leftcenterrightdel
Sinh viên trên khắp Vương quốc Anh đang phải cạnh tranh khốc liệt để giành phòng trong những ngôi nhà chung. Ảnh: Study International 

Amber (sinh viên năm nhất ngành Tâm lý học) từng rất mong muốn được học ở Brighton (Anh) - thành phố ven biển với nhiều hoạt động xã hội. Tuy nhiên, khi cô ấy nhập học, ký túc xá của trường không còn chỗ trống. Trong khi đó, các nhà trọ tư nhân lại vượt xa ngân sách của cô. Điều này buộc Amber phải sống tại các thành phố lân cận, cách xa trường học.

Hối hận vì đến thành phố

Hiện tại, Amber đang sống tại Eastbourne (Anh), cách trường hơn một giờ di chuyển. Cách xa trường, Amber khó có thể làm quen và kết thân với các bạn cùng khóa để tìm kiếm căn hộ sống chung trong năm tới.

Khủng hoảng nhà ở, áp lực chi phí sinh hoạt, nữ sinh này đang cân nhắc tạm dừng việc học một năm để giảm bớt lo lắng, đồng thời tiết kiệm tiền và tìm kiếm chỗ ở tốt hơn.

“Nếu biết trước việc học đại học khó khăn như vậy, có lẽ tôi đã không đến Brighton”, Amber nói.

Tương tự, Korush Casillas - sinh viên năm thứ 2, ngành Chính trị học - cũng nói cậu sẽ không chọn học tại King's College London (Vương quốc Anh) nếu lường trước được tình hình hiện tại.

Casillas cho biết cậu đã tìm kiếm được người ở cùng. Tuy nhiên, nhóm bạn này tan rã khi không thể tìm được căn hộ chung cư tại London. Hai trong số 3 người miễn cưỡng chuyển về sống cùng gia đình, còn Casillas ở chung phòng với những người lớn hơn cậu nhiều tuổi. Căn phòng này cũng cách trường đại học hơn một giờ di chuyển.

Trong khi đó, ở Glasgow (Scotland), số lượng nhà cho thuê gần đây giảm đáng kể. Khoảng 70 sinh viên cho biết họ vẫn chưa có nhà ở trong khi học kỳ đã bắt đầu nhiều tuần. Thậm chí, một số trường đại học phải gửi thư yêu cầu sinh viên tránh đăng ký khóa học hoặc hạn chế đến thành phố khi khủng hoảng nhà ở lên cao.

leftcenterrightdel
Tình trạng thiếu nhà ở ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm đại học của sinh viên, nhiều người hối hận vì học đại học. Ảnh: Guardian 

Khủng hoảng năm 1970 quay trở lại

Theo Guardian, một tổ chức từ thiện tại Anh lên tiếng cảnh báo những dấu hiệu trên cho thấy khủng hoảng nhà ở dành cho sinh viên năm 1970 đang quay trở lại khi sinh viên phải ngủ trong nhà thi đấu hoặc xe hơi. Trong năm 2023, tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Năm 2021, Viện Chính sách Giáo dục Đại học Anh cảnh báo tình trạng vô gia cư của sinh viên sẽ gia tăng do khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tháng 10, một cuộc khảo sát với 3.000 sinh viên của Student Beans cũng chỉ ra cứ 10 người thì có một người phải đối mặt với việc thiếu chỗ ở, phải ngủ trên ghế hoặc sống trong ôtô.

Kể từ đầu năm học này, sinh viên tại các trường đại học trên khắp Vương quốc Anh đã lên tiếng về sự cạnh tranh khốc liệt để giành phòng trong các căn hộ cho năm học hiện tại và cả năm tới.

Các chuyên gia cho biết ngày càng có nhiều sinh viên sống trong cảnh vô gia cư hoặc chấp nhận nhà ở không phù hợp vì bất lực trong việc tìm kiếm. Nhiều sinh viên buộc phải quay về sống với cha mẹ ở khoảng cách xa trường học, chấp nhận những căn phòng không phù hợp hoặc khó tiếp xúc trực tiếp với bạn bè.

Tại Glasgow, các sinh viên kêu gọi trường đại học ngừng tuyển sinh sau khi họ bị yêu cầu không tiếp tục đăng ký các khóa học. Sinh viên ở Durham phải xếp hàng qua đêm để đăng ký thuê nhà cho năm học tới. Trong khi đó, sinh viên ở Bristol, Manchester và York phải sống ở thành phố khác, cách xa trường đại học của họ.

Ông Michael Rainsford, Co-Founder của StuRents, cho biết các thành phố đã bắt đầu quảng cáo phòng ở cho sinh viên cho năm tới, tuy nhiên, StuRents nhận thấy những sinh viên tìm kiếm nhà ở từ sớm vẫn đang phải tranh giành khi giá nhà bị đẩy lên cao (tăng 10-20% so với năm ngoái).

Nguyên nhân

Ông Martin Blakey, CEO Tổ chức Từ thiện Nhà ở sinh viên Unipol (Anh), cho biết tình trạng thiếu nhà ở sinh viên xảy ra ở phần lớn các trường đại học. Nguyên nhân là việc xây dựng chỗ ở dành cho sinh viên đã ngừng mở rộng. Đồng thời, số lượng nhà ở chung giảm đáng kể - khi chủ nhà rời khỏi thị trường cho thuê hoặc cho các đối tượng không phải sinh viên thuê.

“Các quy định về quy hoạch cũng khiến việc chia nhỏ nhà ở tư nhân trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, Scotland hiện yêu cầu chủ nhà phải nộp đơn xin giấy phép đa nghề nghiệp cho nhà ở”, ông Blakey nói thêm.

Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt ngày càng tăng do nhu cầu thuê nhà ở tại các thành phố ngày một lớn, các trường đại học mở rộng nhanh chóng, đồng thời sinh viên quốc tế quay trở lại Anh sau gián đoạn bởi Covid-19.

Ông Blakey dự đoán tình hình sẽ xấu đi vào tháng 1 và tháng 9/2023 - khi đợt tuyển sinh mới bắt đầu.

Bà Chloe Field, Phó chủ tịch phụ trách Giáo dục đại học, Hiệp hội Sinh viên quốc gia Anh (NUS), cho biết tình trạng thiếu nhà ở “chưa từng có" đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm đại học của sinh viên, buộc họ phải đưa ra những quyết định khó khăn.

“Nếu không có hành động khẩn cấp để tăng số lượng nhà ở giá rẻ, chắc chắn số lượng sinh viên bỏ học và vô gia cư sẽ tăng", bà Field nói.

Hiện tại, các trường đại học đang được khuyến khích thu thập và công bố thêm dữ liệu về nơi ở của sinh viên, đồng thời cung cấp thông tin tốt hơn trong tương lai. Một số địa phương như Nottingham đang hợp tác với 2 trường đại học trên địa bàn để đưa ra chiến lược về nhà ở cho sinh viên.

Ông Martin Blakey chỉ ra các trường đại học có thể hợp tác xây dựng một số nhà ở thuộc quyền sở hữu của trường.

Trong khi đó, người phát ngôn của Hiệp hội đại học Vương quốc Anh cho biết các trường đại học đã hợp tác chặt chẽ với sinh viên trong vấn đề nhà ở, đảm bảo sinh viên tìm được chỗ ở thích hợp trong năm nay. Tuy nhiên, có nhiều hạn chế xung quanh vấn đề này và các trường đang tìm kiếm giải pháp khả thi.

Theo Zingnews