Tiền bạc là phương tiện chứ không nên là mục tiêu tối hậu - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Để trả lời những câu hỏi này, phó giáo sư tâm lý học Lora Park và các đồng sự tại Đại học Buffalo (Mỹ) tiến hành nghiên cứu trên hơn 2.500 người.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, những người để giá trị bản thân dựa trên tiền bạc tin rằng họ càng dành nhiều thời gian để làm việc, họ càng có nhiều khả năng đạt được thành công về tài chính. Tuy nhiên, nhược điểm là khi giá trị bản thân gắn liền với tiền bạc, họ dành ít thời gian hơn cho gia đình và bạn bè, điều này có liên quan đến việc cảm thấy cô đơn và mất kết nối với người khác”, Lora Park chia sẻ trên Inverse.
Thực chất, không phải việc mong muốn đạt được thành công tài chính hay theo đuổi tiền bạc là vấn đề. Vấn đề là khi một người có giá trị bản thân gắn liền với những điều này. Vậy làm thế nào để mọi người vẫn duy trì mối quan hệ lành mạnh để hạnh phúc trong khi theo đuổi các mục tiêu tài chính?
Hãy suy nghĩ về lý do tại sao ta muốn đạt được thành công về tài chính. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng những gì ta đang theo đuổi sẽ khiến ta hạnh phúc hơn, nhưng thực tế, nghiên cứu cho thấy tiền không mua được hạnh phúc. Vì vậy, thay vì cho theo đuổi tiền bạc là mục tiêu cuối cùng, hãy nghĩ đến những cách để thỏa mãn nhu cầu tâm lý cơ bản về năng lực (cảm giác làm chủ), tự chủ (cảm giác có sự lựa chọn và quyền sở hữu đối với cuộc sống của bản thân) và mối quan hệ (gần gũi, quan tâm lẫn nhau với người khác ) - và dành thời gian trực tiếp thúc đẩy những nhu cầu đó.
Đối với các cá nhân mải miết kiếm tiền, Park khuyên họ nên ấn định thời gian hằng ngày hoặc hằng tuần tập trung vào việc củng cố mối quan hệ của họ với những người khác. Việc này có lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất của tất cả mọi người.
Trường hợp áp lực phải thành công hoặc kiếm được nhiều tiền hơn không phải đến từ bên trong mà từ những người khác, chẳng hạn như vợ/chồng hoặc cha mẹ - động lực bên ngoài - thì có thể thay đổi động lực. Hãy chuyển hướng nghĩ, biến mục tiêu tài chính thành một phần quan trọng trong hệ thống giá trị hoặc niềm tin của bản thân. Ví dụ, ta có thể nói rằng an ninh tài chính là một mục tiêu quan trọng bởi vì ta muốn chu cấp cho bản thân và gia đình. Khi chấp nhận mục tiêu mà ta cảm thấy là của riêng ta, thay vì cảm giác bị những người xung quanh ra lệnh, ta sẽ cảm thấy tự do, ít bị kiểm soát và áp lực hơn để đạt được nó.
Tóm lại, muốn vừa tập trung kiếm tiền vừa có cuộc sống hạnh phúc, hãy theo quan điểm của Lora Park và nhóm nghiên cứu được Inverse dẫn lại: “Thiết lập những mục tiêu liên quan đến quyền làm chủ, tự chủ và liên kết sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu tâm lý và dẫn đến hạnh phúc và sức khỏe tâm lý tốt hơn là cố gắng nâng cao lòng tự trọng của mình bằng cách theo đuổi thành công tài chính”.
Những phát hiện của nhóm nghiên cứu được công bố trên tạp chí Personality and Social Psychology Bulletin (Mỹ).
Theo thanhnien