Xoay quanh câu chuyện công dân toàn cầu, PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện cùng tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu (người từng vào top 100 sinh viên xuất sắc thế giới), CEO Tổ chức Giáo dục IEG Global.

Làm gì để trở thành công dân toàn cầu ?: Những năng lực cần có - Ảnh 1.

Tiến sĩ Hiếu đạt thủ khoa MBA ĐH Oxford (Anh)

Tư duy cởi mở, tầm nhìn sâu sắc

Thưa anh, có rất nhiều định nghĩa về công dân toàn cầu. Với anh định nghĩa ấy như thế nào?

Theo tôi, công dân toàn cầu là người hiểu biết, quan tâm, nắm bắt được các vấn đề và góc nhìn toàn cầu. Bên cạnh đó, trong môi trường toàn cầu đa văn hóa, đa chủng tộc, công dân toàn cầu cần lắng nghe, phân tích và tương tác với những luồng quan điểm, tư tưởng đa chiều. Ngoài ra, công dân toàn cầu cần có tư duy, năng lực tiếp nhận tri thức không chỉ gói gọn cục bộ địa phương trong một phạm vi địa lý mà phải mở rộng hơn trong bối cảnh toàn cầu.

Có những người cho rằng ngoại ngữ lưu loát hay làm việc ở công ty đa quốc gia là đã trở thành công dân toàn cầu. Theo anh quan điểm này liệu có đúng?

Thật ra ngoại ngữ chỉ là công cụ hữu ích để tìm hiểu về tri thức trên thế giới. Còn làm việc ở các công ty, tập đoàn đa quốc gia là môi trường tốt và thuận lợi để có thể phát triển các năng lực của một công dân toàn cầu.

Tuy nhiên, sở hữu môi trường tốt và công cụ hữu ích không đồng nghĩa với việc nghiễm nhiên trở thành công dân toàn cầu. Quan trọng là người trẻ ý thức và hành động như thế nào để tận dụng công cụ, môi trường đó để xây dựng năng lực và tư duy toàn cầu.

Vậy theo anh, người trẻ cần chuẩn bị những năng lực nào để trở thành công dân toàn cầu?

Đó là năng lực nghiên cứu về những kiến thức, vấn đề, chủ đề mang tính chất toàn cầu. Chẳng hạn như: văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, kinh tế… ở những nước khác, chứ đừng gói gọn suy nghĩ loanh quanh những vấn đề trong cuộc sống cá nhân, địa phương đang sống.

Khi đã có nền tảng kiến thức sâu rộng, hiểu biết nhiều về các vấn đề trên thế giới, các bạn sẽ dễ dàng trao đổi, chia sẻ, làm việc và phối hợp với những người đến từ các quốc gia và nền văn hóa khác.

Và khi đặt trong bối cảnh toàn cầu thì sự đa dạng và độ lệch về quan điểm, góc nhìn, tư tưởng ở mọi vấn đề là rất lớn. Vậy nên, các bạn cần có tư duy cởi mở, tầm nhìn sâu sắc cũng như trau dồi năng lực tiếp nhận, thích ứng, trân trọng và tận dụng sự đa dạng của các ý kiến trái chiều.

Tất nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ, công nghệ. Đó là những năng lực cần thiết để giúp người trẻ dễ dàng đi nhanh hơn trong việc bắt đầu hành trình trở thành công dân toàn cầu.

Hành trình trở thành công dân toàn cầu liệu có mất nhiều thời gian?

Theo tôi, hành trình này mất rất nhiều thời gian. Giống như cách thích nghi của một người ở vùng này tới vùng khác để học tập và sinh sống. Thế nên, việc công dân toàn cầu sống trong môi trường đa văn hóa cần rất nhiều thời gian, và có thể là chặng đường dường như không bao giờ đến đích. Bởi đó là quá trình mà chúng ta luôn luôn phải dịch chuyển, thích ứng, thay đổi theo guồng quay của thế giới. Hành trình ấy liên tục tiếp diễn nên chẳng ai về đích cả.

Làm gì để trở thành công dân toàn cầu ?: Những năng lực cần có - Ảnh 2.

Trở thành công dân toàn cầu sẽ dễ dàng trao đổi, chia sẻ, làm việc và phối hợp với những người đến từ các quốc gia và nền văn hóa khác

NVCC

Đừng quên bản sắc VN

Thưa anh, tại sao người trẻ ngày nay cần hướng đến việc trở thành công dân toàn cầu?

Chúng ta không thể cưỡng lại dòng chảy của xã hội, thế giới ngày càng phẳng và đa văn hóa. Các nền văn hóa ngày càng giao thoa với nhau. Các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển. Và cả vì sự tiện lợi của việc đi lại, di chuyển giữa các nước… Từ đó ngày càng có nhiều cơ hội để người trẻ được học tập, làm việc, hợp tác, trao đổi, giao tiếp với bạn bè quốc tế.

Nếu không hướng đến việc trở thành công dân toàn cầu thì có thể các bạn trẻ sẽ bỏ lỡ cơ hội hòa vào dòng chảy của thế giới, vô tình không tận dụng được các nguồn lực để làm đòn bẩy phát triển bản thân. Nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia thì có thể bạn sẽ tự khiến bản thân chỉ như là một ốc đảo.

Quan trọng là bạn sẽ chọn tư duy cục bộ để đứng yên một chỗ hay là tư duy muốn trở thành công dân toàn cầu để mở rộng cơ hội cho bản thân. Hiển nhiên đó là lựa chọn của mỗi người muốn được thử thách bản thân đến mức độ nào.

Cuộc sống ngày nay có nhiều cơ hội. Có nắm bắt hay không là tùy mỗi người. Nhưng muốn nắm bắt và không ngừng mở rộng cơ hội "ra biển lớn" thì người trẻ cần có những năng lực và tư duy của công dân toàn cầu như đã phân tích ở trên.

Anh có chia sẻ gì với những người trẻ đã và đang hướng đến hình ảnh công dân toàn cầu?

Thật mừng là gen Z và gen Alpha ngày nay rất năng động. Các bạn ấy có kỹ năng mềm rất tốt, có thể tự chủ động đi tìm tri thức và kết nối, giao lưu quốc tế, chứ không như các thế hệ trước bị rào cản về mặt ngôn ngữ cũng như khác biệt về văn hóa. Trong thời kỳ mở như ngày nay, gen Z và gen Alpha có cả điều kiện môi trường lẫn điều kiện năng lực để trở thành công dân toàn cầu.

Vấn đề cốt lõi là ở bản thân mỗi người. Nếu tự ý thức và hướng đến tương lai tốt đẹp, xán lạn cho bản thân ở "nơi biển lớn" thì cần nỗ lực phấn đấu để trở thành công dân toàn cầu.

Tôi suy nghĩ rằng dù bạn có thể là công dân toàn cầu nhưng hãy xem bản thân vẫn là một người VN. Hãy là một người VN trong bối cảnh toàn cầu, chứ không phải khi trở thành công dân toàn cầu là quên đibản sắc VN.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu từng là cựu sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004 theo kết quả của Hội đồng khảo thí A-level. Anh cũng lọt vào "top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006" do Viện Giáo dục quốc tế IIE bình chọn. Anh tốt nghiệp thủ khoa ĐH Kinh tế và chính trị London LSE (Anh), lấy bằng tiến sĩ từ ĐH Stanford (Mỹ), từng đạt thủ khoa MBA ĐH Oxford (Anh) và đang theo học thạc sĩ triết học và giáo dục tại ĐH Columbia (Mỹ).

Theo Thanh niên