăn sáng luôn.
Các mẫu thiết kế nằm trong 2 bộ sưu tập áo dài của NTK Minh Hạnh.
Có thể hình dung sân khấu của Festival Áo dài Hà Nội 2016 ra sao thưa bà?
Sân khấu chính sẽ là mặt trước của Quảng trường Đoan Môn với hình ảnh chính là cổng thành Đoan Môn. Ý tưởng chủ đạo để trang trí sân khấu chính là lúa. Tôi đặt không biết bao nhiêu là hecta lúa để trang trí cho sân khấu lần này. Lúa sẽ phủ khắp không gian sân khấu để tạo ra một sự nhẹ nhàng, thuần quê... Và các nhân vật trình diễn sẽ xuất hiện với hình ảnh của những người đi chơi hội.
Với tư cách là Giám đốc Sáng tạo của một Festival Áo dài lớn như lần này, khó khăn lớn nhất đối bà là gì, thưa bà?
Như chúng ta đã biết, Festival Áo dài Hà Nội 2016 được tổ chức nhằm hướng tới 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10... và quảng bá những giá trị đẹp đẽ của áo dài. Bài toán về một Festival Áo dài hướng tới các “mệnh đề” này dù khó nhưng vẫn giải quyết được.
Những vấn đề khó khăn về hành chính, tài chính, mối quan hệ giữa những người làm việc với nhau cũng không khiến tôi nhức đầu bằng việc các nhà thiết kế không đưa ra cho tôi được những bộ sưu tập đúng yêu cầu nội dung đã đề ra. Vì lúc đó sẽ rất dễ “vỡ trận”. Vì dụ, bây giờ đưa ra đầu bài là đêm đầu tiên các bộ sưu tập phải đậm đặc màu sắc Hà Nội mà bây giờ không có Hà Nội thì phải làm sao?. Cái đó mới là cái tôi lo nhất chứ không phải cái to tát lớn lao nào khác.
Cám ơn bà đã chia sẻ thông tin.
Theo Dân trí