Là cha mẹ, bạn cần vạch ra ranh giới giữa “có thể” và “không thể” cho con mình ngay từ khi còn nhỏ. Điều này giúp con hình thành nên một lối tư duy và hành vi đúng đắn khi trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ dù có yêu thương con cái đến đâu cũng không nên bỏ qua 4 điều này.
1. Dối trá
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con cái càng lớn càng khó quản lý. Con trẻ thường không nghe lời và luôn nói dối về tình trạng hiện tại của chính mình. Cha mẹ cần hiểu rằng thói quen nói dối thường bắt đầu khi trẻ còn nhỏ. Và nếu thói xấu này không được sửa đổi kịp thời, con trẻ có thể mất đi lòng tin từ người khác. Nghiêm trọng hơn, nói dối có thể khiến con trở nên lệch lạc trong nhân cách và điều này cũng ảnh hưởng đến tinh thần chịu trách nhiệm trong tương lai. Và dối trá có thể hủy hoại tương lai tươi sáng của một đứa trẻ tử tế, mà điều này đều bắt đầu từ những lời nói dối của con trẻ.
Cha mẹ chính là những người thầy tốt nhất cho con cái. Trước tiên, bạn hãy là một tấm gương trung thực, đáng tin cậy để con có những ảnh hưởng tích cực từ cha mẹ chúng. Bên cạnh đó, hãy khuyến khích con nói sự thật dù đôi lúc sự thật có thể khiến người khác thất vọng. Và đừng quên học cách an ủi những lỗi sai của con để khuyến khích con dũng cảm thừa nhận lỗi lầm của mình và nói ra sự thật.
2. Quá hài lòng
Một số phụ huynh thường có thói quen dùng sự nuông chiều để thỏa mãn con cái. Bạn biết không, làm hài lòng trẻ một cách dễ dàng sẽ hình thành ở con một suy nghĩ dựa dẫm và thiếu tinh thần tự lập. Trong ấn tượng của đứa trẻ, chúng có thể “hô gió gọi mưa” và có được bất kì thứ gì mà bản thân mong muốn. Và khi những mong muốn chưa được đáp ứng, con trẻ thường có xu hướng oán trách và phàn nàn cha mẹ.
Vì vậy, cha mẹ tốt sẽ hiểu được nhu cầu trưởng thành của con cái, chú ý đến nhu cầu tinh thần bên trong của chúng, từ đó đồng hành cùng con cái lớn lên. Cha mẹ không được nuông chiều con cái thái quá và cần đưa ra lý do cho sự từ chối phù hợp để hướng dẫn trẻ đến những lựa chọn khả thi khác. Hãy cho con biết rằng đâu mới thật sự là điều con trẻ “cần”, chứ không đơn giản chỉ là thỏa mãn những mong muốn nhất thời.
3. Không quý trọng thời gian
Con trẻ thường chưa có đủ nhận thức về tầm quan trọng của thời gian. Vì vậy, các con thường gặp rắc rối trong việc đi học muộn hay trì trệ bài tập về nhà. Thói quen trì hoãn này có thể khiến các con gặp nhiều trở ngại trong học tập và công việc sau này.
Vì sao khái niệm thời gian của trẻ em rất mơ hồ? Đó là do con vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của thời gian trong việc hoàn thành tốt một thành quả. Tuy nhiên, những thói quen tốt có thể được trau dồi và rèn luyện từ khi còn nhỏ. Vì vậy, việc nuôi dưỡng ý thức tốt về tầm quan trọng của thời gian ở những đứa trẻ là điều vô cùng cần thiết. Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn con một thói quen học tập, nghỉ ngơi hợp lý. Và đừng quên cùng con lập ra một thời gian biểu hợp lý để trẻ có thể hoàn thành các công việc theo thời gian quy định nhằm tránh sự trì hoàn của con.
4. Không bao giờ làm việc nhà
Trong cuộc sống, hầu hết các bậc cha mẹ ít khi để con cái tham gia vào công việc nhà. Bởi vì hầu như chúng ta đều rơi vào một sự bảo bọc và nuông chiều con cái thái quá. Vì vậy, các cha mẹ thường không nỡ để chúng “động tay” đến những công việc nhà nội trợ. Hoặc một số gia đình vẫn còn những quan điểm cho rằng: công việc nhà chỉ dành cho con gái và họ thường không để con trai dấn thân vào những công việc nội trợ. Nhưng với thời đại ngày nay, chúng ta cần những yếu tố để trở nên đa nhiệm trong cuộc sống. Và công việc nhà chính là một trong những kỹ năng sống quan trọng mà bất kỳ giới tính nào cũng cần thông thạo. Bên cạnh đó, làm việc nhà có thể khiến trẻ tự tin, sống có trách nhiệm hơn và luôn tự chủ với cuộc sống của mình trong tương lai. Vì vậy, là các bậc cha mẹ, dù yêu thương con cái đến đâu cũng không thể ngăn cản con thực hiện những công việc nhà, được xem là những kỹ năng sống quan trọng giúp đỡ con trên đường đời về sau.
***
Hãy luôn kiên nhẫn trong việc giáo dục một đứa trẻ. Con đường phía trước vẫn còn rất dài, cha mẹ không thể đồng hành cùng con suốt cuộc đời. Cha mẹ tốt hãy là người dạy con cách câu cá, chứ không phải là người luôn sẵn sàng đáp ứng mọi mong muốn và nhu cầu của con. Cuộc sống cũng giống như việc thưởng thức một tách trà, khi bạn chịu đựng được hương vị đắng chát, bạn mới thực sự cảm nhận được những giá trị thật sự, đằng sau dư vị của nó. Cuối cùng, dù cha mẹ có yêu thương con cái đến mấy, hãy có lúc “buông tay” và “tàn nhẫn” hơn với con vì một tương lai tươi sáng của chúng.
Theo Nữ doanh nhân