Tôi đã và đang chứng kiến rất nhiều câu chuyện đau lòng trong mối quan hệ giữa thầy và trò. Theo tôi, nguyên nhân chính khiến mối quan hệ thầy trò ngày càng xấu đi có phần lỗi lớn của phụ huynh.

Tại quán cà phê gần nhà, tôi thấy khoảng 5 học sinh cấp 2 ngồi tụ tập. Rất dễ dàng nhận ra đây là các em học sinh lớp 9 qua thông tin in trên áo đồng phục. Tan học chưa về nhà ngay, các học sinh này rủ nhau la cà. Ngồi kế bên, tôi rát tai, đỏ mặt vì nghe được nội dung lũ trẻ bàn luận.

Một nam sinh nói to: “Bà giáo dạy văn quái thai, tao ghét bà đó lắm”. Nữ sinh ngồi cạnh tiếp lời: “Ờ, mụ ấy lúc nào cũng như tới tháng. Bà đó cho điểm kém làm tao mất cơ hội học sinh giỏi”. Rồi cả đám nam thanh nữ tú cười lớn.

Nhiều học trò còn không ngần ngại, dùng những từ ngữ xấc xược nói về thầy cô giáo ngay trước mặt cha mẹ. Bạn tôi kể rằng, con gái học lớp 10 của bạn rất ghét cô dạy Toán. Bạn hồn nhiên thuật lại lời con: "Mặt mũi cô lúc nào cũng khó đăm đăm, tính tình đồng bóng "nhìn chỉ muốn đấm". Cô còn rất phát xít, hở ra là bắt chép phạt và ghi sổ đầu bài".

Bất ngờ hơn nữa, bạn nói với tôi hết học kỳ này nếu trường không đổi cô dạy Toán thì bạn sẽ xin chuyển lớp cho con, học với giáo viên như vậy ảnh hưởng tâm lý của con bạn.

Nghề giáo là vô cùng cao quí, chúng ta cần dạy con trẻ tôn sư trọng đạo (ảnh PNO)
Nghề giáo là nghề cao quý, chúng ta cần dạy con trẻ tôn sư trọng đạo (ảnh PNO)

 

Mới đây, con trai tôi đi học về kể rằng lớp 9 bên cạnh xảy ra cuộc mâu thuẫn nhau. Việc xuất phát từ chuyện nam sinh kia không làm bài tập về nhà nên thầy bắt đứng phạt. Cậu học trò nổi xung, xưng "mày - tao" với thầy. Thầy cũng không kìm được tức giận nên đã buông lời mắng mỏ rồi lời qua tiếng lại dẫn tới kết quả 2 bên xô đẩy nhau. Ngay sau đó, nam sinh đã gọi điện cho phụ huynh tới trường chửi mắng thầy. Con tôi kể rằng lúc ấy mắt thầy đỏ hoe, chắc là thầy khóc. 

Nghe câu chuyện con kể, tôi thấy xót xa. Tôi hỏi con nghĩ gì về việc này? Cháu rụt rè nói rằng: "Con thấy thương thầy giáo, nhưng thầy đánh học trò là sai phải không mẹ?".

Tôi đã phân tích cho con để cháu có cái nhìn sâu sắc hơn. Không một giáo viên nào muốn đánh học sinh. Con đã nhìn thấy thầy khóc, nghĩa là phải uất ức cỡ nào, bị xúc phạm ra sao, nên mới mất khả năng kiềm chế và sau đó thì rơi nước mắt.

Thầy cô trách phạt vì không học bài là vì quan tâm, lo lắng cho học sinh. Phụ huynh có nên hùa theo khi con có thái độ vô lễ? (ảnh minh hoạ)
Phụ huynh có nên hùa theo khi con có thái độ vô lễ với thầy cô (ảnh minh hoạ)

 

Người lớn không thể cổ xuý cho việc học trò hỗn láo, vô lễ với thầy cô giáo, dù với bất kỳ lý do, nguyên nhân gì. Phụ huynh chúng ta nhiều khi vì xót con mà mất đi sự tỉnh táo, cư xử bồng bột chẳng thua gì con trẻ. Nếu thầy sai, thầy sẽ phải chịu trách nhiệm, nhưng không có nghĩa thầy sai thì học sinh được phép hỗn và phụ huynh hùa vào xúc phạm. 

Khi nghe con kể về mâu thuẫn của mình với thầy cô, phụ huynh cần bình tĩnh hỏi cho rõ, xác minh chính xác con đã làm gì, đừng bênh con mù quáng. Cha mẹ cần cư xử chuẩn mực thì mới làm gương cho con cái được.

Một phụ huynh nói với tôi rằng, con gái của chị đang học lớp 6 tại một trường ở TPHCM. Chị dặn con "đi học, nếu thầy cô bắt nạt, trù dập thì đừng sợ, cứ về mách mẹ, mẹ sẽ xử lý". Hôm nào con đi học về chị cũng hỏi có ai bắt nạt con không? Tôi nghe chị kể mà bực. Tại sao chị dạy con cái coi thầy cô giáo như phía địch, thay vì nhắc con phải ngoan ngoãn, lễ phép? 

Nghề nào cũng vậy, một người làm sai, cư xử chưa chuẩn mực không có nghĩa tất cả đều xấu, đều đáng bị chê trách. Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp cần gìn giữ. Một xã hội coi thường người thầy là xã hội suy đồi về đạo đức.

Theo phụ nữ TPHCM