PGSTS Hitoshi Sato (chính giữa) cùng các học viên người Việt Nam - Bảo Vy

Bao nhiêu thế hệ học sinh Việt Nam đều biết ngày 20.11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôn vinh những người làm trong sự nghiệp giáo dục, đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo. Đến năm 2019, tại Việt Nam là 37 năm kỷ niệm Ngày Nhà giáo (so với năm kỷ niệm đầu tiên là 1982). Tuy nhiên, tại Nhật Bản, cụm từ “ngày nhà giáo” rất xa lạ và nó mới chỉ được nhắc đến cách đây 2-3 năm.

Viết thư tay bày tỏ sự biết ơn thầy cô

Trong khuôn khổ một khoá đào tạo tại Trung tâm hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trao đổi với PV Thanh Niên, PGS.TS Hitoshi Sato, Trường ĐH Fukuoka, Nhật Bản cho biết: “Khoảng 2-3 năm trở lại đây, tại nước Nhật, người ta bắt đầu quan tâm và đề nghị có một ngày kỷ niệm về nghề giáo, và được chọn là ngày 5.10”.

“Tuy nhiên, không thật sự nhiều người biết và quan tâm. Ngày đó, cũng giống như mọi ngày khác, không có các hoạt động kỷ niệm, vinh danh, hay tặng quà cho các thầy cô. Tại Nhật Bản, việc tặng hoa, quà cho thầy cô giáo là một điều không phổ biến và cả người đi tặng, được tặng đều cảm thấy khó xử vì nó giống như đang 'hối lộ' vậy”, PGS.TS Hitoshi Sato nói.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hitoshi Sato, tại Nhật Bản, nghề giáo viên là một nghề được coi trọng, và tinh thần tôn sư trọng đạo luôn luôn được đề cao vào tất cả các ngày trong năm. Bất cứ lúc nào, thời điểm nào thì sự kính trọng mà phụ huynh hay các học sinh dành cho các thầy cô cũng đều được đặt lên hàng đầu. “Trong năm, vào ngày đầu năm mới, các học sinh Nhật Bản thường viết những lá thư viết tay gửi tới các thầy cô giáo, bày tỏ tình cảm, sự biết ơn với các thầy cô”, PGS.TS Hitoshi Sato cho biết thêm.

Học sinh Nhật Bản trên đường phố Fukuoka - Thúy Hằng

Lương giáo viên cao hơn công chức bình thường

Theo PGS.TS Hitoshi Sato, tại Nhật Bản, áp lực làm việc với các giáo viên tại các cấp học, từ mầm non tới ĐH đều lớn, tuy nhiên áp lực lớn nhất là với các giáo viên cấp THCS. Tại quốc gia này, sự chênh lệch nông thôn - thành thị không lớn, do đó cơ sở vật chất trường học, chương trình học ở các cấp học tại nông thôn hay thành thị đều không khác nhau.

Theo số liệu mà PGS.TS Hitoshi Sato cung cấp, lương cơ bản (chưa tính phụ cấp) giáo viên mầm non tại Nhật Bản mỗi tháng là 2.245 đô la Mỹ (hơn 51 triệu đồng); bậc tiểu học là 2.930 đô la (hơn 67 triệu đồng); THCS là 3.306 đô la (khoảng 76 triệu đồng); THPT là 3.255 đô la (hơn 74,8 triệu đồng); ĐH là 4.877 đô la (khoảng 112,1 triệu đồng).

“Quy định của Chính phủ Nhật Bản, tất cả các giáo viên đều là công chức nhà nước, và đây là một nghề được coi trọng nên lương cơ bản của giáo viên sẽ cao hơn lương của công chức bình thường, để thu hút được nguồn nhân lực giỏi. Tuy nhiên, dù mức lương như trên thì người dân vẫn chưa cảm thấy không xứng đáng với công việc thực tế, bởi lượng công việc họ phải làm mỗi ngày là rất lớn. Ví dụ một học sinh lớp 4 bắt đầu giờ học vào 8 giờ 10 phút sáng, thì giáo viên phải có mặt từ 7 giờ 30 phút. Các em đó sẽ tan học lúc 4 giờ chiều nhưng giáo viên vẫn tiếp tục phải ở lại chuẩn bị bài giảng, từ 7-8 giờ tối mới được ra khỏi trường để trở về nhà. Tuy nhiên, mức lương cơ bản thì vẫn không thay đổi”, PGS.TS Trường ĐH Fukuoka trao đổi.

Theo thanhnien