leftcenterrightdel
Lớp học trở thành nơi trú ẩn của người dân Lebanon. 

Hơn 1,2 nghìn trường công lập trở thành nơi trú ẩn tạm thời của học sinh và gia đình.

Lebanon đã hoãn khai giảng năm học 2024 - 2025 sau khi xung đột tại nước này trở nên nghiêm trọng từ cuối tháng 9. Theo số liệu từ chính phủ, cuộc khủng hoảng đã khiến hơn 1,1 nghìn người chết và hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Khi năm học bắt đầu, Ali al-Akbar, 14 tuổi, sống tại vùng ngoại ô phía Nam Beirut, đến trường nhưng không phải để học mà để trú ẩn tạm thời khỏi các cuộc không kích của Israel. Chị Batoul Arouni, mẹ của Ali, bày tỏ: “Không người mẹ nào muốn con mình nghỉ học nhưng giờ đây tôi chỉ muốn giữ con ở bên cạnh vì không nơi nào an toàn”.

Trong lớp học, ghế và bàn đã được dời đi để nhường chỗ cho đệm xốp, còn sách vở nhường chỗ cho đồ ăn và nước uống từ thiện. Những tiếng khóc của trẻ em vang lên trong không gian chật chội vì đói và sợ. Cảnh tượng này không chỉ diễn ra tại Beirut mà còn ở nhiều nơi khác trên khắp Lebanon.

Bà Jennifer Moorehead - đại diện tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), cảnh báo: “Hệ thống giáo dục của Lebanon khó có thể phục hồi trong năm nay. Phải mất nhiều năm nữa, Lebanon mới có thể bù đắp những năm học trắng này”.

Trước đó ở phía Nam Lebanon, năm học đã bị gián đoạn gần một năm do các cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn đã lan rộng ra toàn quốc, khiến tình hình giáo dục nước này trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Ông Abbas Halabi - Bộ trưởng Giáo dục, cho biết: “Chúng tôi đang tìm cách thích nghi với tình hình hiện tại. Ngành Giáo dục có thể kết hợp giữa học trực tiếp và học từ xa”.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết họ không đủ khả năng để mua điện thoại thông minh cho con cái và đảm bảo các thiết bị trên hoạt động ổn định trong khi mất điện liên tục.

Tình hình hiện tại ở Lebanon không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập mà còn tác động đến tâm lý và sự phát triển của trẻ em. Nỗi lo sợ về an toàn, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và sự gián đoạn liên tục trong việc học sẽ tạo ra một thế hệ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh.

Trong khi chính phủ và các tổ chức từ thiện đang nỗ lực giúp đỡ, bài toán thời gian đi học lại cho trẻ em Lebanon vẫn sẽ là một vấn đề nan giải.

Tình hình xung đột vũ trang căng thẳng khiến phụ huynh Lebanon quan ngại sâu sắc về việc cho các con đi học lại. Chị Salma Salman, mẹ của hai nữ sinh 7 tuổi, tâm sự: “Chúng tôi không thể yên tâm cho con đi học khi nguy hiểm đang rình rập. Chúng tôi đã ra đường nghe ngóng và lo lắng vì khung cảnh thật hỗn loạn”.

Theo giaoducthoidai