Khi con tôi vào lớp 2, cu cậu bắt đầu làm quen dần với những bài tập làm văn ngô nghê. Dĩ nhiên đó là những bài viết trong tập nháp trước khi được cô giáo sửa, hướng dẫn con viết theo mẫu.

Thời gian này, lớp con đang tích cực ôn luyện những mẫu đề tập làm văn để thi cuối học kỳ 2. Cụm đề mẫu xoay quanh các nội dung tả về người thân trong gia đình mà em yêu quý: tả mẹ, tả ba, tả anh, chị, em…

Một bài văn đạt yêu cầu là khi thỏa mãn những gợi ý được giáo viên đính kèm: giới thiệu tên người thân, đặc điểm, tính cách, thói quen, tình cảm của người thân đó với em, tình cảm của em đối với người đó…

leftcenterrightdel
 Bài văn tả mẹ là bài văn mà mọi đứa trẻ đều thích viết nhất. Ảnh: internet

Khi con trai đọc to bài văn tả mẹ, tôi thở phào nhẹ nhõm. May quá, con đã không viết “nhà em có nuôi một bà mẹ…” như lời “sấm truyền” mà bấy nay rần rần cõi mạng. Nhưng quả thật, ngồi “nghiệm thu” bài viết, bà mẹ là tôi một phen đổ mồ hôi hột. Con nói: “Cô giáo dặn phải ghi chính xác tuổi, số đo chiều cao, cân nặng”. Vậy là, dù bấy lâu tôi giấu nhẹm chiều cao khiêm tốn của mình đi, nhưng trong bài văn của con, thông số mét rưỡi bẻ đôi vẫn... hiện hình! Đã vậy, cu cậu còn kéo mẹ ra trước sân, có ánh sáng rõ để kiểm tra xem mẹ da trắng hay da ngăm.

Cao trào nhất là phần kết bài với nhận xét khiến mẹ muốn… xỉu. “Bình thường mẹ em rất hiền, vui tính, cũng có lúc mẹ em rất là dữ, dữ như bà phù thủy. Nhưng em vẫn yêu quý mẹ nhất. Dù mẹ có như phù thủy, em vẫn thấy mẹ đẹp nhất nhà”.

Mặc dù câu chữ, ý tứ của bài văn rất là “ẹ”, nhưng con khoe cô giáo khen con vì tính hồn nhiên, thật thà. Nghe vậy, mẹ mừng thầm. Chỉ sợ lên lớp cô bắt con phải sửa bài răm rắp theo một bài văn mẫu có bà mẹ long lanh nào đó, con sẽ hụt hẫng.

Ngày thi cuối năm đã cận kề. Hôm qua, con kể: “Mẹ biết không, chắc kỳ này bạn Lập thi không được. Thi rớt là ở lại lớp á mẹ!”.

Con kể rằng bạn Lập học yếu. Cậu bé ấy đang lo nếu thi trúng đề tả mẹ thì sẽ không làm được. Hỏi kỹ con tôi mới biết, cậu bé Lập sống với ba, ba mẹ Lập đã chia tay. Mẹ bé có gia đình mới, không rõ vì lý do gì mà về thăm con lần nào.

Ba Lập là thợ hồ, đi theo công trình quanh năm suốt tháng, cậu bé ở nhà với ông bà đã lớn tuổi trong dãy trọ chật hẹp. Có lẽ do ít được quan tâm, bé lại thường xuyên tiếp xúc những đứa trẻ lêu lổng trong khu trọ nên tính cách có phần ngổ ngáo, hay bắt nạt bạn bè. Trong lớp Lập không có một người bạn thân nào.

Tôi bất ngờ trước câu chuyện của Lập nên mạo muội trao đổi với giáo viên. Cô nói đã kèm Lập hết sức, nhưng bé không có tinh thần để học, còn ba Lập thì không quan tâm đến con. Dù vậy, cô luôn  vận động, nhắc nhở ông chú ý đến việc học của Lập nhiều hơn. Cô còn cho biết con học lớp 2 rồi mà chưa lần nào ba Lập dự một buổi họp phụ huynh. Cô giáo nói "còn nước còn tát", cô cũng ráng hết sức.

leftcenterrightdel
 Đừng để con trẻ khuyết đi bóng dáng và tình thương của mẹ (ảnh minh họa)


Mỗi ngày giúp con trai ôn luyện để chuẩn bị thi, cứ nghĩ đến đề bài tả mẹ, tôi lại chạnh buồn. Cái đề đó, với con trai của tôi và các bạn khác ai cũng có thể làm được. Nhưng với Lập, một cậu bé hoàn toàn thiếu vắng tình thương và sự quan tâm chăm sóc của mẹ, làm sao con có thể tả về mẹ một cách chân thật, trơn tru. Hoặc dù có làm được bài văn tả mẹ, cảm xúc của cậu bé sẽ là một thứ cảm xúc vay mượn, “cảm xúc theo mẫu” trong các bài tham khảo mà cô buộc phải cho cậu học thuộc lòng. Điều đó đáng buồn biết bao!

Quanh ta không ít những đứa trẻ kém may mắn như Lập. Ba mẹ còn đó nhưng dường như tàng hình trong mắt con. Biết rằng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng mong sao những gút mắc của người lớn, dù có phức tạp đến mấy, nếu đôi bên đều nghĩ đến con trẻ thì sẽ có cách tháo gỡ.

Theo phụ nữ TPHCM