Các bạn học sinh nêu mong muốn trang bị kỹ năng trong thời đại số - Ảnh: K.ANH

Bạn trẻ cần rèn khả năng mở lòng ra, biết chấp nhận, cộng tác được mọi người để cùng nhau học tập, làm việc.

Diễn giả NGUYỄN PHI VÂN


Ngày 9-4, chương trình “Điều em muốn nói” do Hội đồng Đội TP.HCM triển khai, Hội đồng Đội Q.Bình Thạnh phối hợp cùng Công ty cổ phần Văn hóa sách Sài Gòn - SaiGon Book tổ chức với chủ đề “Kỹ năng cho trẻ em trong thời đại số” đã thu hút rất đông đội viên, học sinh tham gia.

Các bạn nhỏ đặt câu hỏi kỹ năng nào cần thiết để hòa nhập và phát triển trong thời đại số hiện nay. 

Bà Nguyễn Phi Vân - chủ tịch Hội đồng cố vấn Saigon Innovation Hub, tác giả một số quyển sách tiếng Anh và tiếng Việt như: Quảy gánh băng đồng ra thế giới, Cứ bay rồi sẽ cao, Nym - Tôi của tương lai... - nói: "Kỹ năng học cả đời là quan trọng nhất, vì thực tế mọi người và ngay cả tôi đều phải học mãi vì nếu chúng ta hay ai không học cái mới, ngừng chuyển động thì đương nhiên người đó sẽ bị bỏ lại phía sau".

Có bị công nghệ dẫn dắt?

Diễn giả Phi Vân cũng nhấn mạnh kỹ năng sử dụng Internet, khả năng tự chịu trách nhiệm, tự học, tự chăm sóc bản thân... là những nền tảng để các bạn bước vào tương lai phía trước.

Bạn Hà My, THCS Đống Đa, đặt vấn đề: "Công nghệ phát triển quá nhanh, nếu muốn hội nhập tốt, học sinh phải làm gì, trong khi phụ huynh lại cấm đoán không cho con được sử dụng điện thoại thông minh?". 

Bà Vân cho rằng công nghệ có hai mặt của nó, mặt tốt giúp mình cập nhật và trải nghiệm rất nhiều thông tin, dữ liệu nhưng mặt trái của nó khiến nhiều người rơi vào trầm cảm, ảnh hưởng đến việc học tập, công việc.

"Khi người ta thiết kế công nghệ có việc trải nghiệm người dùng, họ làm mọi cách để bạn nghiện chương trình đó, app đó, dù bạn không muốn quay lại nhưng bạn vẫn bị nghiện... Vậy chúng ta phải là người dùng thông minh. Chúng ta thấy có người bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Và ngành thải độc số hóa cũng đang phát triển ở một số nước nhằm cai nghiện công nghệ. 

Chính vì thế, các bạn học sinh hãy cam kết thực hiện đúng khi khai thác thiết bị công nghệ cho việc học, giải trí, nếu không sẽ rơi vô hố sâu của nghiện công nghệ, bị công nghệ dẫn dắt và hệ lụy rất lớn" - bà Phi Vân nhấn mạnh.

Biết cách chọn lọc thông tin

Bạn Nguyễn Ngọc Anh, THCS Thanh Đa, hỏi làm thế nào để biết cách chọn lọc thông tin tốt trong khi thực tế mạng xã hội có nhiều thông tin độc, sai, không tốt?

"Mỗi ngày khi cô mở trang thông tin trên mạng ra xem, cô phải tự đặt ra câu hỏi thông tin đó nguồn từ đâu? Có phải nguồn chính thống không? Có đáng tin cậy không? Chính vì thế rất cần các bạn rèn luyện tư duy phản biện" - bà Phi Vân nói.

Tại chương trình, một vấn đề được bà Vân nêu ra là trong thời đại công nghệ, các bạn trẻ tập trung học nhiều kỹ năng như phản biện, sáng tạo, nhưng hình như chúng ta đang dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại, thiết bị công nghệ, bỏ qua sự kết nối với mọi người. 

"Giả định mình gắn con chip vào não, rồi mình thành con người "nửa người nửa máy", giống như robot, điều gì cũng có thể làm nhưng lúc ấy mình có là con người hay không, có còn biết ôm hay nắm tay mẹ nói "con yêu mẹ"?...".

Theo bạn Lê Tấn Dũng, THCS Đống Đa, thực tế những bạn bị ảnh hưởng bởi thiết bị công nghệ như nghiện game, nghiện thiết bị công nghệ cũng là bệnh trên thế giới. Cách phòng ngừa ra sao? Chẳng lẽ mình lại phải xa lánh công nghệ?

"Công nghệ là bước tiến của tương lai, chúng ta không thể tránh nó, mà chúng ta phải chung sống với nó. Tôi chấp nhận công nghệ là một phần của cuộc sống, biết ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, điều quan trọng là bạn phải làm chủ được công nghệ, còn không, bạn sẽ bị công nghệ dẫn dắt và ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn" - bà Phi Vân chia sẻ.

Theo tuoitre