leftcenterrightdel
 Tuấn Minh, sinh viên năm ba ngành Điện điện tử, NTU, Singapore. Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Mai Tuấn Minh hiện là sinh viên năm ba ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Năm 2012, Minh sang Singapore du học. Tốt nghiệp cao đẳng (Polytechnic) với GPA 4.0/4.0, nam sinh trúng tuyển năm đại học, gồm: Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Công nghệ Nanyang, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore, Đại học Quản trị Kinh doanh Singapore và Đại học London ở Anh.

Singapore có sáu đại học công lập và 40 đại học tư thục. Nhận được thư mời nhập học của bốn trường công lập tốt nhất nước này, Minh dành thời gian tìm hiểu trước khi quyết định. Thời điểm này, các ứng viên năm nay cũng đã nhận được kết quả học bổng đại học ở Singapore. Nam sinh muốn chia sẻ kinh nghiệm chọn trường cho những bạn còn đắn đo.

Trước khi chọn trường, Minh xác định mục tiêu của bản thân. Nam sinh muốn về nước làm việc, hướng tới sau 10-20 năm sẽ quản lý một công ty kỹ thuật nên học ở châu Á sẽ giúp em dễ hòa nhập văn hóa khi trở lại Việt Nam. Ở Singapore, chi phí sinh hoạt và học phí rẻ hơn ở Anh, trong khi thứ hạng QS Rankings (Bảng xếp hạng đại học thế giới) của các trường này không chênh lệch nhiều nên Đại học London bị loại khỏi lựa chọn của Minh.

Đại học Quản trị Kinh doanh Singapore (SUM) cũng không được chọn vì đây được xem như một phương án dự phòng. Minh thích SMU vì gần trung tâm Singapore, sinh viên năng nổ nhưng trường không có ngành kỹ thuật.

"Điều này sẽ ảnh hưởng vì lúc ra trường, em có ít bạn bè làm việc liên quan đến lĩnh vực em quan tâm. Hơn nữa IT là ngành trái so với những gì em được học ở Polytechnic (Điện điện tử)", nam sinh Hà Nội nói.

Với Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD), Minh đánh giá trường đào tạo kỹ sư tốt hơn Đại học Quốc gia (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) vì dựa vào giáo trình của MIT (Massachusetts Institute of Technology) đến 95%. Kỹ sư tốt nghiệp SUTD có thể đi làm luôn mà không cần qua huấn luyện như NTU và NUS. Tuy nhiên, cậu không chọn SUTD vì trường ít người Việt. Minh cảm thấy khó khăn trong việc tạo dựng mối quan hệ khi về nước.

Minh chỉ còn NUS và NTU, hai trường bám sát nhau trong QS Rankings. Theo xếp hạng năm 2022, NUS xếp thứ 11, trong khi NTU đứng thứ 13. Ngành Điện điện tử của NTU ở vị trí thứ tư trên thế giới, cao hơn NUS một bậc. Trường có thế mạnh trong các ngành giáo dục, truyền thông, công nghệ thông tin và khoa học, còn NUS nổi tiếng với y khoa, luật, quản trị kinh doanh, chính trị học. Tuy nhiên, xét tổng thể, NUS nhỉnh hơn NTU.

Minh phân tích, thứ hạng quan trọng vì phản ánh tình hình tài chính của trường, chất lượng sinh viên đầu vào và khả năng đầu ra.

"Trường thứ hạng cao chắc chắn sẽ thu hút sinh viên giỏi. Để chạy được nhanh nhất, bạn phải đua với người nhanh nhất nên em quan trọng vấn đề sinh viên đầu vào", Minh cho hay.

Nam sinh năm ba cho biết, tốt nghiệp từ trường thứ hạng cao cũng giúp sinh viên có lợi thế hơn khi tìm việc tại các công ty, lớn, tập đoàn đa quốc gia.

leftcenterrightdel
 Tòa nhà Hive, gồm phòng học và thư viện, trong khuôn viên NTU. Ảnh: NTU

 

Khi đặt lên bàn cân hai trường, Minh cân nhắc tiêu chí giáo sư và giáo trình học. Ở mặt này, cả hai trường ngang nhau.

Cậu cũng xem xét văn hóa sinh viên ở NUS và NTU. NUS phù hợp với những học sinh Việt Nam du học từ cấp hai ở Singapore. Nhưng nếu học NTU, Minh vẫn có thể tham gia các hoạt động của các bạn NUS. Hơn nữa, cậu là phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore nên cơ hội nói chuyện với sinh viên trường khác cũng nhiều hơn.

Cơ sở vật chất và địa điểm cũng nằm trong tiêu chí chọn trường của Minh. Ngoài điểm trừ vì xa trung tâm, NTU ngang ngửa với NUS về mức độ đầu tư cho cơ sở vật chất, trung tâm nghiên cứu.

"NTU có trung tâm sản xuất vệ tinh, hiện có 9 sản phẩm. Trong khi đó, lần đi thăm NUS, giáo sư ở đây giới thiệu trường mua cánh tay robot trị giá 2 triệu SGD để làm thí nghiệm về trọng lực của Mặt trăng", Minh nói.

Theo nam sinh, sinh viên NTU sau khi ra trường thường có thiên hướng về Việt Nam nhiều hơn, còn những bạn tốt nghiệp NUS phần lớn ở lại Singapore hoặc đi nước thứ ba. "Ở điểm này, NTU phù hợp với em hơn", Minh chia sẻ.

Minh cuối cùng quyết định trở thành một phần của NTU. Sau khi ra trường, cậu dự định làm việc vài năm ở Singapore để tích lũy kinh nghiệm trước khi về nước xây dựng sự nghiệp.

Theo vnexpress