Trẻ em rơi vào tình trạng khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

 

Khoảng 40.000 trẻ em Mỹ mất cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 tính riêng trong tháng 2/2021

Theo một báo cáo của Tiến sĩ Rachel Kidman, làm việc tại Đại học Stony Brook (Mỹ), khoảng 40.000 trẻ em Mỹ phải trải qua tình trạng mất cha hoặc mẹ trong tháng 2/2021 do tác động của dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng. Dữ liệu thống kê được đăng tải trên tạp chí JAMA Pediatrics (Mỹ).

Tiến sĩ Kidman cho biết, những tác động do đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến trẻ em, gây ra các tình trạng như thiếu an ninh lương thực hoặc đẩy trẻ em đến các tình trạng như bị bóc lột sức lao động hoặc bị lạm dụng. Không chỉ riêng khoảng 40.000 trẻ em Mỹ phải rơi vào cảnh mất cha hoặc mẹ, hiện đang có rất nhiều trẻ em trên toàn thế giới phải đối mặt với những nguy hiểm và khó khăn khắc nghiệt.

Theo tiến sĩ Kidman, dữ liệu đã phân tích tỉ lệ tử vong vì Covid-19 và mô phỏng dữ liệu quan hệ họ hàng để xác định số lượng trẻ em từ 0 đến 17 tuổi bị mất cha hoặc mẹ trong suốt thời gian đại dịch. Kết quả cho thấy, có thêm khoảng từ 37.000 đến 43.000 trẻ em trải qua tình trạng mất cha hoặc mẹ tính đến tháng 5/2021, tăng 18 - 20% số lượng trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ trên toàn nước Mỹ. Theo đó, cứ khoảng 13 nạn nhân chết vì Covid-19, sẽ có một trẻ em phải mất đi cha hoặc mẹ.

Khoảng 800 triệu trẻ em trên toàn thế giới chưa thể quay trở lại trường học

Theo thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), khoảng 800 triệu trẻ em trên toàn thế giới chưa thể quay trở lại học tập bình thường tại các trường học. UNICEF cũng cho biết, hiện có ít nhất 90 quốc gia vẫn đang đóng cửa trường học hoặc tổ chức dạy và học từ xa.

Ông Robert Jenkins, Giám đốc phụ trách mảng giáo dục của Liên Hợp quốc cho biết, vào thời gian cao điểm của đại dịch, khoảng 1,6 tỷ trẻ em trên toàn thế giới không thể đến trường. Hiện nay, đã 1 năm trôi qua, thế giới vẫn ghi nhận khoảng 800 triệu trẻ em không thể quay lại trường học.

Các tổ chức nhân đạo cho biết, tình trạng đóng cửa trường học đã làm gia tăng thực trạng trẻ em bị lạm dụng và suy thoái quyền trẻ em trên toàn thế giới. Điều này dẫn đến gia tăng các cuộc tảo hôn ép buộc và sử dụng lao động trẻ em xảy ra ở nhiều nơi.

Ambrose, 11 tuổi, làm việc tại một công trường sản xuất gạch với mẹ ở Uganda. Lao động trẻ em đã tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: The Guardian

 

Theo một báo cáo từ Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), trẻ em dường như nhận được ít sự quan tâm hơn từ ba mẹ kể từ khi đại dịch xảy ra. Trong nhiều trường hợp, trẻ em trở thành lực lượng lao động để giúp gia đình vượt qua những khó khăn do Covid-19 mang lại. Tại Uganda, kể từ tháng 3/2020, có khoảng 15 triệu trẻ em đã phải nghỉ học và chỉ có một số ít có khả năng quay lại trường học để tham gia các kì thi quan trọng.

Trẻ em gái là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Trẻ em gái đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19. Ở Afghanistan, tỷ lệ trẻ em gái bỏ học đang ở mức cao với khoảng 2,2 triệu trẻ em gái không được đến trường kể từ trước khi đại dịch. Hơn nữa, nạn nhân của các cuộc tảo hôn và bị lạm dụng tình dục đa phần là trẻ em gái, đặc biệt ở những vùng nông thôn nơi mà giáo dục chưa phát triển hoàn thiện.

Theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Columbia (Save the Children Columbia), số trẻ em mất tích trong năm 2020 của quốc gia này đã tăng lên. Nguyên nhân có thể do ngày càng có nhiều gia đình rơi vào tình trạng nghèo đói và mất đi người thân hoặc người chăm sóc. Tổ chức cho biết, số trẻ em mất tích này có thể đã bị đưa vào các nhóm vũ trang tự phát hoặc đang bị bóc lột lao động ở những nơi làm việc khắc nghiệt.

Phương Thanh (Nguồn: The Guardian, SBU News)