15 năm làm trong lĩnh vực công tác xã hội, Hương phải luôn kiềm chế cảm xúc để không ôm đồm, “vì nhìn vấn đề gì cũng muốn lao vào giải quyết” - Ảnh: VŨ THỦY

Việc được lựa chọn tham gia chương trình thạc sĩ chính sách công của ĐH Fulbright sau đó cũng đã giúp Hương tìm được định hướng tốt hơn cho dự án của cô về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.

Không thể ngồi yên

Gặp Hương lần đầu năm 2018 khi cô và OpenM - doanh nghiệp xã hội do cô thành lập - tổ chức triển lãm sắp đặt "Voices out - Dáng hình thanh âm", triển lãm ảnh đầu tiên của Việt Nam về đề tài xâm hại trẻ em. Họ đã kể câu chuyện của nạn nhân ấu dâm, những khủng hoảng tâm lý mà bản thân cũng như gia đình các em phải gánh chịu.

"Hồi nhỏ tôi cũng từng bị chính anh em họ sàm sỡ nên cảm thấy chuyện đó rất kinh khủng. Cùng thời điểm dự án, những câu chuyện về ấu dâm trên báo chí ngày càng dày đặc và quá khủng khiếp khiến tôi không thể ngồi yên được. Với Voices out, tôi mong muốn tạo nên một cộng đồng nhân văn, nhân bản, được tiếp cận các thông tin đúng đắn, để các bậc cha mẹ, thầy cô sẽ là những người đầu tiên đứng lên bảo vệ con mình" - Hương chia sẻ về dự án phòng chống ấu dâm của cô cách đây hơn hai năm. 

Từ đó cô cũng bắt đầu tổ chức các chương trình giáo dục trẻ em ở các trường học về vấn đề xâm hại tình dục với đội ngũ gần 30 giảng viên là các chuyên gia tâm lý, luật sư đã từng tham gia hỗ trợ các nạn nhân bị xâm hại.

Nhìn vào công việc của Hương hiện tại, mọi người có thể chẳng nhìn ra thay đổi gì. Cô vẫn cần mẫn đưa giảng viên đi khắp các tỉnh thành để phổ biến kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, tuổi dậy thì và phòng chống xâm hại. 

"Xây thư viện thì có cái thư viện, xây cái trường thì có cái trường, còn giáo dục cho trẻ em thì để có thể đo lường được sự thay đổi phải tính bằng năm. Lớp 1 dạy một bài, lớp 2 dạy một bài, mỗi lứa tuổi dạy một bài và phải theo cả chặng đường lớn lên và trưởng thành của một đứa trẻ. Như thế một tổ chức không thể làm được nếu không có sự can thiệp của nhà nước. Thế nên tôi đã chọn vị trí là người nêu vấn đề để từ đó vận động thay đổi chính sách" - Hương chia sẻ.

Giáo dục phải là cốt lõi

Cùng với dự án, việc theo học quản lý chính sách công ở Fulbright cũng là cách để Hương thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về đề tài xâm hại tình dục từ hướng tiếp cận học thuật, có lý luận khoa học để có nền tảng cho việc vận động chính sách của mình.

"Một nghiên cứu không thể dựa trên 100-200 trường hợp mà phải dựa trên tỉ lệ rất cao. Đến thời điểm này, 11 tỉnh thành chúng tôi đi qua, hơn 30.000 học sinh, phụ huynh, thầy cô chúng tôi giảng dạy đều có xảy ra hiện tượng xâm hại, quấy rối ở các mức độ khác nhau. 

Nhưng điều tôi cần, dự án cần, đó là phải được sự thừa nhận và đồng thuận của tập thể giáo viên, ban lãnh đạo của nhà trường rằng những sự việc xảy ra là có thật, rằng chương trình đào tạo giới tính, sức khỏe sinh sản, tâm lý tuổi dậy thì và phòng chống xâm hại là vấn đề rất quan trọng" - Hương chia sẻ.

Khó khăn của cô là tuy thuyết phục để đưa chương trình vào các trường nhưng vẫn có rất ít lãnh đạo trường cùng ngồi đó để xem họ dạy gì, học sinh học được gì. Kết quả mà cô muốn hướng đến là giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và các vấn đề liên quan đến xâm hại cho trẻ em phải được đưa vào Luật giáo dục. Các lớp học giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản không chỉ còn là lớp học kỹ năng, "ai thừa thời gian mới đi học", mà phải là một chương trình bắt buộc.

"Nhiều người vẫn hỏi sao phải đào tạo, sao phải vẽ đường cho hươu chạy. Đó là một câu chuyện rất dài mà chúng ta đã nói rất nhiều năm nay. Tại sao xâm hại, quấy rối tình dục không chỉ ở lứa tuổi thiếu niên, trẻ em mà ngày càng trở thành một vấn đề kéo dài trong suốt cuộc đời một người? 

Tại sao ở công ty đi làm cũng có vấn đề quấy rối? Đi phương tiện công cộng cũng có. Xâm hại tình dục không phụ thuộc ở phố, ở quê hay trình độ học vấn. Thủ phạm các vụ ấu dâm có thể là bất kỳ ai, từ người xa lạ cho tới chính anh chị em ruột trong gia đình" - Hương nói về các vấn đề nhức nhối của xâm hại tình dục.

Theo cô, cách mà các dự án của cô và mọi người đã làm chỉ đang đi giải quyết phần ngọn. "Phần lớn cha mẹ nghĩ muốn bảo vệ con thì gửi con đi học thay vì nghĩ tôi phải đi học, gia đình tôi phải biết, họ hàng phải biết, hàng xóm phải biết. Vậy thì cái gốc ở đây chính là giáo dục. Mọi người đều phải được giáo dục nhận thức càng sớm càng tốt về giới tính cũng như sức khỏe sinh sản và xâm hại tình dục" - Hương lý giải.

Giáo dục giới tính cho 1 triệu trẻ em

Mục tiêu của Hương và đội ngũ là tới năm 2021 giáo dục giới tính cho khoảng 1 triệu trẻ em Việt Nam. "Đó là một nỗ lực rất lớn mà một tổ chức đơn lẻ có thể làm nhưng chưa là gì so với 26 triệu trẻ em. Thế nên mới càng cần phải đưa việc giáo dục này thành một quy định bắt buộc trong Luật giáo dục" - Hương chia sẻ.

Cô cũng tự vận hành doanh nghiệp xã hội OpenM với các khóa đào tạo tư duy tiếng Anh cho cấp lãnh đạo, quản lý, khai vấn cá nhân… để có kinh phí cho dự án, trả lương cho đội ngũ giảng viên.

"Việc cân bằng giữa kinh doanh và làm công tác xã hội là rất khó. OpenM trước giờ luôn từ chối nhận tài trợ, tuy nhiên dự định từ năm 2020 sẽ tìm các nhà hảo tâm có cùng chí hướng để đồng hành. Nhưng nếu chỉ lập ra các dự án để tiêu tiền, chỉ sống bằng tiền quỹ, bằng tiền tài trợ thì các doanh nghiệp xã hội cũng không khác gì các tổ chức phi chính phủ (NGO) cả" - cô thẳng thắn.

Theo tuoitre