Họa sĩ Thành Chương với ấn bản Truyện Kiều do Đông A và NXB Văn học ấn hành 

Thế giới sách kỳ này có cuộc trò chuyện với họa sĩ Thành Chương - người đứng ra quy tụ 14 họa sĩ đương đại cùng vẽ minh họa cho ấn bản đặc biệt này.

 * Trước đây, danh tác Truyện Kiều đã có nhiều danh họa vẽ minh họa và để lại nhiều dấu ấn. Liệu điều đó có khiến anh cảm thấy áp lực khi bắt tay thực hiện?

Bên cạnh 15 bức tranh minh họa do 15 họa sĩ đương đại: Thành Chương, Nguyễn Quân, Đỗ Hoàng Tường, Phan Cẩm Thượng, Đặng Tiến, Đặng Xuân Hòa, Phạm Quang Vinh... vẽ, ấn bản Truyện Kiều được in màu toàn bộ theo bản khảo đính và chú giải của PGS Nguyễn Thạch Giang.

Dịp này, truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng được Đông A ra mắt, do họa sĩ Nguyễn Công Hoan vẽ minh họa. Phần văn bản truyện thơ Lục Vân Tiên cũng do PGS Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải.

Chiều 15-11, họa sĩ Trần Đại Thắng - giám đốc Công ty cổ phần văn hóa Đông A - cho biết 15 bức tranh minh họa cho ấn bản Truyện Kiều sẽ được trưng bày tại Đông A Gallery (115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 2-12.

Trước đó, cuộc đấu giá 7 bản Truyện Kiều có chữ ký của các họa sĩ đã diễn ra.

Một phần số tiền thu được từ cuộc đấu giá đã được Đông A hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 12.

- Để trả lời câu hỏi này, tôi xin kể câu chuyện cũ liên quan đến danh họa Nguyễn Tư Nghiêm khi cụ vẽ minh họa bộ Truyện Kiều. 

Đó là bộ tranh minh họa rất công phu và rất đẹp, theo chủ quan của tôi, đến tận bây giờ cũng chưa ai vượt qua được. 

Thế nhưng bộ tranh ấy rất tiếc lại không qua được cửa ải kiểm duyệt xuất bản thời đó. Sau đó, nhà xuất bản có nhờ một danh họa khác vẽ lại minh họa để xuất bản, đó là họa sĩ Nguyễn Tiến Chung.

Cha tôi (nhà văn Kim Lân) kể họa sĩ Nguyễn Tiến Chung có nói với cha tôi: Nghiêm làm minh họa thế này thì không ai vượt qua được rồi. 

Biết mình vẽ không hơn được họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, nhưng họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vẫn vẽ. Chỉ có điều ông phải tìm cách vẽ khác. 

Ông vẽ riêng về những đồ vật trong Truyện Kiều như cây đàn, lọ hoa, cái đôn, cái ghế... Và khi tìm được hướng đi đó, Nguyễn Tiến Chung vẫn để lại cho hậu thế một bộ minh họa Kiều vừa đẹp vừa riêng. Đó chính là tài năng của ông.

Chuyện các họa sĩ đương đại vẽ Kiều, theo tôi, cũng là một thách thức. 

Tuy nhiên, những anh em mà tôi mời vẽ minh họa cho ấn bản Kiều lần này đều là những người có tài năng, cũng rất tự tin, chứ không phải đứng trước những "đỉnh núi" kia mà không dám động cựa gì cả. 

Và chúng tôi đã nhìn nhận Kiều bằng góc nhìn, thẩm mỹ của thời nay, của những năm tháng này.

Phải cảm ơn họa sĩ Trần Đại Thắng - người rất tin cậy anh em, đồng thời rất cương quyết có một ấn phẩm Kiều mới, tươi trẻ. Thường nghĩ đến Kiều là nghĩ đến câu chuyện buồn, thâm trầm... chứ còn mảng miếng, màu sắc tươi trẻ như trong 15 bản tranh minh họa lần này thì xưa nay chưa từng có.

* Tại sao lại là con số 15 họa sĩ với 15 minh họa, thưa ông?

- Có thể nhiều hơn, nhưng chúng tôi dừng lại ở con số 15 vì điều đó còn phụ thuộc vào kinh phí đầu tư của đơn vị làm sách.

* Ông kỳ vọng gì với ấn bản Truyện Kiều có sự tham gia của 15 họa sĩ đương đại lần này?

- Thông qua việc minh họa cho ấn bản Truyện Kiều, tôi mong muốn tác phẩm này tiếp tục đi vào cuộc sống của độc giả đương thời. 

Muốn bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc, chúng ta không thể giữ mãi cái cũ, mà phải biết cách làm mới cái cũ. Ấn bản này cho thấy phần nào diện mạo của mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Tất nhiên, tôi không kỳ vọng hay đặt ra những bức tranh này phải gánh vác gì cả. Nhưng đây cũng là một cách để lại dấu ấn thế hệ trên một đại danh tác như Truyện Kiều. 

Như thế, việc gọi mời anh em tham gia phải có Nam có Bắc, có già có trẻ, có nam có nữ... Quan trọng nhất là dung nạp được nhiều phong cách khác nhau, qua đó người ta phần nào hình dung được mỹ thuật đương đại.

* Nhưng hình như ấn bản này không có tranh của các nữ họa sĩ?

- Đó là một điều tôi thấy tiếc. Tôi có mời họa sĩ Đinh Ý Nhi và Đinh Thị Thắm Poong, nhưng cuối cùng rất tiếc là với những lý do khác nhau, các chị lại không tham gia. 

Tôi cũng tiếc là phút cuối họa sĩ Trần Lưu Hậu và họa sĩ Nguyễn Trung không gửi tranh tham gia được.

Đồng thời, việc tôi quên không nhớ đến họa sĩ Lê Trí Dũng để mời vẽ cũng là điều tôi thấy tiếc. Vì họa sĩ Lê Trí Dũng vẽ Kiều, Từ Hải rất hay, ở mảng tranh minh họa anh cũng là người để lại nhiều dấu ấn riêng.

Theo Tuổi trẻ