Mười mấy năm nuôi con lấy hết thanh xuân của mẹ. Ảnh minh họa

Quán cà phê mùa dịch chỉ có tôi và những chiếc lá xào xạc. “Quần áo tập sách đầu năm cho hai đứa quá chừng tiền! Mẹ lo được rồi”. Câu nói của người đàn bà vừa kéo ghế ngồi xuống bàn đối diện vang lên rõ từng tiếng một. 

Qua chiếc khẩu trang che kín mặt, tôi vẫn biết chị đang cười. Bởi lẽ ánh mắt cứ như hai ngôi sao đêm đi lạc. Nghe qua ngỡ như lời than nhưng thật ra là một tiếng reo nho nhỏ, một niềm hạnh phúc không che giấu được của người mẹ.

Có một thứ hạnh phúc tròn vành vạnh và trong trẻo như thế trên đời? Không kể dưới chân trên đầu là gì, miễn thấy con mình được đủ đầy, được đến trường như bạn bè mỗi sáng là có thể cười vui. 

Liệu có bao nhiêu đôi bàn tay thon dài tháp bút đã được nâng từ chính mười ngón nhăn nheo chai sạn của những người mẹ trồng rau cấy lúa, đẩy xe nước mía, xe trái cây, gánh bún riêu, sạp rau, thau cá? Thương yêu biết mấy cho vừa hình ảnh bước cao bước thấp, lam lũ dãi dầu của những người mẹ tảo tần, nặng gánh mưu sinh nuôi và tìm chữ cho con. 

Mười mấy năm trời, chỉ việc lo cho con học phổ thông, hết đứa lớn đến đứa nhỏ đã lấy đi gần một thời thanh xuân khỏe mạnh nhất, năng lực làm việc tốt nhất, cơ hội hưởng hạnh phúc nhiều nhất của những người làm cha mẹ. 

Lắm khi ngồi đâu đó, nhất là về quê, nghe loáng thoáng những câu đại loại: “Ráng lo cho con sau này đỡ khổ hơn chị!”, “Miễn là con mình nó ăn học tử tế, khổ bao nhiêu chị cũng lo được”, “Mình già rồi!”… là tôi cứ nghe lòng trĩu nặng. Trong đầu luẩn quẩn mãi câu hỏi, rằng chừng nào đại đa số đàn bà xứ mình có thể yêu thương chăm lo cho con, nuôi con khôn lớn, đồng thời bản thân cũng được vui, được hạnh phúc, được theo đuổi những đam mê của cuộc đời mình? Hay cứ đong lấy nước mắt, thanh xuân, niềm hạnh phúc của chính mình mà lót đường cho con đi mãi? 

“Ráng học nghe chưa con, mẹ vất vả lắm đó!”, chị xoay nhè nhẹ ly trà đá của mình nhìn hai cô con gái chăm chú múc từng muỗng kem gửi gắm. Nghe như gió đã ngừng xào xạc từ lâu lắm rồi. Tôi ước gì chưa nghe câu nói này của chị. 

Câu nói thương quá! Thương mẹ thương con. 

Tôi ước gì mọi trẻ con, như hai cô con gái xinh xắn kia, ngày tựu trường mang ba-lô sách vở, tung tăng gặp bạn bè, thầy cô chỉ với niềm vui được học hỏi, khám phá, được sống một quãng đời thuộc về mình chứ không gánh lên vai bất kỳ ước mơ kỳ vọng hay trách nhiệm nào đó. Càng không thể gánh nổi cả một cuộc đời mà cha mẹ đã gửi cho mình. 

Chúng ta làm tất cả những việc gì trên đời này trước tiên hãy vì sự thôi thúc từ chính bản thân mình. Bởi lẽ chỉ khi vì mình, chúng ta mới đủ sức mạnh và bền bỉ thực hiện được điều ấy. Khi vì mình, nếu việc đó có không như ý muốn, cũng sẽ không oán trách người khác. 

Tôi đã từng thấy những chiếc bóng già nua ngồi thu lu trong góc bộ salon sang trọng nơi nhà con trai con gái mình. Chênh chao như một người ở trọ, ngại ngần như một người khách. Không có góc nào trong ngôi nhà ấy thuộc về họ. Cả một đời chưa có ngày nào được thảnh thơi, chưa có ngày nào nghĩ cho bản thân. Đời mình tựa như sợi dây móc vào đời con. Một mai con lớn, con sẽ đi rộng đi nhanh, bước chân già nua ốm yếu lạc hậu làm sao theo kịp? Kiểu gì rồi không có những hờn tủi, xót xa ngậm ngùi? Kiểu gì rồi không có những đau lòng?

Tôi đã từng thấy những người dùng dằng nắm hai đầu dây, bên vợ bên chồng, bên cha bên mẹ, nước mắt nuốt vào trong không biết làm sao cho chu toàn. Không thể bỏ bên nào, không bên nào có lỗi! Đơn giản chỉ là sự khác biệt. Mà khác biệt là lẽ hẳn nhiên…

Yêu thương lo lắng cho con cũng tựa như hòn đá ném vào dòng sông. Trong tay vẫn còn hòn đá khác dành cho mình. Ấy là trọn đường con vẹn đường cha mẹ. Bởi lẽ, nhân sinh đâu dài đến nỗi để chuốc lấy nỗi buồn, phải không?

Theo phunuonline