Khuôn viên trường đại học ở Úc - Ảnh: Phương Vy
Trước khi đi vào bài viết chi tiết của anh Huy, cũng xin nhắc lại rằng giữa tâm dịch Covid-19, hàng không, vận chuyển đình trệ, lời "khuyến cáo" của Thủ tướng Úc khiến nhiều người lo lắng, trong đó có không ít người Việt đang thuộc diện mà ông Scott Morrison đề cập. Nỗi bất an ấy khiến nhiều người thắc mắc và xoay sở để tìm ra phương án tốt nhất cho bản thân.
Ngày 3.4, Thủ tướng Úc Scott Morrison thông báo về những việc nên làm của du học sinh và những người sở hữu visa tạm trú như du lịch ở Úc. Trong buổi phát biểu, ông có nhấn mạnh rằng nếu du học sinh cảm thấy rằng không đủ khả năng sinh sống tại Úc thì nên về nhà và cả những người đang du lịch ở Úc cũng vậy.
Cơn nổi giận của rất nhiều du học sinh đã phất lên và nhiều du học sinh cho rằng vì các em đã tới Úc ăn học, đã đóng rất nhiều phí sinh hoạt cũng như đi làm đóng thuế mà tại sao trong lúc này lại nói họ nên về nước.
Nhiều du học sinh cho rằng chính phủ Úc nên hỗ trợ. Cũng có nhiều du học sinh cho rằng các trường học nên giảm chi phí hoặc miễn học phí trong thời đại dịch và có du học sinh cho rằng giờ mà họ khó khăn thế này thì phải làm sao?
Góc nhìn theo luật Di trú Úc
Trong lời phát biểu của Thủ tướng, ông nói rằng: "Tất cả các du học sinh tới Úc cũng đều phải cam kết rằng phải đủ tài chính để trang trải trong 12 tháng đầu tiên" và "những người đang du lịch tại Úc thì chúng tôi rất cảm ơn nhưng thời điểm này thì các bạn nên về".
Ông Scott Morrison chỉ nói tới những sinh viên đang du học năm đầu tiên tại Úc chứ chưa từng nói tới các sinh viên đang du học tại Úc năm thứ 2, 3, 4. Vậy, nếu Úc là sự lựa chọn du lịch của rất nhiều người trong khi hầu hết những hoạt động du lịch của các bang đã "đóng băng" thì nên về đúng hay sai?
Luật di trú tại Úc khá phức tạp và cộng thêm nhiều từ ngữ chuyên môn của ngành di trú tại Úc là do những người làm nghề tự đặt sao cho sát nghĩa nhất để người Việt Nam có thể hiểu với đúng nghĩa và mục đích của luật đưa ra.
Visa tạm trú (temporary visa) được chia ra hai thể loại như sau:
- Tạm trú (không định cư) - visa du học, visa du lịch, visa thăm thân, visa lao động...
- Tạm trú (có định cư) - kết hôn, đính hôn, sống chung, đoàn tụ gia đình..
Mục đích của visa du học là để "học" và việc có được định cư hay không còn tuỳ thuộc vào chính sách khi mà du học sinh đó tốt nghiệp thì chính phủ có cần hay không.
Không có bất cứ ai có thể nói rằng bạn sẽ được định cư sau khi bạn tốt nghiệp, vì chính sách nhập cư của Úc được thay đổi thường xuyên.
Úc cũng là quốc gia thành viên của nhiều hiệp ước quốc tế và một trong những hiệp ước công nhận rằng "gia đình là nền tảng của xã hội”. Đã rất lâu nay chính phủ Úc luôn ưu tiên cho những người vợ/chồng, con, cha/mẹ và những mối quan hệ khác trong bối cảnh gia đình được định cư tại Úc với công dân hay thường trú nhân của họ.
Trong những lúc đại dịch như vậy, họ bảo vệ và dành sự ưu tiên cho công dân của họ.
Nhìn từ quy định của luật Thuế
Luật Thuế của Úc cũng chỉ định rất rõ ràng định nghĩa của: "Australian resident for tax purposes” là gì. Bất cứ ai thuộc diện "Australian resident for tax purposes" đều được làm việc tại Úc, có đóng thuế cho chính phủ và điều này cũng có nghĩa nếu sau này về hưu thì còn phần tiền hưu (superannuation).
"Australian resident for tax purposes" là người:
(i) Luôn sống tại Úc (đẻ tại Úc);
(ii) Tới Úc để sinh sống (định cư, đoàn tụ gia đình);
(iii) Tới Úc hơn một nửa tài khoá (ngoại trừ bạn sống ở nước ngoài là chính và không có ý định sống tại Úc) - (doanh nhân kinh doanh tại nhiều quốc gia);
(iv) Du học sinh đang có đăng ký một khoá học 6 tháng trở lên (du học sinh);
(v) Từ nước ngoài và có ý định sinh sống tại Úc trong tương lai và kết nối (quốc tịch New Zealand).
Sáng nay, 4.4.2020, Bộ Trưởng Di Trú (tạm thời), ông Alan Tudge đã gửi thông cáo báo chí và tác giả tóm tắt các điểm liên quan như sau:
Chính phủ đang sửa đổi một số điều liên quan tới những ai sở hữu visa tạm trú trong thời dịch để nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của công dân Úc, các doanh nghiệp, và sao thật nhanh hồi phục.
Hiện tại có 2,17 triệu người đang sống tại Úc theo dạng visa tạm trú. Tất cả đã đều được Úc chào đón theo nhiều hạng mục visa khác nhau, ví dụ như để lao động, học tập, thăm thân nhân hoặc bạn bè và cũng như vừa làm vừa du lịch. Những người này là một phần quan trọng trong nền kinh tế và xã hội của Úc. Ví dụ như hiện tại có hơn 8.000 chuyên viên y tế đang sở hữu visa tạm trú và đang hỗ trợ hệ thống y tế của Úc.
Trong khi, có những công dân, thường trú nhân và nhiều công dân New Zealand có quyền làm việc vô điều kiện cũng như được hưởng những ưu đãi từ chính phủ và JobKeeper, JobSeeker - là các chương trình của chính phủ liên bang Úc hỗ trợ chi ra 130 tỉ đô la Úc nhằm giúp đỡ cho những doanh nghiệp có tiền để trả cho công nhân.
Những người sở hữu visa tạm trú không được hưởng (kể cả những người sở hữu visa tạm trú diện định cư như kết hôn/đính hôn 820/309/300 cũng không được hưởng.
Từ trước giờ, bất cứ ai sở hữu visa tạm trú đều phải có sự cam kết rằng họ sẽ đủ khả năng để trang trải trong vòng 1 năm đầu tiên tại Úc.
Sự thay đổi của chính phủ ngày hôm nay sẽ nhằm giúp đỡ được cho các bạn nếu bị đuổi việc hoặc giảm thời gian làm việc, bởi Covid-19 gây ra.
Sự thay đổi đáng kể từ 4.4.2020
Kể từ ngày hôm nay, hầu hết những ai đang sở hữu visa tạm trú (định cư và không định cư) có thể triển khai thủ tục để rút tiền hưu ra sử dụng trong thời dịch.
Những ai không được hỗ trợ bởi sự thay đổi này và không thể đủ chi trả trong vòng 6 tháng tới thì nên trở về nhà và họ nên thu xếp về càng sớm càng tốt.
Sự thay đổi này cũng nhắm tới duy trì những người đang sở hữu visa tạm trú tiếp tục làm việc trong các lĩnh vực như sức khoẻ, chăm sóc cao niên, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Những người sở hữu visa tạm trú đóng vai trò vô cùng quan trọng tới nền kinh tế của Úc, nhưng trên thực tế thì sẽ có rất nhiều công dân Úc mất việc bởi sự ảnh hưởng của Covid-19. Tình trạng khủng hoảng kinh tế đang xảy ra lúc này thì chúng tôi sẽ phải sử dụng mọi biện pháp để đảm bảo quyền lợi cũng như dành sự ưu tiên cho công dân và thường trú nhân của Úc.
- VỀ VISA DU LỊCH:
Hiện tại có trên 203.000 người đang du lịch tại Úc, thường là visa với thời hạn ít hơn 3 tháng. Những ai đang du lịch tại Úc thì nên trở về nhà càng sớm càng tốt, đặc biệt đối với những ai không có sự hỗ trợ từ gia đình. Đã có rất nhiều người thực hiện điều ’trở về nhà’ và các bạn cũng nên tiếp theo.
- VỀ THĂM THÂN:
Mặc dù số visa của thăm thân giống như của visa du lịch (600) nhưng có sự khác biệt giữa 2 loại visa thường bị nhầm lẫn này như sau:
Du lịch - không nhất thiết phải có thân nhân tại Úc.
Thăm thân - bắt buộc phải có thân nhân tại Úc.
Visa du lịch thường được lưu trú không quá 3 tháng nhưng visa thăm thân có thể lưu trú thời gian dài hơn vì có yếu tố công dân/thường trú nhân Úc bảo lãnh.
- VỀ DU HỌC SINH:
Hiện tại có trên 565.000 du học sinh tại Úc, đa phần đang học tại cấp đại học hoặc học nghề. Họ là những người quan trọng trong nền kinh tế của Úc khi họ hỗ trợ cho hơn 240.000 việc làm tại Úc.
Các du học sinh nên được hỗ trợ bởi gia đình hoặc đi tìm việc làm bán thời gian để trang trải. Một trong những tiêu chí để đạt được visa sinh viên là sinh viên phải chứng minh rằng họ có đủ khả năng để sinh sống tại trong vòng 1 năm đầu tiên.
Nếu sinh viên đã tới Úc trên 12 tháng và cảm thấy mình đang có khó khăn về kinh tế thì các du học sinh này sẽ được rút tiền hưu của mình ra.
Chính phủ cũng sẽ làm việc tiếp với những trường học và chính phủ cũng có thấy nhiều trường đã có những hành động tốt đẹp khi giảm phí học cho du học sinh.
Du học sinh sẽ được đi làm 40 tiếng cho mỗi 2 tuần và những du học sinh đang làm trong lĩnh vực chăm sóc cao niên hoặc y tá ều được làm nhiều giờ hơn.
Chính phủ Úc chưa từng nói là không hỗ trợ cho các du học sinh năm 2, 3, 4. Chính phủ Úc còn chưa hỗ trợ cho những người sở hữu visa tạm trú diện định cư thì sẽ chưa đến lượt hỗ trợ cho những du học sinh năm đầu. Chính phủ của bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cũng ưu tiên quyền lợi cho công dân của họ. |
Theo thanhnien