Kỷ luật khác bạo lực như thế nào?
Kỷ luật một đứa trẻ không thể dùng bạo lực (cả thể chất lẫn tinh thần). Bạo lực là dùng quyền lực của mình bắt một đứa trẻ phải tuân theo ý muốn của mình. Còn kỷ luật là xây dựng một nguyên tắc, những quy định và cùng nhau tuân thủ nguyên tắc đó. Người vi phạm nguyên tắc phải chịu những hình thức kỷ luật đã định trước đó và đã được thống nhất, đồng thuận giữa hai bên từ trước chứ không phải vi phạm mới nghĩ ra hình thức kỷ luật. Vì thế, bạo lực là ý muốn chủ quan, tức thời. Kỷ luật là quá trình lâu dài, đã được quy ước.
Bản thân kỷ luật cũng có kỷ luật tích cực và kỷ luật tiêu cực. Kỷ luật tích cực là sửa chữa, định hướng một đứa trẻ theo chiều hướng tích cực. Kỷ luật tiêu cực là ngăn chặn, cho thấy hậu quả của những hành vi sai trái ở trẻ, không để nó tái diễn. Chúng ta vẫn hay nói với nhau về kỷ luật tích cực mà ít nói với nhau về kỷ luật tiêu cực. Nhưng trong hành trình trưởng thành của một đứa trẻ, 2 dạng kỷ luật này phải cùng đồng hành và cùng được sử dụng.
Nếu như đó là một lỗi sai, lỗi nhỏ chúng ta có thể dùng kỷ luật tích cực. Như một sự điều chỉnh, căn chỉnh lại cho đúng, một cách tích cực. Mục tiêu của kỷ luật tích cực là để trẻ nhận ra lỗi sai và vui vẻ làm theo quy định. Còn kỷ luật tiêu cực là ngăn chặn những sai lầm xảy ra nhiều lần, lặp đi lặp lại. Những lỗi lớn thuộc tính hệ thống và gây nguy hiểm cho không chỉ đứa trẻ mà còn là những đứa trẻ xung quanh.
Kỷ luật trẻ mắc lỗi nhiều lần như thế nào?
Chúng ta không thể sử dụng kỷ luật tích cực với những lỗi sai như đánh bạn nhiều lần, bỏ học, liên tục không chịu làm bài, hỗn hào với người lớn, thách thức mọi chế tài, quy định. Không thể dùng lời khuyên răn, nhắn nhủ, tâm tình hay đưa ra các lựa chọn tích cực để thay đổi một đứa trẻ như thế. Lúc đó, chúng ta cần phải kỷ luật đúng nghĩa, nói cách khác là áp dụng những hình phạt mang tính răn đe, ngăn chặn thậm chí đưa đứa trẻ ra khỏi môi trường hiện hữu, tránh việc ảnh hưởng xấu đến những đứa trẻ khác.
Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được áp những hình phạt mang tính bạo lực (bao gồm đánh đập thân thể, sỉ nhục hoặc cả việc loại bỏ đứa trẻ, đuổi học, cô lập nó…). Hình phạt nào cũng phải đạt được mục tiêu thay đổi đứa trẻ tốt lên chứ không phải là dồn nó vào góc tối hơn rồi mong nó sẽ biết sợ mà thay đổi. Gieo nỗi sợ không phải là cách giáo dục.
Đứa trẻ đặc biệt thì cần môi trường giáo dục đặc biệt và cần những chuyên gia cho những trường hợp đặc biệt. Đó là lý do chúng ta cần những phòng tư vấn tâm lý học đường cũng như những chuyên gia tư vấn tâm lý học đường ở mỗi trường. Và họ cũng cần được đào tạo về chuyên môn. Ngắn hạn cũng được nhưng phải được đào tạo qua. Giống như bệnh nhẹ có thể chữa bằng chế độ dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, các bài tập trị liệu. Nhưng bệnh nặng cần bác sĩ chuyên nghiệp, cần kê đơn thuốc, thậm chí, phải giải phẫu vậy.
Giáo viên phải bản lĩnh hơn
Có giáo viên cho rằng quyền lực của thời nay đang bị tước bỏ. Một đứa trẻ hư, giáo viên ngày xưa có thể phạt úp mặt vào tường, khẽ tay, đuổi học nhưng giáo viên ngày nay không thể làm được như thế. Và giáo viên ấy cho rằng đó cũng là lý do nhiều giáo viên… bỏ nghề. Thậm chí, họ xem nghề giáo thời nay là nghề nguy hiểm khi nhiều phụ huynh xông vào đánh thầy cô hay chính học sinh "xử lý" thầy cô.
Tôi không cho rằng giáo viên ngày nay khổ và khó hơn giáo viên thời xưa. Là vì cuộc sống hiện đại đòi hỏi không chỉ học sinh phải học những kiến thức cao hơn, nhiều hơn mà còn đòi hỏi giáo viên phải bản lĩnh hơn. Tại sao học sinh ngày nay thông minh hơn, năng động hơn, học nhiều hơn mà giáo viên thì cứ muốn chỉ như ngày xưa được?
Là chúng ta phải thích ứng và thay đổi với giáo dục hiện đại. Không thể áp dụng những hình phạt kỷ luật cổ xưa cho con người hiện đại chỉ vì muốn đứa trẻ ngay lập tức phải ngoan. Đến cả khái niệm ngoan của một đứa trẻ ngày nay cũng đã thay đổi rồi, không phải gọi dạ bảo vâng, người lớn luôn đúng, trẻ con không được ý kiến…
Theo Thanh niên