Chương trình truyền hình dành cho trẻ em: Nhanh như chớp nhí (mùa 3) - Ảnh: BTC

Tuổi Trẻ nhìn lại "bức tranh" của các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi gần đây.

Nhìn đâu cũng có... thiếu nhi

Trong hai năm nay, các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi đang mở rộng phạm vi khai thác: từ tập trung vào các chương trình thi thố ca hát, nay tăng cường thêm các talk show hay những game show nghiêng về hỏi đáp về kiến thức.

Các chương trình dành cho thiếu nhi quen thuộc trước đây có Giọng hát Việt nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Vua đầu bếp nhí, Ai sẽ thành sao nhí...

Trong hai năm 2019 và 2020, màn ảnh nhỏ có thêm những chương trình ở thể loại khác như talk show (Thiếu niên nói, Điều con muốn nói, Tôi tuổi teen), những chương trình truyền hình thực tế (Thử thách lớn khôn, Sếp nhí khởi nghiệp), chương trình dạng trả lời câu hỏi (Gia đình thông thái)...

Cảnh trong game show Đấu trường âm nhạc nhí

Sắp tới, bên cạnh các chương trình sản xuất nhiều mùa như Nhanh như chớp nhí mùa 3 vừa lên sóng vào đầu tháng 5, Siêu mẫu nhí đang phát sóng đến mùa thứ 6, Đấu trường âm nhạc nhí bước vào mùa 2..., sẽ có Nhà thiết kế tương lai nhí lên sóng VTV9 từ ngày 30-5, và ngày 17-6 tập đầu tiên của Hãy nghe tôi hát nhí - cuộc thi dành cho các bé yêu thích ca hát - sẽ lên sóng THVL1.

Như vậy, thiếu nhi góp mặt trong hàng loạt game show ở mọi thể loại. Đó là chưa kể đến chương trình dành cho mọi đối tượng như Siêu trí tuệ Việt Nam, Thách thức danh hài... cũng có nhiều trẻ em tham gia.

Sự lém lỉnh, thông minh pha lẫn ngây thơ của những đứa trẻ luôn khiến người lớn cảm thấy thích thú. Nếu khai thác được điều này, chương trình nhí sẽ thắng. Đấu trường âm nhạc nhí mùa 2 đã nhanh chóng nằm trong top chương trình có rating cao nhất của THVL.

Tập 1 của game show này đạt tới con số 20.0. Chất lượng của các giọng ca nhí và công tác biên tập khá tốt là điểm thành công của chương trình này.

Nhanh như chớp nhí bước vào mùa ba vẫn tiếp tục giữ vững lượng người ổn định và vẫn là chương trình được nhiều phụ huynh và các bạn nhỏ khao khát tham gia.

Ông Ngô Phạm Thế Hiển - đại diện truyền thông Vie Channel, đơn vị sản xuất và phát sóng - cho biết: "Trong mùa 3, tổng số thí sinh đăng ký tính đến thời điểm này là hơn 3.000 bé. Chúng tôi sẽ chọn ra 96 bé để tham gia ghi hình".

Mới đây nhất, trong buổi ra mắt chương trình Nhà thiết kế tương lai nhí, ông Trần Việt Quang - đại diện kênh truyền hình VTV9 - cho biết VTV9 có trong tay ba phiên bản nhà thiết kế tương lai cho người lớn, thanh thiếu niên và nhí nhưng ông đã chọn Nhà thiết kế tương lai nhí để sản xuất trước vì mang tính khả thi hơn cả.

Thử thách lớn khôn - một trong số chương trình truyền hình dành cho trẻ em - Ảnh: BTC

Những lo ngại và bản lĩnh của phụ huynh

Nhiều chương trình thiếu nhi gần đây thường có sự góp mặt của nghệ sĩ người lớn để thu hút thêm khán giả. Và họ mới chính là nhân vật tạo nên những kịch tính trong chương trình, như cách lý giải của người mẫu Hoàng Yến, dẫn chương trình Nhà thiết kế tương lai nhí:

"Chúng tôi bảo vệ các con để các con trải nghiệm tốt nhất. Vì thế những kịch tính sẽ được đẩy qua cho dàn huấn luyện viên người lớn và MC...". Hay như để thu hút người xem, chương trình Nhanh như chớp nhí ngoài quy tụ nghệ sĩ người lớn còn có sự góp mặt của khoảng 10% các bạn nhỏ đã từng tham gia showbiz.

Tuy nhiên, xem chương trình Siêu mẫu nhí, không ít khán giả dấy lên nỗi lo lắng khi thấy một số em mặc trang phục hở hang múa động tác quá gợi cảm không phù hợp với lứa tuổi. Hay như ở tập 6 của Đấu trường âm nhạc nhí, bé N.N. chỉ khoảng 6 tuổi đã phải thi tài với ca khúc Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến. Lời hát và giai điệu ca khúc này hoàn toàn không phù hợp với trẻ em.

Nhưng còn một nỗi lo khác với những khách mời nhí trong các chương trình nhí hiện nay. Đó là để tạo sự chú ý, một số nhà sản xuất đã giật tít "sốc" trên YouTube, trang fanpage chương trình với mục đích thu hút khán giả: "Sốc với cô bé 12 tuổi muốn làm con trai", "Xúc động trước cô bé "come out" với mẹ đầy văn minh và tình cảm"... Những cái tít như thế vô tình làm tổn thương đến các em tham gia chương trình...

Trước những lo ngại được dư luận đặt ra, ông Nguyễn Thanh Phú - giám đốc Jet studio, đơn vị sản xuất chương trình Đấu trường ẩm thực nhí, Điều con muốn nói, Hãy nghe tôi hát nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Sao nối ngôi nhí... - chia sẻ:

"Chuyện thắng thua trong một chương trình cần phải được thể hiện khéo léo để làm sao khi tham gia các bé cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, không bị tủi thân khi thua cuộc. Điều này đòi hỏi MC và biên tập phải có kinh nghiệm, biết cách giảm nhẹ kịch tính".

Ở góc độ phụ huynh, anh Trần Anh (Q.3, TP.HCM) nhìn nhận một cách thẳng thắn: "Những cuộc thi thố căng thẳng thường rơi vào các cuộc thi tài năng. Mà theo cá nhân tôi, phụ huynh cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Khi tham gia chương trình, phụ huynh đều biết mặt lợi và hại của nó, và khi cho con tham gia là cũng hiểu chuyện thắng thua tác động đến đứa trẻ đó thế nào rồi. Thực tế có những phụ huynh muốn con nổi tiếng nhờ game show nên đã bất chấp những tổn thương mà chính con có thể gặp phải".

Anh Trần Anh nêu một giải pháp từ chính các phụ huynh: "Theo tôi, quan trọng vẫn là cách phụ huynh ứng xử với con mình như thế nào để các cháu không đặt nặng vấn đề thắng thua. Bản lĩnh của phụ huynh là làm sao để con hiểu mục đích mình đến với chương trình là gì, là học hỏi, là vui chơi là chính... Hãy để đứa trẻ tin ba mẹ chúng thì những gièm pha cũng sẽ là hư vô".

Thử thách lớn khôn - một trong số chương trình truyền hình dành cho trẻ em - Ảnh: BTC

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương):

Khi trẻ em là con rối

Đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà trẻ em phải gánh chịu so với những gì mà các cháu và gia đình nhận được sau mỗi chương trình?

Các kịch bản game show đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem mà ở đó trẻ em không khác gì những con rối trong tay các nhà sản xuất.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm các chương trình thực tế có trẻ em. Lý do đầy nhân văn mà họ đưa ra là để bảo vệ các em khỏi các nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em một môi trường bình thường để phát triển.

Tuy nhiên, các game show thiếu nhi ở Việt Nam vẫn chưa có điểm dừng khi cơn khát tìm kiếm lợi nhuận của nhà sản xuất và giấc mộng đổi đời từ showbiz của các bậc phụ huynh chưa có hồi kết.

TIẾN LONG ghi


Chị Kim Anh (người chuyên chiêu mộ tài năng cho các dự án quảng cáo và phim điện ảnh):

Rất ít phụ huynh am hiểu về showbiz

Trong quá trình đi tuyển tài năng nhí cho các chương trình quảng cáo, phim ảnh, tôi nhận thấy rất ít phụ huynh am hiểu về showbiz cũng như thiếu kỹ năng thương thảo, làm hợp đồng.

Thậm chí có một số phụ huynh quá khao khát con được nổi tiếng, sẵn sàng bỏ tiền cho nhà sản xuất để con được chọn. Nhiều phụ huynh cạnh tranh thiếu lành mạnh để con có cơ hội tham gia chương trình.

Là người trực tiếp tuyển chọn diễn viên nhí, tôi luôn tư vấn cho phụ huynh: Nếu các anh chị muốn con theo đuổi nghệ thuật, nên tiếp xúc với người hiểu về nghề, nói lời đúng về nghề, không tô vẽ về nghề này. Nếu như các con có năng khiếu, bản thân các con cần có quá trình rèn luyện, không thể "đốt cháy giai đoạn" được.

Thậm chí nhiều phụ huynh nghĩ đơn giản là con được tham gia một chương trình nào đó, nổi tiếng là được rồi, cátsê không quan trọng. Tôi phải nói rõ với họ, khi các đơn vị sử dụng sức lao động của con họ, các đơn vị đó phải trả công các cháu xứng đáng.

Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về chương trình con mình sẽ tham gia và phải có kỹ năng phân tích các điều khoản trong hợp đồng, đàm phán để con mình được làm việc trong điều kiện tốt nhất.

NGỌC DIỆP ghi

Theo tuoitre