Đại biện lâm thời Bulgaria tại Việt Nam Marinela Petkova phát biểu
Buổi lễ có sự tham dự của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng với lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam – Bulgaria, Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam, đại diện một số cơ quan ban ngành cùng đông đảo các cựu du học sinh từng sinh sống và học tập tại đất nước Bulgaria.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Bulgaria Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết Lễ kỷ niệm nhằm bày tỏ lòng kính trọng đối với ngôn ngữ, kiến thức và tinh thần dân tộc Bulgaria. Từ sau khi Bulgaria trở thành thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU), tiếng Bulgaria đã có một vị trí xứng đáng trong các ngôn ngữ chính thức của EU. Lịch sử đã chứng minh người Bulgaria luôn luôn gìn giữ bản sắc văn hoá và tinh thần dân tộc mình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa Việt Nam và Bulgaria trong những năm qua đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước chung tay vun đắp trên cơ sở tin cậy, hiểu biết và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, nhân dân Bulgari đã dành cho Việt Nam suốt những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề Việt Nam đã được đào tạo tại Bulgaria và nhiều người trong số họ đang giữ những cương vị trọng trách trong bộ máy quản lý Nhà nước cũng như trong đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam.
Một trong những tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm
“Là những người đã học tập, nghiên cứu, công tác, làm việc ở Bulgaria, chúng tôi luôn coi Bulgaria là Tổ quốc thứ 2 của mình. Chúng tôi luôn ghi nhớ và xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đến nhà nước, nhân dân, các thầy cô giáo, các bạn bè Bulgaria đã nhiệt tình truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho chúng tôi để trở về phục vụ tốt cho Tổ quốc và dân tộc Việt Nam.”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nói.
Đại biện lâm thời Bulgaria tại Việt Nam Marinela Petkova cũng khẳng định Ngày Văn hoá, giáo dục Bulgaria và Chữ viết Slavơ đánh dấu sự nghiệp vĩ đại của hai vị Thánh Kiril và Metodiy và đặt nền móng cho sự hình thành và bảo tồn bản sắc Bulgaria qua nhiều thế kỷ và làm cho nền văn minh châu Âu thêm phong phú. Sự xuất hiện và khẳng định của bảng chữ cái Slavơ cùng với việc tạo ra nền văn học Slavơ nói chung và tiếng Bulgaria cổ nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng - đưa các nước thuộc khối Slavơ nên ngang tầm với các quốc gia châu Âu khác.
“Quan hệ giữa Bulgaria và Việt Nam có thể khái quát với một từ là hữu nghị. Cộng đồng người Bulgaria tại Việt Nam là rất nhỏ, nhưng Bulgaria lại có rất nhiều người bạn tại Việt Nam. Các bạn là những ví dụ sinh động nhất, hùng hồn nhất trong việc thiết lập những nhịp cầu hoà bình bền vững dựa trên sức mạnh sáng tạo của kiến thức giữa các thế hệ, giữa các nước và giữa các châu lục – là những đại sứ tốt nhất của ngôn ngữ, tinh thần và truyền thống Bulgaria tại Việt Nam”, bà Marinela Petkova xúc động.
Lễ kỷ niệm kết thúc với chương trình văn nghệ đặc sắc với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Việt Nam và các hội viên Hội hữu nghị Việt Nam – Bulgaria. Nhân dịp này, Đại sứ quán Bulgaria giới thiệu triển lãm ảnh “Sắc màu Bulgaria” thể hiện một cách chân thực phong tục, văn hóa dân gian và truyền thống Bulgaria. Đây là những hình ảnh được chụp ở nhiều nơi trong nước trong một loạt các chuyến đi của tác giả Ladislav Tsvetkov đã được trình bày tại hơn 10 thủ đô trên thế giới.
Theo Thế giới và Việt Nam