Phan Thị Mơ đóng vai chính Hương trong Kiều@ - Ảnh: ĐPCC

Ra rạp từ ngày 26-2 nhưng phải đến hôm 1-3, khi rạp phim ở TP.HCM mở lại và nhiều khán giả đi xem, Kiều@ mới thực sự gây xôn xao dư luận.

Không chỉ gây tranh cãi về chất lượng, bộ phim còn khiến công chúng đặt vấn đề xoay quanh việc mượn danh Truyện Kiều để quảng bá cho Kiều@ khi tác phẩm gốc thực sự là vở cải lương Nửa đời hương phấn.

Yếu tố "one shot" trong Kiều@ được thực hiện bằng những cú lia, chuyển cảnh, zoom khá ẩu và mờ nhoẹt, dù học theo lối one shot của phim quốc tế nhưng kỹ thuật không thể theo kịp - Ảnh: ĐPCC

"Thảm họa" đầu năm của điện ảnh Việt

Trải nghiệm của người xem với bộ phim xoay quanh ba chữ "khó": khó xem, khó chịu và khó cảm.

Kiều@ có một số phân cảnh có dụng ý mạch lạc, gây xúc động. Đó là chuỗi bi kịch từ đêm Hương bị đuổi ra khỏi nhà, vái lạy mẹ từ biệt, quỳ gối xin cha tha thứ. Khi mẹ mất, cô đứng từ xa vái lạy.

Đó là cảnh người cha tiễn con lên Sài Gòn, chỉ dừng chân ở nửa cây cầu, thể hiện ý "nửa đời hương phấn". Người cha thương con nhưng ông không có tư duy hiện đại, chỉ biết một nửa cuộc đời của các con mình.

Đó là cái kết dù rườm rà, lê thê nhưng khá ý nghĩa: chỉ cần có tình yêu thương, người đã mất sẽ luôn hiện diện bên trong người đang sống.

Cảnh nóng trong Kiều@ có tính thẩm mỹ kém - Ảnh: ĐPCC

Thế nhưng, những tình tiết cảm động đó không thể cứu nổi Kiều@ khỏi việc trở thành phim thảm họa đầu năm 2021 của điện ảnh Việt.

Kiều@ được quảng bá là cú máy one-shot dài hơn 90 phút, dù vậy khâu dựng phim, kỹ xảo lại dở tệ, nhiều cú máy chao đảo và vô số cảnh tua nhanh làm hoa mắt người xem. Phần nhạc nền ma mị với âm lượng lớn được sử dụng trong hầu hết cảnh khiến rạp như bị "ô nhiễm tiếng ồn". Kịch bản vụn vặt, thiếu logic và tâm lý nhân vật hời hợt, không thuyết phục.

Diễn biến gây tranh cãi lớn nhất là việc Hương chấp nhận trở thành gái mại dâm chỉ sau vài tình tiết. Giải thích về diễn biến tâm lý và lối hành động chóng vánh, khó hiểu của nhân vật, đoàn làm phim cho biết họ đã quay số lượng cảnh quá lớn, nếu dựng đủ phải lên đến 6 tiếng.

Nhưng đó không phải lý do chính đáng để dựng phim nhồi nhét, tham tình tiết nhưng rốt cuộc chỉ gây mệt mỏi, lại phải đánh đổi bằng chiều sâu trong tâm lý nhân vật.

Bộ phim đánh đổi chiều sâu trong tâm lý nhân vật lấy yếu tố kỹ thuật, kỷ lục "phim one shot Việt Nam đầu tiên" ồn ào nhưng vô hồn - Ảnh: ĐPCC

Cốt truyện 'Nửa đời hương phấn', cảm hứng 'Truyện Kiều'

Trong Kiều@, nhân vật chính là hai chị em Hương và Phấn xinh đẹp, yêu thương cha mẹ nhưng có số phận trái ngược. Từ quê, Hương lên Sài Gòn đi học, bị tên Định dụ dỗ, đẩy vào con đường bán dâm. Cô gửi tiền về chăm lo cho ba mẹ và em gái. Ở Sài Gòn, cô gặp gỡ và yêu chàng trai tên Tùng.

Nhưng một ngày, Hương bị xã hội đen đến tận nhà ở quê đòi nợ, tiết lộ cô làm gái mại dâm. Người cha đuổi cô ra khỏi nhà. Về sau, Phấn lên Sài Gòn học. Cô tình cờ gặp, yêu và rồi kết hôn với Tùng.

Có thể nói, nội dung phim Kiều@ có sự tương đồng rất lớn với vở Nửa đời hương phấn, từ hệ thống nhân vật đến câu chuyện, có chỉnh sửa và bổ sung một vài chi tiết. Thay đổi lớn nhất nằm ở bối cảnh thời hiện đại và cái kết, đổi tên nhân vật Diệu trong cải lương thành Phấn.

Trong buổi chiếu báo chí tại TP.HCM hôm 24-2, khi được hỏi về sự giống nhau giữa Kiều@ và Nửa đời hương phấn, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - giám đốc nghệ thuật Kiều@ - giải thích: "Khởi đầu, đoàn phim đã mua bản quyền Nửa đời hương phấn. Thế nhưng trong suốt 3 năm làm phim, chỉ có ba người là đạo diễn, giám đốc nghệ thuật và DOP được biết đây là phim Kiều@.

Khi viết Nửa đời hương phấn, soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng cũng lấy ý tưởng của Truyện Kiều".

Ông Tú khẳng định trong phần danh đề cuối phim, Kiều@ được khẳng định "được xây dựng ý tưởng từ Nửa đời hương phấn" và "xây dựng cảm xúc từ Truyện Kiều của Nguyễn Du".

Việc mua bản quyền Nửa đời hương phấn từ con trai của soạn giả Hoa Phượng từng được đạo diễn Đỗ Thành An công bố vào năm 2018. Khi đó, dự án được coi là bản điện ảnh của Nửa đời hương phấn.

Cảnh bói Kiều được đưa vào phim như thể nhấn mạnh thêm sự liên quan đến Truyện Kiều của Nguyễn Du - Ảnh: ĐPCC

Mặc dù vậy, sau 3 năm, khi phim ra mắt, cả quá trình quảng bá và poster phim chỉ nhấn mạnh "Tác phẩm điện ảnh lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du" chứ không nhắc đến Nửa đời hương phấn. Điều này không thể coi là sơ suất mà là cách quảng bá có chủ đích.

Rõ ràng, đây là sự mượn danh thô thiển, lại gây nhầm lẫn giữa Kiều@ và phim cổ trang Kiều do Mai Thu Huyền đạo diễn. Trên mạng xã hội, khá đông khán giả thừa nhận đi xem Kiều@ vì nhầm đây là Kiều.

Nửa đời hương phấn là vở cải lương nổi tiếng của nhóm soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng. Ra đời cuối thập niên 1950, vở đã nhiều lần được trình diễn bởi các đoàn nghệ thuật tên tuổi. Nhiều nghệ sĩ tài danh như Út Bạch Lan, Thanh Nga, Phượng Liên, Bạch Tuyết... từng đóng vai chính Hương (The), cô gái sa chân vào nghề mại dâm.

Nửa đời hương phấn từng được làm thành phim điện ảnh Bẽ bàng vào năm 1961, do các nghệ sĩ Kim Cương, La Thoại Tân đóng chính.

Theo tuoitre