Bố mẹ cần giao việc phù hợp với độ tuổi của trẻ. (Ảnh minh họa)
Rất nhiều bậc cha mẹ thắc mắc có nên giao việc nhà cho trẻ hay không, hay chỉ để con lo ăn, lo học cho thật tốt? Tranh luận về vấn đề này luôn nóng bởi có nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Không cho con làm việc nhà là "hỏng"!
Chuẩn bị bước vào lớp 5, tuy nhiên, con trai của phụ huynh Nhật Thủy (Hoài Đức, Hà Nội) chưa phải "đụng tay đụng chân" vào bất cứ công việc nào trong nhà.
Chị Thủy chia sẻ: "Bọn trẻ, ăn chưa no, lo chưa tới. Chưa kể, lịch trình hàng ngày của bọn trẻ bận rộn chẳng khác gì người lớn, từ học trên lớp, học thêm, học năng khiếu, rồi tập thể thao… Thấy con vất vả như vậy, tôi thường làm hết việc nhà để con có thể chuyên tâm học hành".
Có thể thấy, tâm lý "làm cố phần con" không phải là trường hợp hiếm gặp, nhất là trong cuộc sống hiện đại, những người làm cha, làm mẹ luôn muốn bù đắp cho con. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh, mặc dù muốn giao cho con cái việc nhà, nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải dọn "bãi chiến trường" do trẻ bày ra, thì lại tặc lưỡi "thôi, để mẹ tự làm cho nhanh".
Tuy nhiên, những suy nghĩ này của cha mẹ đã vô tình cướp đi của con trẻ nhiều điều thú vị mà chỉ khi con tự làm, tự lao động thì mới cảm nhận được. Điều này cũng khiến trẻ trở nên lười biếng, ỷ lại và dựa dẫm vào người khác.
Phụ huynh Ngọc Diệp than thở: "Con nhà tôi chỉ có một ưu điểm duy nhất là học giỏi. Học lớp 12 rồi nhưng ngoài sách vở ra, không biết làm một việc gì. Mẹ nhờ rửa chén thì kêu mệt, nấu ăn thì càng không. Thậm chí, cái bật lửa con còn không biết cách bật".
Trước đây, ngày con gái còn nhỏ, chị Ngọc Diệp chỉ yêu cầu con một việc duy nhất là… học giỏi, còn những công việc khác trong nhà đều có bà và bố mẹ lo. Bây giờ nhìn lại cô con gái "học giỏi, nhưng vừa lười vừa đoảng" của mình, chị Diệp chỉ biết trách mình đã nuông chiều con quá mức.
Đồng cảm với chị Ngọc Diệp, phụ huynh Thùy Trang (Hải Phòng) cũng chia sẻ câu chuyện "dở khóc, dở cười" xoay quanh cô con gái út của mình.
"Do sống với ông bà ngoại từ nhỏ nên con gái tôi được cưng chiều hết mực, không phải làm bất cứ việc gì trong nhà. Năm ngoái, con bé vào đại học. Cơm ăn ngày 3 bữa ở ngoài tiệm, quần áo cũng mang ra quán giặt là. Tôi có gọi điện lên nhắc nhở, nhưng chỉ được vài ngày thì đâu lại vào đấy. Cơ bản con sướng quen rồi, lại thêm tính lười biếng, không muốn đụng đến việc nhà" - chị Trang chia sẻ.
Giúp con tự lập khi làm việc nhà
Nêu quan điểm về việc có nên để con cái làm việc nhà sớm, phụ huynh Nguyễn Bích Luân (Hải Phòng) cho rằng, không phải bố mẹ cứ tranh làm hết mọi việc nhà để con có thời gian học bài mới là tốt.
"Tôi thấy nhiều gia đình cứ nghĩ bằng mọi cách để con dành hết thời gian cho việc học hành, mong sau này ra trường kiếm được công việc tốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, những người con đó trưởng thành, lập gia đình, ra ngoài nhanh nhẹn tháo vát nhưng về nhà chẳng nấu nổi bữa cơm.
Tạo điều kiện cho con cái học tập là điều nên làm, nhưng song song với đó, cha mẹ cũng nên dành những khoảng trống để dạy con làm việc nhà. Có như vậy, con cái mới trở nên tự lập".
Phụ huynh Nguyễn Bích Luân quan niệm, gia đình là tập thể, do đó, mọi việc trong nhà cần sự sẻ chia của mọi người, từ vợ chồng cho đến con cái.
Theo chị Luân, nên hướng dẫn các bé làm việc nhà từ sớm để hình thành thói quen cho trẻ.
"Lúc con hơn hai tuổi, tôi đã yêu cầu con tự xếp đồ chơi vào vị trí cũ sau khi chơi xong. Lúc bốn tuổi, con bắt đầu ngồi cạnh xem mẹ nấu cơm, thi thoảng còn nhặt rau giúp mẹ.
Hiện tại, bé đã học lớp 1 - người bằng cái kẹo thôi mà cũng biết giúp mẹ nhiều việc trong nhà, từ dọn bàn học đến phơi đồ, quét nhà, trông em" - chị Luân chia sẻ.
Đồng quan điểm, phụ huynh Trần Văn Nam (Thái Bình) cho rằng, giao việc nhà cho trẻ là điều nên làm. Theo anh Nam, những việc nhỏ như quét nhà, quét sân… cũng sẽ dạy trẻ bài học về sự quan sát hay tính kiên nhẫn. Trẻ cũng rất hài lòng sau khi quan sát căn nhà sạch sẽ do chính mình dọn dẹp.
Dạy trẻ làm việc nhà: Hãy chấp nhận sự sai sót
Phụ huynh Đoàn Thu Nga cũng chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình: "Vợ chồng tôi không cùng quan điểm trong cách dạy con. Chồng tôi thì không bao giờ dạy con gái làm việc nhà, và thường bao biện rằng con còn nhỏ, con hậu đậu, hay để thời gian cho con học bài.
Ngược lại, tôi thường dạy con phải phụ giúp gia đình những công việc vừa sức".
Theo chị Nga, lợi ích lớn nhất khi cho con làm việc nhà là giúp con cảm nhận được giá trị của lao động. Chính nhờ làm công việc nhà, con sẽ có cơ hội được rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản và cảm thấy tự tin hơn.
Vị phụ huynh này chia sẻ: "Dạy trẻ làm việc nhà, cha mẹ cần nhất là sự kiên nhẫn. Tuy bé rửa bát chưa sạch, có hôm còn làm vỡ; nấu cơm thì hôm nhão, hôm khô… nhưng tôi thấy chẳng sao cả, làm dần ắt sẽ quen.
Để tạo động lực cho con, tôi không bắt con làm việc nhà liên tục mà xen kẽ các ngày trong tuần. Khi con hoàn thành nhiệm vụ, tôi cũng luôn dành lời khen, và đôi khi là những phần thưởng nho nhỏ như: đi công viên, đi bơi, mua đồ chơi mà con thích…".
Với vai trò là một nhà giáo, cô Trần Thị Thùy cho rằng, việc rèn luyện tính tự lập, tự giác, cách thích nghi và hòa nhập cho trẻ có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống trưởng thành sau này. Trong đó, làm việc nhà là một trong những kỹ năng sống cơ bản cần được cha mẹ chú ý sớm.
Theo giáo viên này, ở mỗi độ tuổi, cha mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ làm những công việc phù hợp. Ở giai đoạn từ 2-3 tuổi, trẻ nên được giao những việc đơn giản như nhặt đồ chơi, bỏ quần áo vào sọt…
Khi đi học, trách nhiệm tăng lên, phụ huynh nên dạy trẻ dọn dẹp bàn học, phòng cá nhân, tưới nước cho cây. Lớn lên một chút, trẻ có thể học giặt giũ hay nấu những món đơn giản. Những kỹ năng sống này sẽ rất quan trọng sau khi học trung học để thanh thiếu niên có thể sống tự lập.
"Tranh thủ thời gian trẻ nghỉ hè, nghỉ dịch, cha mẹ hãy dành thời gian hướng dẫn con làm việc nhà. Khi con làm, bố mẹ đừng quá trông chờ vào sự hoàn hảo, hãy chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra do con chưa quen việc, chẳng hạn như gây ra những hư hỏng ngoài ý muốn" - cô Thùy nhắn nhủ.
Theo dantri