Nguyễn Quỳnh Anh trong chuyến đi thuyền trên sông Hằng tại Varanasi, Ấn Độ..

Himalaya, Ấn Độ, du lịch, nhiếp ảnh gia, triển lãm, Triển lãm ảnh "Himalaya" của Quỳnh Anh (tại Toong, số 8 Tràng Thi, Hà Nội) bao gồm 25 tác phẩm được chọn lọc từ ba chuyến khám phá vùng đất này của chị từ năm 2012 đến nay. Nhiều bức ảnh đã xuất hiện trên các tạp chí, sách giới thiệu, trang web như Lonely Planet, Cosmopolitan, BBC Travel... và lọt vào vòng chung kết một số cuộc thi ảnh quốc tế của National Geographic.

Bén duyên tình cờ

Học kiến trúc ở Moscow  (Nga) nhưng Quỳnh Anh đã chọn nhiếp ảnh và du lịch là niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời mình sau chuyến đi tới miền Bắc Ấn Độ năm 2012. Khi đó, chị nhận lời mời của một công ty du lịch Việt Nam để tham gia chuyến khảo sát miền đồng bằng Ấn Độ. Xong việc sớm, Quỳnh Anh cùng một số thành viên trong đoàn quyết định đi lên phía Bắc để khám phá Himalaya. Thế là chị bén duyên với "nóc nhà của thế giới" từ đó...

Trong ba năm qua, Quỳnh Anh đã có ba chuyến đi đến Himalaya. Chị dành suốt một tháng cho chuyến đi gần đây nhất để khám phá các vùng Ladakh, Kasmir và Spiti. "Sức hút của Himalaya rất khó tả. Tôi đã từng đi một số nước. Nhiều nơi tôi cảm thấy chỉ cần đến một lần là đủ. Nhưng Himalaya thì khác. Nếu có điều kiện, lúc nào tôi cũng muốn xách balo lên và đi tới đó", cô gái này chia sẻ.

Trong khá nhiều bức ảnh được trưng bày tại triển lãm, người xem chỉ thấy Himalaya  là một vùng đất toàn núi, đá, cát, sỏi... Quỳnh Anh cho biết, vì ở rất cao so với mặt nước biển nên nhiều nơi ở đây không hề có màu xanh của cây cối. Nhưng khi đi qua vùng đất ấy, các du khách sẽ nhìn thấy những dòng sông xanh biếc, những thung lũng lá vàng "đẹp đến mức chỉ muốn nhảy ra khỏi xe để được hòa mình với thiên nhiên".

Trong những chuyến đi đó, Quỳnh Anh không quên tham quan các tu viện Phật giáo. Nữ nhiếp ảnh gia tiết lộ rằng, các thầy tu Tây Tạng không ăn chay. Ở những tu viện cheo leo vách đá, các du khách dễ dàng nhìn thấy những chiếc sọ của bò Yak (bò Tây Tạng) treo trên cửa. Thầy tu ở đây coi việc ăn thịt là một điều rất tự nhiên để sinh tồn.

Bức ảnh để lại nhiều suy nghĩ cho tác giả.

Trong số 25 bức ảnh tại triển lãm “Himalaya”, có một bức ảnh đơn giản nhưng lại khiến cho Quỳnh Anh suy nghĩ khá nhiều. Đó là bức ảnh được chụp vào năm 2014, ghi lại hình ảnh  một công nhân cầu đường trẻ tuổi ở Ladakh. Chị chụp bức ảnh này chớp nhoáng từ trên xe.

Giải thích về bức ảnh, Quỳnh Anh cho hay, những tuyến đường đèo xuyên Himalaya tại Ấn Độ đều được tạo nên bởi bàn tay con người, theo đúng nghĩa đen. Đa phần công nhân này đến từ Bihar - bang nghèo nhất của Ấn Độ. Họ làm tất cả mọi việc nặng nhọc và một trong số đó là đập vụn các tảng đá lớn để trải lên mặt đường. Chị chia sẻ: "Cái bóng đen của cậu thanh niên vừa đi vừa hát tương phản với nền trời và rặng Himalaya ở đằng sau. Dưới chân đèo là một con đường quốc lộ đẹp, uốn lượn trải dài, được xây nên bằng mồ hôi và nước mắt của những công nhân như cậu. Trong gian khổ, vất vả, cậu thanh niên ấy vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc".

Câu chuyện sinh tồn

Với kinh nghiệm ba lần khám phá "nóc nhà của thế giới", Quỳnh Anh cho rằng vấn đề mà đa số du khách đến với Himalaya gặp phải là "sốc độ cao". Đi liên tục ba, bốn ngày trên những con đèo cao khoảng 3.000-4.000m so với mực nước biển (trong đó có đèo Khardung La cao gần 5.400m), trạng thái chung của mọi người là mệt mỏi, đau đầu... dai dẳng suốt cả ngày. Nếu không có kinh nghiệm tự điều tiết cơ thể, tính mạng của các du khách có thể gặp nguy hiểm. Đó là còn chưa kể tới việc nhiệt độ giữa ngày và đêm ở nhiều vùng chênh lệch đến 20 độ C.

Vào những thời điểm giao mùa, mỗi lần di chuyển qua đèo thường là một lần đánh cược với tính mạng. Tuyết có thể phủ kín đèo khiến cho con đường trở nên rất trơn trượt, nguy hiểm. Những lúc như vậy, cả nhóm của chị lại phải xuống đường dọn tuyết và đẩy xe. "Đôi khi, chúng tôi phải dừng lại sửa xe khá lâu vì đường quá xấu. Có những đoạn đi song song với vực sâu mà đất đá trên đầu mình cứ đổ xuống. Quả thực là hãi hùng nhưng cũng rất thú vị!", chị nhớ lại.

Vì phải tập trung leo đèo vượt núi và... bảo toàn tính mạng nên Quỳnh Anh rất khó chuyên tâm chụp ảnh. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nữ nhiếp ảnh gia này cảm thấy vẫn chưa có đủ thời gian để khám phá tường tận Himalaya.

Khá nhiều người đến xem triển lãm cũng tranh thủ xin Quỳnh Anh lời khuyên để chuẩn bị cho chuyến chinh phục Himalaya. Bên cạnh những vật dụng quan trọng như quần áo ấm, bản đồ, pin sạc, máy ảnh, ống kính tele..., chị lưu ý mọi người nên mang thêm mì tôm và chocolate để cung cấp năng lượng, đặc biệt là với những ai không thể “trụ” được với thực đơn ba bữa cà ri mỗi ngày của người bản địa.

Theo Thế giới và Việt Nam