Ngày 25/6 vừa qua, kết quả kỳ thi đại học ở Trung Quốc chính thức được công bố. Những người chưa đạt điểm như kỳ vọng lựa chọn thử sức vào năm sau.
Cổng trường Trung học Maotanchang (Lục An, An Huy, Trung Quốc) ngay lập tức đông đúc người đến. Phụ huynh, học sinh quyết tâm giành một suất học lại để chuẩn bị cho kỳ thi đại học tới.
|
Phụ huynh xếp hàng chờ đăng ký cho con vào học lại tại trường Maotanchang. Ảnh:Sohu.
|
Phụ huynh xếp hàng dài chờ đăng ký dù học phí đắt đỏ
Đề thi đại học năm 2022 của Trung Quốc có độ khó cao, đặc biệt là môn Toán. Nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá đề thi đại học môn Toán năm nay khó nhất trong lịch sử.
Nhiều học sinh bật khóc ngay khi bước ra khỏi cổng trường vì đề thi quá khó so với mặt bằng chung các năm trước. Kết quả thi không như ý khiến nhiều phụ huynh và học sinh phải lựa chọn ôn tập lại một năm để dự thi vào năm tiếp theo.
Sau khi kết quả thi đại học được công bố, các bậc phụ huynh lại càng nóng lòng tìm đến các địa điểm ôn thi để đăng ký giữ chỗ. Các lò luyện thi có tiếng tăm như Maotanchang lại càng trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi của phụ huynh.
Maotanchang là một trường Trung học nổi tiếng với tỷ lệ học sinh đỗ vào đại học hàng năm lên tới 80%. Đây là ngôi trường có cách thức quản lý giờ giấc, sinh hoạt và học tập của học sinh rất nghiêm ngặt.
Được biết, thời gian học tập của các học sinh theo học tại đây kéo dài từ 6h cho đến 23h. Thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, tập thể dục cũng được quy định một cách rõ ràng.
Cùng với tỷ lệ đỗ đại học ở mức cao, chi phí học tập tại đây rất đắt đỏ. Học phí ở ngôi trường này được phân chia theo học lực của học sinh, điểm đầu vào càng thấp, học phí càng cao. Mức cao nhất lên đến hơn 43.000 nhân dân tệ (tương đương 150 triệu đồng) cho một kỳ học.
Bất chấp học phí cao ngất ngưởng, nhiều phụ huynh vẫn không do dự lựa chọn đăng ký cho con theo học tại đây để đạt được điểm số khả quan hơn trong lần thi tiếp theo.
Cảnh tượng phụ huynh và học sinh xếp hàng dài tại cổng trường Maotanchang càng chứng tỏ mức độ cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi đại học tại quốc gia này.
|
Nhiều học sinh đạt điểm cao vẫn lựa chọn thi lại khiến kỳ thi gaokao ở Trung Quốc ngày càng cạnh tranh gay gắt. Ảnh:Sohu.
|
Tỷ lệ học lại, thi lại ở Trung Quốc tăng cao
Trong những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Trung Quốc có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số lượng thí sinh tham gia thi đại học hàng năm lại tăng cao.
Theo NetEase, trong kỳ thi đại học năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 10,87 triệu thí sinh dự thi, trong đó, số học sinh thi lại đạt 1,87 triệu. Nói cách khác, khoảng 100 thí sinh lại có 17 em là thí sinh thi lại.
Tỉnh Hà Nam là một điển hình. Trong số hơn một triệu thí sinh tham dự kỳ thi đại học, 40% không phải thi gaokao lần đầu. Điều này khiến cho mức độ cạnh tranh trong kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc càng trở nên khốc liệt.
Số lượng thí sinh học lại thi lại đang ngày càng gia tăng. Không chỉ những học sinh có thành tích kém, không đỗ vào đại học mới lựa chọn học lại, một số em đạt điểm xuất sắc nhưng chưa được nhận vào ngôi trường như mong muốn cũng quyết định thi lại lần hai.
Nhiều thí sinh bị cuốn vào vòng lặp thi cử không lối thoát, không những làm tốn thời gian và tiền bạc của gia đình mà còn làm lãng phí nguồn lực giáo dục.
Để khống chế tỷ lệ học sinh thi lại ngày càng gia tăng, một số địa phương ở Trung Quốc như Tứ Xuyên, Quý Châu đã ban hành quy định mới về việc học lại và thi lại. Thông báo quy định rõ rằng các trường trung học phổ thông công lập không được phép nhận học sinh có mong muốn thi lại vào học.
Điều này có nghĩa nếu các thí sinh không hài lòng với điểm thi của mình và muốn học lại một năm, họ bắt buộc phải lựa chọn học tại các trường tư thục.
Học phí của các trường tư thục thường cao hơn so với các trường công lập. Bầu không khí thi đua học tập cũng phần nào thua kém. Điều này khiến các thí sinh, phụ huynh phải cân nhắc kỹ lưỡng về việc học lại, thi lại.
Theo Zing