Một chị kể chuyện bạn con gái đến nhà chơi. Tuy gặp lần đầu nhưng nhìn cô bé chị không khách sáo mà nói luôn: “Cháu xinh thế này mà giảm cân nữa thì xinh lắm đấy”. Chị hỏi cô bé bao nhiêu ký và bày bạn ấy cách giảm cân. Câu chuyện chỉ vậy nhưng buổi tối con gái bạn than thở với mẹ: “Bạn con buồn vì mẹ chê bạn ấy mập!”. Chị bảo con: “Con nói với bạn là mẹ có ghét bạn đâu mà chê. Mẹ chỉ ra sự thật để bạn khỏe đẹp hơn. Con nói bạn là nên nghe lời mẹ đi”.
Từ đó, mỗi khi cô bạn của con ấy đến nhà chơi, chị đều quan tâm hỏi việc giản cân thực hiện thế nào. Cô bé trả lời rằng, đang tự đi tập, tự đưa ra thực đơn giản cân và hứa sẽ thực hiện nghiêm túc.
Theo quan niệm của chị, chị không quan trọng việc đẹp hay xấu theo kiểu mập thì không đẹp mà là vấn đề sức khỏe. Về mặt xã hội, người mập sẽ chậm chạp hơn người bình thường vừa cân, dễ dẫn đến mặc cảm tự ti trong giao tiếp. Theo ý chị, điều quan trọng nhất là, riêng việc quyết tâm giảm cân thể hiện ý chí nỗ lực của bản thân trong việc rèn luyện sức khỏe, biết yêu quý cơ thể mình, là điều mà không phải bất cứ ai cũng thực hiện được. Lời nói của chị với cháu là động viên cho cháu phấn đấu, nỗ lực vì bản thân mình. Và chị biết đó là việc không dễ dàng.
Cuối cùng sau 2 tháng kiên trì tập luyện và ăn uống, cô bé ấy nhắn tin là đã giảm được 5 kí lô. Với chị, đó mới là điều đáng nể phục.
Chị nhắn cho bạn của con gái: “Cháu cho cô tài khoản, cô sẽ chuyển tặng cháu 50 ngàn đồng, như một bó hoa chúc mừng nỗ lực đáng ghi nhận. Nói được là làm được, một phẩm chất tốt, đáng được khen thưởng và trân trọng”.
Tôi thật sự nể chị này trong việc giáo dục con cái và cả sự động viên bạn bè của con.
Tôi kể thêm 2 trường hợp :
Một hôm em gái tôi đến nhà chơi khi con gái tôi (12 tuổi) vừa gội đầu xong đang ngồi hong tóc trước quạt, em gái tôi nói câu khen cháu: “An gội dầu gì gì mà tóc thơm ghê”, từ đó tôi để ý ngày nào cháu cũng gội đầu để giữ cho tóc được thơm.
Tôi đem chuyện kể với cậu em chồng, cậu này liền nhờ tôi: “Chị khen giùm tóc bé Tường (con cậu em tôi) thơm để ngày nào nó cũng bắt chước bé An gội đầu”. Tôi bèn khen tóc bé Tường thơm , cô bé khoái lắm ngày nào cũng tắm rửa, gội đầu sạch sẽ.
Một chị bạn tôi kể chuyện, mùa hè, tập con gái đi chợ, chị đưa cháu ra những hàng quen dặn khi nào cháu có mua gì thì bán thứ ngon. Một tuần chị đi công tác, cháu tự đi chợ được, thế nhưng khi chị về, nghe chị bán thịt nói: “Con bé chị hiền ghê, tuy nhiên hiền quá thành khờ, chị nên cho cháu đi chợ để cháu dạn dĩ dần lên. Điều quan trọng là chị đừng bao giờ chê cháu. Hôm chị chê cháu trước mặt em, em thấy cháu có vẻ không bằng lòng. Nếu chị cứ chê cháu mà không khen, cháu sẽ mang mặc cảm đó và cứ nghĩ là mình khờ”.
Câu nói của chị bán hàng làm tôi cứ suy nghĩ mãi, đúng là hiếm khi tôi khen cháu, nếu cháu làm việc gì giỏi thì quá lắm tôi chỉ nói: “Được”, còn ngoài ra tôi thường xuyên chê cháu. Ví dụ như cháu học rất giỏi môn Anh văn, nhưng mỗi khi cháu có điểm 10, tôi chỉ nói: “Học Anh văn từ hồi lớp 3 thì phải vậy thôi”. Cháu học yếu môn toán, thì tôi luôn nói: “Sao mà con dốt toán quá”. Kết quả là cháu luôn mặc cảm: “Tại vì con dốt toán mà…”. Đáng lý trong trường hợp này tôi phải nói: “Con không dốt toán, chỉ cần con biết cố gắng”. Mãi sau này tôi hiểu ra mới và thẳng thắn nhìn nhận mình đã sai ngay từ đầu, để lại trong tâm trí con gái không chỉ ấn tượng không đẹp về những lời nói của mẹ mà còn gây cho cháu sự nhụt chí”, chị kết luận.
Lời khen khéo léo hay lời khuyến khích chân thành luôn là một sự động viên rất lớn đối với trẻ em. Lời khen làm cho trẻ gần gũi với người lớn, trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương và được thông cảm. Đừng hà tiện lời khen với trẻ, nhất là đừng nên nói ngược, dù chỉ một lời “chê yêu”, trẻ con cần sự khen tặng và khuyên bảo nhẹ nhàng, chân thành để giúp chúng tiến bộ.
Tuy nhiên, cũng cần chú ý, một số trẻ vốn giỏi giang lanh lợi sẵn, lời khen đối với chúng đôi khi làm cho chúng tự kiêu, tự mãn, khen quá lời sẽ dẫn đến hủy diệt tinh thần cố gắng của chúng.
Theo phụ nữ TPHCM