Ảnh hưởng từ cha có thể thay đổi cuộc sống của một đứa trẻ. Ảnh minh họa
Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy: Những đứa trẻ có cha tham gia nhiều vào các hoạt động đa dạng - chẳng hạn như cùng ăn, cùng giải bài tập ở trường hoặc chơi đùa - ít có nguy cơ phát triển vấn đề về hành vi.
Tương tự, theo ấn bản Journal of Marriage and Family, những trẻ vị thành niên gần gũi với cha cũng ít nguy cơ phạm pháp hoặc gặp rắc rối về tâm lý.
Từ góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng khi nam giới đối xử với những người phụ nữ trong gia đình anh ấy một cách bình đẳng, tôn trọng các nhu cầu, tình cảm, trí tuệ, và năng lực của họ, thì con trai anh ta lúc lớn lên cũng có nhiều khả năng làm điều tương tự. Đây là điều mà tôi từng phải học trong cuộc sống của mình.
Thời còn trẻ, tôi thường ít kiềm chế và khá bất cẩn trong lời nói. Đã có lúc tôi dùng những lời lẽ không hay với vợ ngay trên bàn ăn, và mất một thời gian dài để nhận ra tác động xấu mà hành vi này gây ra cho các con tôi.
Khi hiểu điều này có hại như thế nào, tôi ý thức hơn về những từ ngữ giọng điệu mà tôi đã sử dụng và quyết tâm không hạ thấp vợ, ngay cả khi đùa cợt.
Học cách giải tỏa bất đồng thay vì gây áp lực
Tôi từng tự hỏi tại sao các cuộc hôn nhân trong phim luôn có vẻ hoàn hảo, còn trong tôi chứa đầy những xung đột mà tôi chưa sẵn sàng để giải quyết. Phải mất hơn một thập kỷ hôn nhân, tôi mới có thể xử lý những bất đồng trong gia đình và sau nhiều sóng gió, chúng tôi càng đánh giá cao nhau hơn. Những gì tưởng chừng là vết cắt chia rẽ đôi lứa lại kéo chúng tôi gần lại, như một cặp vợ chồng.
Khi giải quyết những khác biệt này, tôi và vợ chọn đi đến một vài quy tắc đơn giản: Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để không tranh cãi trước mặt bọn trẻ. Và nếu tôi mất bình tĩnh khi xảy ra mâu thuẫn, tôi sẽ cố gắng hết sức để xin lỗi trước và tìm cách hòa giải.
Khi làm như vậy, tôi ưu tiên sự hài hòa trong ngôi nhà của mình và thường nói với các con rằng, tầm quan trọng của việc duy trì các mối quan hệ tốt đẹp phụ thuộc vào mức độ mỗi người phải nỗ lực vì chúng.
Mặc dù các con tôi còn nhỏ, nhưng khi quan sát vợ chồng tôi, chúng có thể nhìn nhận những mối quan hệ bền chặt sẽ như thế nào, và thấy rằng dù cha mẹ chúng không hoàn hảo, cả hai luôn hướng đến sự tôn trọng lẫn nhau.
Ngoài ra tôi cũng có một nhóm bạn “quân sư”, chuyên đưa ra lời khuyên, hướng dẫn tôi cách yêu thương và tôn trọng vợ trong mọi hoàn cảnh bằng những chia sẻ chân thành từ kinh nghiệm của họ.
Nếu muốn con chia sẻ, bạn cần phải cho chúng cơ hội thể hiện bản thân và niềm tin rằng chúng được yêu thương. Ảnh minh họa.
Phụ nữ không phải là tài sản
Trong các vụ bạo lực đối với phụ nữ và tội phạm tình dục bị xét xử, dường như có một mẫu số chung khi thủ phạm xem phụ nữ như tài sản của riêng mình, và sử dụng bạo lực khi mọi thứ không suôn sẻ trong mối quan hệ giữa hai người.
Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, tính chiếm hữu, “vật thể hóa” hình ảnh người phụ nữ là mầm mống cho cách đối xử không tốt đối với phụ nữ. Nó thường ở dạng bình phẩm hoặc nói đùa về ngoại hình, bộ phận cơ thể của họ. Tuy trông có vẻ vô hại, thậm chí là tầm phào, nhưng đấy chính là một cách thể hiện thiếu tôn trọng phụ nữ. Chúng ta phải có ý thức tránh kiểu nói như vậy với tư cách là nam giới.
Phái mạnh cũng phải thoát khỏi thói quen “vật thể hóa” người khác giới hay buộc mỗi bên đảm nhận những vai trò cụ thể về giới. Khi nói đến ba đứa con của mình, tôi và vợ tâm niệm rằng cả hai sẽ không bao giờ bàn đến những đặc điểm ngoại hình của chúng, mà chỉ nhấn mạnh đến những phẩm chất đáng được khen ngợi.
Tôi sẽ khen ngợi con vì chúng biết yêu thương mọi sinh vật, con người xung quanh, luôn vui vẻ, tốt bụng, dịu dàng, chung thủy, kiên nhẫn và có khả năng tự chủ. Trong nhà, chúng tôi có một biểu đồ để theo dõi những hành vi như vậy và chúng tôi sẽ thưởng cho con mình bằng những niềm vui thích hợp.
Ảnh minh họa
Những người cha cũng cần một cộng đồng riêng
Hiểu những vấn đề trên không phải là chuyện dễ, đặc biệt trong truyền thống của một nước Á Đông; cũng giống như mọi bài học khác, nam giới cần nguồn tư liệu, hình mẫu, sự ủng hộ và động viên. Nếu cảm thấy khó nói chuyện với con cái về các mối quan hệ trong gia đình, vậy liệu bạn có đủ dũng cảm chia sẻ quan điểm của mình về tình dục và các mối quan hệ khác bên ngoài nếu một ngày con bạn đặt câu hỏi?
Điều này đặc biệt khó khăn khi cách chúng ta được nuôi dạy khác với thế giới mà con cái chúng ta đang sống. Khi con cái trở về nhà với vấn đề rắc rối của chúng, người cha có thể tạo nên một không khí an toàn và thuận lợi, để khơi gợi các cuộc trò chuyện thẳng thắn. Nếu con cái của chúng ta cảm thấy được yêu thương và chấp nhận vô điều kiện, chúng có thể nói về những rắc rối như vậy một cách cởi mở hơn.
Chúng ta không thể che chắn con cái khỏi tất cả những nỗi đau, nhưng chúng ta chắc chắn có thể xây dựng cho chúng ý chí kiên cường, bằng cách để con hiểu bản thân mình là ai, làm chủ cảm xúc và nhận ra chúng được yêu thương như thế nào trong gia đình.
Ngoài việc thể hiện tình yêu thương, khả năng đồng cảm và cách khẳng định giá trị bản thân, các ông bố còn có thể tham gia vào những khóa huấn luyện về cảm xúc để làm mẫu cách vượt qua nghịch cảnh.
Ở Singapore, có một số nền tảng giúp các ông bố có những kỹ năng như vậy, như Trung tâm Fathering (CFF) hoặc phong trào Những ông bố vì cuộc sống quốc gia. Qua đó, các ông bố được trang bị để ảnh hưởng tích cực đến con cái bằng cách tham gia vào cuộc sống của chúng, cho chúng thấy tình yêu thương, nhận thức được cảm giác và suy nghĩ của chúng, và nuôi dưỡng chúng thông qua sự tin tưởng và khuyến khích.
Những cậu bé rồi sẽ lớn lên và có lựa chọn của riêng chúng, điều bạn có thể làm là chuẩn bị cho con mình một nhân cách tốt và niềm tin vào bản thân.
Khi bạn chứng tỏ rằng bạn coi trọng vai trò làm cha, bạn sẽ là hình mẫu vững chắc cho các cậu bé của mình - những người sau này cũng sẽ trở thành bạn trai, người chồng, người cha. Và có lẽ, chúng ta sẽ có ít câu chuyện về một cô gái trẻ bị bạo hành, hoặc một chàng trai trẻ nổi loạn, mất phương hướng trong cuộc sống.
Theo phunuonline