leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Một chuyên viên tư vấn học đường chia sẻ: một học sinh lớp Tám đến tư vấn vì bị nhóm bạn thân xa lánh. Cha mẹ của em có nhóm bạn đồng hương. Con cái của các gia đình cũng thân thiết và gắn bó với nhau từ nhỏ. Nhưng gần đây, giữa em và các bạn đang nảy sinh mâu thuẫn. Các gia đình mỗi khi gặp nhau thường khoe thành tích của con và trong số đó, em là người có thành tích nổi trội nhất.

Điều này không chỉ gây áp lực buộc em phải sống theo kỳ vọng của người lớn mà còn tạo ra sự rạn nứt giữa em và nhóm bạn. Các bạn có ý trách giận em, vì họ luôn bị cha mẹ so sánh với em.

Một bức thư của nữ sinh gửi cha mẹ được tiết lộ mới đây cũng là lời cảnh báo cho phụ huynh: “… Con biết mẹ luôn mong muốn điều tốt nhất cho con, nhưng đôi khi con cảm thấy áp lực mẹ đặt lên vai con quá lớn. Con mệt mỏi, chán nản và cảm thấy như không thể thở nổi… Con sợ hãi nếu không đạt được điểm cao, sợ không được vào trường đại học tốt, sợ phụ lòng kỳ vọng của mẹ. Con biết mẹ muốn con học giỏi để có một tương lai tốt đẹp. Nhưng con cũng là một con người, con cũng có những nhu cầu, cảm xúc riêng… Mẹ ơi, con mệt rồi. Con không muốn học nữa… Con muốn được là chính mình, được sống một cuộc sống bình thường như bao bạn bè khác…”.

Thực tế cho thấy, nuôi dạy con cái ngày nay quá khó khăn và đầy áp lực. Áp lực này xuất phát từ tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ dành cho các con. Mặt khác, cha mẹ phải đối mặt với rất nhiều áp lực xã hội từ việc so sánh con cái qua mạng xã hội hoặc các định kiến về nuôi con theo chuẩn xã hội.

Trong chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực hoạt động tham vấn tâm lý trong nhà trường” tổ chức tại TPHCM mới đây, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào - Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam) - đã chia sẻ: trầm cảm ở học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp.

Các vấn đề về sức khỏe ở tuổi vị thành niên trên toàn cầu đang trải qua những thay đổi lớn. 3 thập niên trước, mối đe dọa lớn nhất với trẻ vị thành niên là rượu, thuốc lá, mang thai, các chất gây nghiện... nhưng ngày nay là sự lo lắng, trầm cảm, tự hại bản thân và các rối loạn tâm thần khác.

Hầu hết các bậc cha mẹ chỉ muốn điều tốt nhất cho con. Nhưng việc đặt quá nhiều kỳ vọng, buộc trẻ phải sống theo lý tưởng, mong muốn của cha mẹ mà bỏ qua đặc điểm tính cách, nhu cầu, khả năng của trẻ thường gây mệt mỏi cho cả cha mẹ và con cái. Khi được gia đình tôn trọng những cá tính riêng và không quá coi trọng thành tích đạt được, trẻ sẽ tự tin hơn và dễ thành công hơn.

Tiến sĩ Sng Khai Imm - nhà tâm lý học lâm sàng và Giám đốc Hope For Tomorrow Psychology Centre (Singapore) - cũng nhấn mạnh: “Không ai hoàn hảo và không ai cần phải hoàn hảo. Mỗi người chỉ có thể là chính mình và chúng ta phải chấp nhận mỗi cá nhân như những gì họ vốn có”.

Theo phụ nữ TPHCM