Liên hoan phim Cannes - Đẳng cấp qua những kiệt tác - Ảnh 1.

Sự lên ngôi của điện ảnh Đông Á năm 2018 với Cành cọ vàng cho phim Nhật Bản

Đó là Amour, The Tree of Life, I, Daniel Blake, Winter Sleep, Shoplifters, Parasite và tất nhiên, cả Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives và Blue Is The Warmest Colour.

Trong thập niên 2010-2020, Liên hoan phim (LHP) Cannes đã mang đến cho thế giới những Cành cọ vàng đích đáng. Những bộ phim khiến khán giả đau đớn, nghẹn đắng, thương xót, rùng mình, chua chát, đôi khi ghê tởm, rất nhiều cảm xúc. Nhưng đó cũng nhất quyết là những bộ phim không thể lãng quên.

10 năm: từ Uncle Boonmee đến Parasite

Sẽ hơi cuồng tín nếu nói Cành cọ vàng nào cũng đạt tầm kiệt tác. Nhưng LHP Cannes, chưa bao giờ ngừng khai phá và thừa nhận cái mới, vẫn uy tín và danh giá vì vinh danh những tác phẩm điện ảnh giá trị, không dễ lãng quên.

Ngày 23-5-2010, cách đây đúng 10 năm, đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul mặc bộ tuxedo trắng lên sân khấu nhận giải Cành cọ vàng đầu tiên của nền điện ảnh Thái. Tác phẩm chiến thắng là bộ phim tâm linh kỳ dị Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (tạm dịch: Người hồi tưởng tiền kiếp). Khi lên nhận giải, Weerasethakul nói lời cảm ơn "những bóng ma và linh hồn ở Thái Lan đã biến bộ phim này thành hiện thực".

Rời thế giới tâm linh Đông Nam Á, năm 2011, Cành cọ vàng đến với The Tree of Life (Cây đời) - bộ phim gây tranh cãi dữ dội của đạo diễn kỳ cựu Terrence Malick. The Tree of Life khiến một nửa khán giả la ó vì nghĩ phim nhàm chán, nửa còn lại bàng hoàng xúc động vì rung cảm sâu sắc, hình ảnh tuyệt đẹp và những tầng lớp triết lý đầy lắng đọng. Malick, nhà làm phim sống ẩn dật gần như suốt cuộc đời, đã không có mặt để tự tay nhận giải thưởng cao quý.

Liên hoan phim Cannes - Đẳng cấp qua những kiệt tác - Ảnh 2.

Chiến thắng của điện ảnh Thái Lan cách đây 10 năm

Năm kế tiếp, Amour của đạo diễn Michael Haneke lại khiến trái tim khán giả vụn vỡ. Một bộ phim với cặp vợ chồng già gần đất xa trời khiến người ta thốt lên "Thương quá!", nhưng đồng thời rùng mình vì "Tuổi già nghiệt ngã đến thế sao?". Một nỗi buồn dai dẳng, mòn mỏi, đôi lúc tê liệt và quặn đau dữ dội vào những phút cuối.

Còn hai năm gần đây nhất, 2018 và 2019, Cannes chứng kiến sự lên ngôi của Đông Á. Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt chiến thắng với hai bộ phim đều về sự phân hóa giàu nghèo: Shoplifters (Gia đình trộm vặt) và Parasite (Ký sinh trùng).

Shoplifters êm đềm, xúc động, có những phút giây ấm áp giữa cảnh cơ cực, nghèo nàn để rồi đọng lại là xót xa. Còn Parasite gây choáng váng bởi sự giễu nhại, chất vấn và ngờ vực tinh tế về đạo đức con người khi người ta sẵn sàng đoạt mạng kẻ cùng cảnh ngộ.

10 năm qua, cũng như hàng thập kỷ trước đó, Cannes vẫn miệt mài đưa những bộ phim và các nhà làm phim xuất sắc ra trước ánh hào quang. Đó là sự tôn vinh dành cho công sức khai phá, kiến giải xã hội và những nỗi niềm đương thời, mọi thời.

Niềm tin vào nghệ thuật điện ảnh

Điện ảnh là môn nghệ thuật thứ bảy, là tổng hòa của nhiều môn nghệ thuật khác, hay còn gọi là "nghệ thuật tổng thể" (theo nhà lý luận Ricciotto Canudo). Trong điện ảnh có cả kiến trúc, điêu khắc, hội họa, văn chương, âm nhạc, múa... Bởi vậy, đánh giá chất lượng nghệ thuật của điện ảnh là công việc vô cùng khó khăn.

Và ở Cannes, công chúng tìm được ánh sáng của niềm tin vào nghệ thuật điện ảnh, niềm tin ở những đánh giá chuẩn mực, uy tín. Nhà báo Kong Rithdee của Bangkok Post nhớ lại cảm giác khi chứng kiến Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives đoạt giải tại Cannes 10 năm trước: "Một nhà báo nước ngoài siết chặt vai tôi và chúc mừng vì anh hiểu rằng, bên cạnh chiến thắng của Apichatpong, đây còn là chiến thắng của chúng ta, của những ai có niềm tin vào nghệ thuật điện ảnh, những ai tin rằng siêu nhiên là một phần của hiện thực điện ảnh".

Liên hoan phim Cannes - Đẳng cấp qua những kiệt tác - Ảnh 3.

Sự lên ngôi của điện ảnh Đông Á trong năm 2019 với Cành cọ vàng cho phim Hàn Quốc - Ảnh: NME/Japan Forward/Getty Images

Điều kỳ diệu ở những bộ phim hay là chúng luôn có nhiều tầng nghĩa. Hiểu được tầng nghĩa đầu tiên, người xem thích thú, khoái chí. Hiểu đến những tầng nghĩa ẩn sâu bên dưới, họ trải thêm nhiều cung bậc cảm xúc khác, thấm thía và đầy suy ngẫm.

Những ngày cuối tháng 5 này, LHP Cannes đáng lẽ đang diễn ra trên thành phố biển nước Pháp, kéo theo một tháng trời náo nức. Thật khó đong đếm sự mất mát mà COVID-19 gây ra cho người hâm mộ và giới làm phim khi "cướp" mất Cannes.

Chia sẻ với New York Times, nhiều đạo diễn bày tỏ lòng nhung nhớ và trân quý với LHP danh giá. Josh Safdie - đồng đạo diễn phim Good Time từng tranh giải ở LHP Cannes 2017 - kể về thời thơ ấu: "Với cha tôi, LHP Cannes là thánh đường. Khi còn nhỏ, chúng tôi vẫn thường nghe ông la hét phấn khích: "Phim này chiếu ở Cannes! Nó là kinh điển!". Không cần bàn cãi, quyền năng của Cannes đã bao phủ tâm trí chúng tôi".

Parasite - Cành cọ vàng đại chúng nhất

Parasite khác biệt với nhiều Cành cọ vàng bị cho là "phim hàn lâm" xa lạ. Phim được khán giả Việt chú ý khi công bố hình ảnh ấn tượng về gia đình nghèo với nhà vệ sinh cáu bẩn, poster bí ẩn với tất cả nhân vật bị "bịt mắt".

Khi phim giành Cành cọ vàng vào tháng 5-2019, cơn sốt ở Việt Nam bùng nổ. Ra rạp Việt tháng 6-2019, Parasite lập kỷ lục phim Hàn Quốc có doanh thu cao nhất ở Việt Nam với 65 tỉ đồng (riêng đợt chiếu đầu tiên). Phim có hai đợt quay lại rạp sau giải Oscar 2020 và sau giãn cách xã hội đầu tháng 5. Parasite cũng được khán giả Việt Nam thuộc làu tình tiết và phân tích, mổ xẻ trên khắp mạng xã hội.

Theo tuoitre