Kim Ji Young, 1982 đề cập đến vấn đề nữ giới một cách nhẹ nhàng, chân thực - Ảnh: KOREA TIMES

Kim Ji Young, 1982 - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Ji Young, sinh năm 1982 của nhà văn Cho Nam Joo đang gây sốt ở Hàn Quốc - vừa ra mắt khán giả Việt từ ngày 1-11.

Trầm cảm sau sinh - nỗi đau lặng thầm của mọi người mẹ

Cô con dâu Kim Ji Young (Jung Yoo Mi) lúi húi dọn dẹp trong bếp sau một ngày tết quần quật việc nhà. Tiếng cười nói từ phòng khách vọng lại. Cả gia đình chồng đang quây quần hạnh phúc nhân dịp cô em chồng về thăm nhà. Mẹ chồng gọi với vào bếp, kêu con dâu chuẩn bị đồ ăn cho con gái.

Kim Ji Young tháo tạp dề, quay về phía mẹ chồng và nói đầy giận dữ: "Bà Jeong à!". Cả gia đình chồng sững sờ. Sau khi lớn tiếng gọi thẳng tên mẹ chồng, Kim Ji Young đã dùng khẩu khí và tư cách của mẹ đẻ nói chuyện phải trái với mẹ chồng.

Cô nói: "Tôi cũng rất nhớ con gái tôi và mong nó về nhà, tại sao nó phải ở đây để phục vụ gia đình người khác?".

Từ đó về sau, mỗi lần căng thẳng hoặc xúc động mạnh, Kim Ji Young đều không còn là chính mình. Cô nói chuyện, hóa thân thành những người thân khác. Lúc là mẹ đẻ, lúc là bà ngoại, lúc lại là cô bạn thân đã qua đời.

Chỉ khi nhập thân vào người khác, cô mới dám đại diện cho chính mình và những phụ nữ khác nói lên hết bức bối trong lòng. Sau mỗi lần như vậy, cô lại quên hết những gì vừa xảy ra. Sử dụng triệu chứng bệnh hiếm gặp của nhân vật làm bước ngoặt, phim qua đó thể hiện nhiều thông điệp.

Cảnh phim Kim Ji Young

"Dưới áp lực và định kiến xã hội, lâu nay phụ nữ vẫn phải âm thầm chịu đựng trầm cảm sau sinh, không dám nói ra vì sợ bị đánh giá là người vợ, người mẹ, người con dâu tồi tệ - Thanh Thủy, nữ khán giả Việt Nam, nhận định - Kim Ji Young cũng sẽ cam chịu như vậy nếu không có chứng bệnh kỳ lạ khiến cô vô thức đấu tranh, buộc người xung quanh phải nhận ra họ đối xử bất công với phụ nữ đến mức nào".

Kim Ji Young có cái tên Hàn Quốc điển hình, là người phụ nữ Hàn Quốc điển hình: lấy chồng, sinh con, cam chịu, chấp nhận ở nhà nội trợ và trông con để chồng xây dựng sự nghiệp, hầu như không bao giờ cãi lời mẹ chồng. Bước ngoặt chỉ đến khi cô mắc chứng trầm cảm sau sinh và đôi khi mất kiểm soát hành vi, lời nói.

Trước đó, khi người chồng Jung Dae Hyun (Gong Yoo) nhắc về vợ bạn bị trầm cảm sau sinh, Kim Ji Young không hề nghĩ căn bệnh đó có liên quan đến mình. Cô nói với chồng: "Em chỉ thỉnh thoảng thấy buồn". Hầu hết phụ nữ cũng vậy, họ chối bỏ bản thân bị trầm cảm sau sinh đến khi những triệu chứng nặng dần lên, buộc họ phải tìm hiểu và thừa nhận.

Trầm cảm sau sinh không phải là chủ đề duy nhất của cuốn sách cũng như bộ phim. Kim Ji Young, sinh năm 1982 được coi là cuốn tiểu thuyết nữ quyền của Hàn Quốc, tham vọng đề cập đến nhiều chủ đề xoay quanh nữ giới như áp lực gia đình - sự nghiệp, quấy rối tình dục, nạn camera quay lén, phân biệt đối xử ở nơi làm việc và ngoài xã hội...

Nhưng nhà làm phim khá ôm đồm khi đưa những chủ đề này lên phim và chưa thể hiện sâu.

Cảnh phim Kim Ji Young

Chia rẽ khán giả Hàn Quốc

Cách khán giả Việt Nam phản ứng với bộ phim (đồng cảm, xúc động) là khá nhẹ nhàng so với khán giả Hàn Quốc. Ở quê nhà, Kim Ji Young, 1982 gây nên một cơn bão truyền thông thực thụ vì vấn đề nữ giới, bình đẳng và định kiến giới luôn rất nhạy cảm.

Nếu phụ nữ Hàn Quốc tìm thấy mình ở Kim Ji Young, rơi nước mắt vì cuộc đời của Kim Ji Young có quá nhiều điểm chung với chính họ thì đàn ông Hàn Quốc lại có xu hướng phủ nhận, cho rằng bộ phim "cường điệu, lệch lạc, chủ quan, tiêu cực và chống lại đàn ông".

"Sự chia rẽ này rất khó hóa giải trong xã hội Hàn Quốc. Về trầm cảm sau sinh hay quấy rối tình dục, đàn ông và phụ nữ cùng nhìn thấy thực trạng nhưng lại đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác nhau.

Với phụ nữ, họ mong muốn các vấn đề nữ giới được xã hội lắng nghe nhiều hơn để tìm ra giải pháp. Với đàn ông, họ cảm thấy khó xử khi bị biến thành thủ phạm và lên tiếng chỉ trích như một cách tự vệ" - Lee Young, nghiên cứu sinh ngành truyền thông ở Hàn Quốc, nói với Tuổi Trẻ.

Nhưng thực chất, theo Lee Young, không nên quy kết chỉ có đàn ông là thủ phạm trong các vấn đề nữ giới. Thủ phạm chính là định kiến giới của toàn xã hội đè nặng lên vai người phụ nữ qua nhiều thế hệ.

Qua hàng trăm năm, một xã hội gia trưởng được hình thành và những nguyên tắc bất công được biến thành bất di bất dịch. Phụ nữ chỉ có thể được giải thoát nếu xã hội dần hóa giải những định kiến này.

Và chính người phụ nữ phải nhận ra: im lặng và cam chịu không phải là cách để có được cuộc đời bình yên. Cuộc đời vẫn luôn khắc nghiệt, cách duy nhất là phải kiên cường.

Một số hình ảnh khác của phim:




Cơn sốt lớn tại Hàn Quốc với sách và phim


Tại Hàn Quốc, sách gốc và bộ phim đều tạo nên cơn sốt lớn. Ra rạp hồi tháng 10, phim đứng đầu phòng vé Hàn Quốc, vượt mốc 1 triệu khán giả chỉ sau 5 ngày và chiếm 49,67% tổng doanh thu phòng vé.

Trước đó, đầu năm 2017, nghị sĩ Roh Hoe Chan khen cuốn sách trên mạng xã hội, đồng thời gửi tặng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In một bản kèm theo lời đề tặng: "Hãy trân trọng cuốn sách này". Ngay sau đó, cuốn sách trở nên bán chạy, đến cuối năm 2018 đã tiêu thụ được 1 triệu bản. Bản tiếng Việt của tác phẩm này cũng đã ra mắt độc giả VN.

Ra mắt sách về trầm cảm tại Việt Nam


Sáng 10-11, buổi ra mắt cuốn sách Trầm cảm - Sát thủ thầm lặng sẽ diễn ra tại Đường sách TP.HCM. Đây là cuốn sách của nhóm tác giả gồm thạc sĩ Nguyễn Thanh Hà và Nguyễn Đỗ Khả Tú.

Buổi ra mắt sách sẽ có sự tham gia của tác giả Thanh Hà, bác sĩ Vũ Hoàng Phượng Vy và cây bút Phương Huyền. Cuốn sách và buổi tọa đàm có mục đích nâng cao nhận thức về trầm cảm ở Việt Nam, một quốc gia mà bệnh trầm cảm chưa được hiểu rõ, thậm chí còn bị hiểu lầm và kỳ thị.

Theo tuoitre