Thất vọng vì quá kỳ vọng
Mỗi lần học sinh lớp Chín tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp Mười, học sinh lớp Mười hai chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT, các bạn thường hồi hộp, lo lắng và cả hy vọng. Thế nhưng, điều khiến các nhà tâm lý - giáo dục chú ý hơn là tâm lý của phụ huynh: người thì vui mừng vì con báo tin thi tốt, người đau khổ vì con mình không bằng “con nhà người ta”. Sẽ không có gì đáng nói nếu phụ huynh không “vui quá” hoặc “buồn quá”, gây ảnh hưởng đến con cái.
Có phụ huynh mở tiệc linh đình để mừng con thi tốt, có cha mẹ thu mình, hạn chế tiếp xúc với mọi người và tỏ ra rất thất vọng về con cái, khiến ai cũng cảm thấy lo lắng, tổn thương…
Trên sóng Đài phát thanh - truyền hình Vĩnh Long, ngày 28/6 vừa qua, chị Thanh Thảo đã bày tỏ cảm xúc nặng nề về chồng sau khi con chị thi trượt lớp Mười: “Tôi thật sự rất cô đơn trong lúc này. Kể từ ngày 20/6 (ngày biết điểm thi tuyển sinh lớp Mười) đến giờ, tâm trạng tôi rất chông chênh. Con tôi đã không đủ điểm vào lớp Mười công lập.
Tôi thì đã chuẩn bị tâm lý từ trước cho con phương án thi không đậu. Vấn đề nằm ở ba nó - từ ngày đó đến giờ vẫn lặng lẽ, tự trách mình... rồi quy chụp cho con là không làm được trò trống gì khi không theo học tiếp lớp Mười công lập... Tôi nói với ba nó là con không thuộc nhóm thích học thuật thì dù có ngồi trên ghế nhà trường 3 năm nữa con cũng không giỏi lên... Tôi bảo nếu không nói những lời tích cực động viên con thì đừng nói. Vậy là ông chồng cứ im ỉm đi đi về về, không khí gia đình chùng xuống. Chỉ 2 mẹ con tự đi tìm hiểu các trường nghề, chọn nghề... nhiều lúc thấy cô độc quá”.
Rõ ràng, cả chị Thảo và chồng đều thương con, nhưng chị Thảo ý thức được sức học và năng lực của con nên tâm trạng khá ổn, chấp nhận kết quả; còn chồng chị kỳ vọng cao hơn những gì con có thể đáp ứng nên khi biết kết quả con thi trượt, anh đã tỏ ra vô cùng thất vọng và đau khổ. Chị Thảo vốn kề cạnh con, hiểu tâm tư và nguyện vọng của con nên chị không quá buồn mà ngược lại đã chuyển hóa cảm xúc bản thân thành ủng hộ, động viên và đồng hành cùng con tìm trường, chọn nghề.
Hầu hết trẻ nhận thức được mình là ai, có nguyện vọng, sở thích, năng khiếu và tính cách như thế nào; do đó thường chủ động trong việc học tập, trong các lựa chọn nghề nghiệp tương lai của chính mình, vấn đề là cha mẹ có hiểu và ủng hộ hay không.
Chị chia sẻ thêm: “Con tôi tự lập rất tốt, biết tự đi làm thêm. Con học thì hiểu nhanh, nhưng mỗi tội không chịu khó học nên kết quả không như ý. Lúc đi kiếm trường, con cũng chủ động tự đến trường xem. Con bảo để con đi làm phụ mẹ tiền học phí. Con cũng buồn, nhưng con bảo học trường nghề cũng lấy được bằng THPT mà mẹ. Con có nghề rồi có bằng THPT, con đi xuất khẩu lao động luôn”.
Sự thật là, hầu hết cha mẹ rất khó chấp nhận việc con rẽ ngang học nghề, không theo tiếp lớp Mười hay không thi đại học như bè bạn, bỏ ngang đi làm... Mâu thuẫn, xung đột giữa nguyện vọng, mong muốn của trẻ và kỳ vọng của cha mẹ từ đó ngày càng phức tạp, rối rắm hơn.
Lắng nghe và đồng hành
“Cơm dâng tận răng, nước rót tận miệng” là tình trạng chung của nhiều gia đình hiện nay trong lối giáo dục con. Cách chăm sóc con đầy bảo bọc và “khép kín” như vậy chỉ làm cho trẻ yếu ớt, không biết tự chịu trách nhiệm, không đủ kỹ năng tự lập, không dám nêu chính kiến, lập trường và càng “khó lớn” trong nhân cách và tâm lý.
Chị Ngọc Vinh (quận 10, TPHCM) chia sẻ, chị có người bạn đồng nhiệp rất thành đạt trong công việc nhưng cách dạy con rất kỳ. Khi mẹ đi công tác xa, phải vội sơ chế toàn bộ các món ăn và để sẵn trong tủ lạnh, sáng sớm gọi điện về đánh thức con, dặn con thật lâu và kỹ các công việc trong ngày, lấy cái gì ăn trước, đi học lúc mấy giờ… cứ như cái máy nhắc việc. Những người đi chung thường thở dài ngao ngán và góp ý: “Nuôi con kỹ quá! Học cấp III cả rồi, để cho nó lớn với chứ”. Chị ấy chỉ cười hì, rồi quay lại, tập trung chuyên môn “dạy con” của mình với hàng chục cuộc gọi trong ngày.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Anh Giang Tuấn (Biên Hòa, Đồng Nai) gặp tôi và nhờ tư vấn: “Con gái tôi biết mình giỏi môn nào. Con cũng tự chọn sau này theo ngành gì, chỉ không biết chọn trường gì vì không có hiểu biết về các trường. Tôi cũng tìm kiếm mấy nay để cho con bé chọn nhưng khó quá”. Anh nhờ tôi gợi ý và phân tích giúp anh việc chọn trường cho con.
Tôi biết cách anh Tuấn dạy con từ nhỏ, cả 3 đứa con, đứa nào anh cũng “lắng nghe” và “đồng hành”. Anh không nuôi dạy con kiểu “gà công nghiệp”. Cứ cuối tuần, anh đưa các con trèo đèo, lội suối, vào vườn, xuống ruộng… để các con khám phá thế giới, học hỏi cách sống của người dân ở những nơi khác nhau. Giờ rảnh của các con, anh chia việc cho từng trẻ - đứa phụ bưng bê đồ ngoài tiệm gia đình, đứa nấu ăn, đứa chỉ bài cho em…
Cứ như vậy, những đứa trẻ lớn lên rất lễ phép, tự học, tự lập và cả tự chọn trường, chọn nghề cho chính mình mà ba mẹ chỉ là “cổ động viên” trên từng bước đường.
Giúp con trưởng thành
Tùy vào độ tuổi, phụ huynh nên dần “thả con ra”, cho con được làm quen, được trải nghiệm, được học tập qua các tình huống, được phụ việc trong gia đình, được lớn lên và tự chịu trách nhiệm về hành vi của con.
Những việc cha mẹ có thể thay đổi để giúp con trưởng thành hơn:
- Cùng con lập thời gian biểu chi tiết, giờ nào đi học, giờ nào làm bài tập, giờ nào tập thể dục, lúc rảnh rỗi nên sử dụng thời gian đó đọc sách, tưới cây, dọn phòng, sắp xếp bàn học… Ba mẹ chỉ cần quan sát và nhắc nhở con thực hiện nghiêm túc.
- Mỗi ngày hoặc mỗi tháng cho con bao nhiêu tiền tiêu vặt, hướng dẫn con cách tiết kiệm và tiêu vào những việc lành mạnh, thức ăn hợp vệ sinh, mua sắm khi thật cần thiết hay làm thiện nguyện… để con quý trọng tiền và quản lý chi tiêu của chính mình.
- Phân tích cho con giá trị của việc học, không phải chỉ thể hiện qua điểm số mà con có hiểu kiến thức, có ứng dụng được không. Học vẹt và làm bài tập đối phó cần được loại bỏ trong tư tưởng của con.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
- Khi con quan tâm đến nghề nghiệp hoặc lớp Bốn, Năm đã có thể nói với con về ước mơ, nghề nghiệp con muốn, trường con có nguyện vọng học và chỉ con lập kế hoạch từng bước để chinh phục ước mơ. Ba mẹ chỉ nên là quân sư, không làm thay, không can thiệp sâu, càng không nên chỉ trích, phê phán mà cần tôn trọng ý kiến của trẻ, điều chỉnh cái dở, khen ngợi cái hay.
- Khi con chọn nghề, hãy cho con lời khuyên đúng với tinh thần công tâm, khách quan, không “viết tiếp ước mơ” hay “sống giùm” ba mẹ hoặc người khác. Phải xem xét đặc điểm tính cách, đam mê, sở trường của con, có đối chiếu với nhu cầu nhân lực và dự báo xu hướng nghề nghiệp tương lai.
Sau cùng, hãy dạy con rằng, không ai có thể lèo lái “con thuyền tương lai” của con tốt bằng con. Con đã chọn thì cần có trách nhiệm với lựa chọn ấy. Chọn sai thì chọn lại, nhưng đừng chọn sai nhiều quá, mất cả cơ hội, tuổi trẻ và phí phạm tiền bạc, thời gian. Cha mẹ hãy để các con tự đi, tự nghiệm và tự lớn.
Theo phụ nữ TPHCM