Cận dịp lễ Valentine, lời khuyên về sự tự tin dành cho phụ nữ dần xuất hiện ở mọi nơi.

Tạp chí Vogue của Anh khích lệ nữ giới nên tự tin hơn về ngoại hình, nhu cầu tình dục của mình bằng khẩu hiệu "Feel good in your body". Nhãn hàng Selfridges hứa hẹn về gói dịch vụ "rèn luyện sự tự tin" cho khách nữ.

The Conversation gọi xu hướng này là "văn hóa tự tin". Bên cạnh ý nghĩa cổ vũ và trao quyền cho các cô gái, trào lưu này cũng vô tình gây áp lực, khiến họ khó nhận ra vấn đề mình đang gặp phải và tìm giải pháp cho chúng.

 
van hoa tu tin anh 1

Luôn suy nghĩ tích cực, cố gắng dùng sự tự tin để giải quyết vấn đề có thể trở thành áp lực với nhiều người. Ảnh:Unplash.

Những lời khuyên này không chỉ giới hạn trong ngày lễ tình nhân. Với nữ giới hiện đại, tự tin trở thành "nhiệm vụ" cần duy trì 24/7, là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống: từ quyền lợi ở nơi làm việc, văn hóa mua sắm, các mối quan hệ, vẻ ngoài, cho đến gia đình.

Ví dụ, khi bị đối xử bất bình đẳng ở chỗ làm, phụ nữ thường được khuyên "hãy tự tin lên". Nếu gặp vấn đề rối loạn ăn uống, họ được khuyến khích tham gia các lớp cải thiện đời sống tinh thần.

Còn trong việc nuôi dạy con cái, nhiều người tin rằng nếu họ giữ thái độ cởi mở thì con cái sẽ trở nên bạo dạn, năng nổ hơn.

Thậm chí, Quân đội Anh cũng chiêu mộ các tân binh nữ tiềm năng với lời hứa rằng gia nhập quân ngũ sẽ giúp các cô gái trẻ "duy trì sự tự tin suốt đời".

 
van hoa tu tin anh 2

Nhiều phụ nữ bị ám ảnh bởi "văn hóa tự tin" và nghĩ thái độ sẽ làm thay đổi mọi thứ. Ảnh:Marysia Machulska.

Thay vì tìm kiếm nguyên nhân cốt lõi của khó khăn mình vấp phải, nhiều phụ nữ bị ám ảnh bởi "văn hóa tự tin" và nghĩ thái độ sẽ làm thay đổi mọi thứ.

Họ đổ lỗi cho bản thân mình bằng những câu nói như "Sự thiếu tự tin đang níu bạn lại phía sau" hay "Chúng ta đang tự ngăn cản chính mình".

Trong khi nữ giới là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, điển hình là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, mức lương giảm, khoảng cách thu nhập giữa hai giới tăng, họ lại được khuyên tham gia các khóa học "đào tạo sự tự tin".

Theo The Conversation, một số báo cáo cho thấy số lượng các app chăm sóc bản thân đã gia tăng đáng kể, tập trung hướng đến đối tượng phụ nữ trẻ.

Những ứng dụng này thường đem đến những lời khuyên về thay đổi thái độ, củng cố sự tự tin, tập luyện giữ dáng...

Ngoài ra, các thương hiệu cũng mời các influencer làm "đại sứ tự tin", liên tục nói về chủ đề sự tích cực, yêu bản thân... ở trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Điều này phần nào khiến người dùng nữ bị căng thẳng, áp lực khi chạy theo tiêu chuẩn chung, hoặc thấy thất vọng khi không thể áp dụng những lời khuyên ấy để giải quyết vấn đề trong thực tế.

Jo Adetunji, phóng viên sống và làm việc tại Anh, cho rằng cần thay đổi cách nghĩ để văn hóa này không trở thành tiêu cực.

"Thay vì kỳ vọng toàn bộ vào sự tự tin, chúng ta cần xây dựng các chính sách hỗ trợ xã hội, đảm bảo sự an toàn, hạnh phúc và quyền của phụ nữ. Chúng ta không nên nhấn mạnh vào việc đổ lỗi cho nữ giới, mà cần thay đổi thế giới", cô nói.

Theo Zing